Cổ phiếu của Hóa chất Đức Giang đang tiến về vùng đỉnh lịch sử. |
Thông tin công bố trên HoSE, ông Vũ Văn Ngọ - thành viên Ban kiểm soát CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC) đăng ký bán 350.000 cổ phiếu DGC trong thời gian từ ngày 4/3-2/4, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn.
Dự kiến sau giao dịch, ông Ngọ sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,12% (472.921 cổ phiếu) xuống 0,03% (122.921 cổ phiếu).
Ông Vũ Văn Ngọ muốn thoái vốn tại DGC trong bối cảnh cổ phiếu đang vào nhịp tăng. Kết phiên 28/2, mã đóng cửa ở mức giá 110.500 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 6/2022 – tăng 24% so với thời điểm cuối tháng 1/2024. So với cách đây 1 năm, DGC đã tăng giá 130%. Trong quá khứ, cổ phiếu của Hóa chất Đức Giang từng lập đỉnh ở vùng giá 126.000 đồng/cp.
DGC được các đơn vị phân tích kỳ vọng sẽ phục hồi lợi nhuận kể từ cuối năm 2023. Tuy nhiên kết quả kinh doanh quý 4 vừa cho thấy công ty vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng này. Doanh thu thuần của DGC đạt 2.388 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước và giảm 3% so với quý 3 trước đó. Lợi nhuận sau thuế ở mức 746 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức lợi nhuận quý thấp nhất của Hóa chất Đức Giang kể từ quý 4/2021.
Lũy kế cả năm 2023, tổng doanh thu của DGC đạt 9.748 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế ở mức 3.250 tỷ đồng, chỉ bằng 54% so với kết quả thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 3.109 tỷ đồng, so với cùng kỳ đạt 5.565 tỷ đồng.
DGC có lẽ được kỳ vọng hơn ở triển vọng dài hơi, đặc biệt là khi ngành công nghiệp bán dẫn trở thành từ khoá “hot” trong thời gian gần đây. Photpho vàng và Acid phosphoric là các nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn. Giá của hai nguyên liệu này được dự báo sẽ diễn biến tích cực hơn khi ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu photpho vàng lớn nhất châu Á, Hóa chất Đức Giang được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng của ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu photpho của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hoá nguồn cung ngoài Trung Quốc.