Trong tuần vừa qua (từ ngày 20/5 đến 26/5) tiếp tục có thêm 5 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng trung bình khoảng 0,1% - 0,2%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa điều chỉnh tăng 0,2 điểm % lãi suất tiết kiệm tại tất cả kỳ hạn. Theo đó, lãi suất ngân hàng này đang dao động từ 3,4% - 5,9%/năm với kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,4%/năm khi khách hàng gửi tiền online, lĩnh lãi cuối kỳ và cao nhất ở mức 5,9%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 18 - 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Trong khi đó, vào ngày 23/5, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng lên mức 4,7%/năm, trở thành mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của ABBank.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ngày 21/5 đã thông báo tăng lãi suất huy động thêm 0,1% - 0,3%/năm tại các kỳ hạn ngắn. Đáng chú ý, đây là lần thứ 3 ngân hàng này có động thái tăng lãi suất trong tháng 5 này.
Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến tại kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,3%/năm lên mức 2,8%/năm và kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng thêm 0,1%/năm lên 3,1%/năm. Các kỳ hạn còn lại vẫn được VIB giữ nguyên.
Trong 2 lần trước, VIB đã điều chỉnh lãi suất huy động vào ngày 4/5 với mức tăng thêm 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 - 5 tháng và 15 - 18 tháng. Tiếp đó, ngày 8/5, ngân hàng này tăng cũng tăng 0,2%/năm lãi suất các kỳ hạn 2 - 11 tháng. Hiện lãi suất huy động cao nhất đang được VIB áp dụng là 5,1%/năm, dành cho tiền gửi trực tuyến 24 - 36 tháng.
Cũng trong ngày 21/5, một ngân hàng lớn đã tăng lãi suất tiền gửi là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Theo đó, với tiền gửi của khách hàng cá nhân thông thường và nhận lãi cuối kỳ, ngân hàng này đồng loạt tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1 - 15 tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm và các kỳ hạn dài hơn vẫn được giữ nguyên.
Kỳ hạn 1 tháng tăng từ 2,1%/năm lên 2,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 2,3%/năm lên 2,5%/năm, kỳ hạn 3 - 4 tháng tăng từ 2,5 - 2,6%/năm lên cùng mức 2,7%/năm, kỳ hạn 5 tháng tăng từ 2,7%/năm lên 2,8%/năm.
Trong khi đó, kỳ hạn 6 - 8 tháng tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm, kỳ hạn 9 - 10 tháng tăng từ 3,6%/năm lên 3,7%/năm, kỳ hạn 11 tháng tăng từ 3,7%/năm lên 3,8%/năm và kỳ hạn 12 - 15 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm.
Đối với kỳ hạn 18 tháng, MB đang niêm yết lãi suất ở mức 4,6%/năm còn kỳ hạn 24 - 60 tháng tiếp tục được áp dụng mức lãi suất 5,6%/năm.
Nhà băng còn lại trong danh sách nêu trên là Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đầu tuần qua đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất với mức tăng 0,3% tại các kỳ hạn 1 - 18 tháng. Với việc điều chỉnh lãi suất mới nhất, lãi suất tiết kiệm online dành cho khách hàng cá nhân tại HDBank dao động từ 3,25%/năm-6,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 1 - 18 tháng.
Như vậy, tính từ đầu tháng 5 trở lại đây, đã có gần 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: ACB, VIB, VPBank, HDBank, MB GPBank, NCB, ABBank, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank. Trong đó có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng từ 2-3 lần như Techcombank, ABBank, MB, NCB, SeABank, CB, VIB.
Lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1% vào cuối năm
Tuy nhiên mức tăng này chủ yếu xuất hiện ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có cổ phần Nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
Trước đó, tại hội thảo "Dự báo thị trường và chiến lược đầu tư" ngày 23/5, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhìn nhận động thái tăng lãi huy động của các ngân hàng đang nhằm mục tiêu cân bằng lợi tức so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Đồng thời, thị trường Việt Nam cũng phải đi theo xu hướng của các thị trường quốc tế. "Rõ ràng các nước vẫn đang giữ lãi suất cao hơn và ở mức lâu hơn, chúng ta không thể cứ mãi đi ngược, phải cân bằng lãi suất trong nước để hài hòa với các nước cùng hoạt động kinh doanh trong khu vực và thế giới", ông Quang nêu quan điểm.
Từ những phân tích trên, ông Quang cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau.
Chuyên gia của UOB Việt Nam nhận định, thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ, tức từ trạng thái thả lỏng như hiện nay sang thắt chặt để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tỷ giá.