Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters |
“Các giao dịch xuất khẩu và nhập khẩu liên quan đến Israel đã bị dừng lại, áp dụng với tất cả các mặt hàng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nghiêm túc và dứt khoát các biện pháp mới này cho đến khi Chính phủ Israel cho phép dòng viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn tới Gaza,” Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong tuyên bố ngày 2/5, theo Reuters.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ vi phạm các thỏa thuận nếu ra lệnh cấm các cảng nước này xuất và nhập khẩu hàng Israel. Ông cho biết đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Israel ngay lập tức tạo ra các lựa chọn thay thế trong thương mại đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung vào sản xuất trong nước và nhập khẩu từ các nước khác.
Nhật báo tài chính Globes của Israel cho biết, các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn xuất khẩu hàng hóa sang cảng Haifa và Ashdod, trong khi hàng hóa của Israel đến Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được dỡ xuống.
Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã bình thường hóa quan hệ vào năm 2022 bằng cách bổ nhiệm các Đại sứ sau nhiều năm căng thẳng. Hai nước có kim ngạch thương mại đạt 6,8 tỷ USD vào năm 2023. Theo Cục Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng 3/2024, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Israel đạt tổng cộng 437 triệu USD, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hàng hóa trị giá 167 triệu USD từ Israel.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã lại trở nên xấu đi kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra vào tháng 10/2023. Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết tình hình giữa Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn. Nước này cũng chỉ trích Israel khi cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng gia tăng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi Israel là “nhà nước khủng bố”, cáo buộc nước này phạm tội “diệt chủng” đối với người dân Palestine ở Dải Gaza. Ông kêu gọi xét xử các lãnh đạo Israel vì tội ác chiến tranh tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), đồng thời lặp lại quan điểm của ông cũng như của Ankara rằng Hamas không phải là “tổ chức khủng bố mà là một đảng chính trị đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp gần đây nhất của Palestine được tổ chức vào năm 2006”.
Ngày 9/4, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố hạn chế thương mại đối với Israel - động thái lớn đầu tiên của Ankara nhằm phản đối Tel Aviv. Nước này áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với 54 sản phẩm sang Israel, bao gồm xi măng, thép, nhôm, sắt, vật liệu và thiết bị xây dựng.
Khoảng gần 2 tuần trước, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết: “Chúng tôi không còn duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Israel nữa. Mọi chuyện đã kết thúc”.