Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam, đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào từ ngày 6-7/1/2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đứng trên bục danh dự, thực hiện nghi thức chào cờ của hai nước Lào và Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thảo |
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trên cương vị mới, kể từ khi ông nhậm chức cuối tháng 12/2022. Chuyến công du Việt Nam lần này diễn ra gần một năm sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Lào vào tháng 1/2023.
Quang cảnh lễ đón chính thức. Ảnh: Đỗ Thảo |
Hai nhà lãnh đạo chào quốc kỳ. Ảnh: Đỗ Thảo |
Chuyến công tác tại Việt Nam lần này của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone có ý nghĩa rất quan trọng, giúp duy trì và thúc đẩy đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước; tiếp tục tăng cường hơn nữa tình cảm thân thiết, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thảo |
Các chiến sĩ đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thảo |
Thiếu nhi Hà Nội vẫy cờ Việt Nam - Lào tại lễ đón chính thức. Ảnh: Đỗ Thảo |
Sau Lễ đón, hai Thủ tướng di chuyển tới Trụ sở Chính phủ, tham quan trưng bày ảnh về quan hệ Việt Nam - Lào; sau đó hai bên tiến hành hội đàm.
Theo lịch trình, trong thời gian Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone thăm Việt Nam, hai Thủ tướng cũng sẽ đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Thủ tướng Lào sẽ có các cuộc hội kiến với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Hai Thủ tướng và Phu nhân di chuyển tới Trụ sở Chính phủ. Ảnh: Đỗ Thảo |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Ảnh: Đỗ Thảo |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân Vandara Siphandone chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đỗ Thảo |
Hai Thủ tướng chụp ảnh trước khi hội đàm. Ảnh: Đỗ Thảo |
Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Lào đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Quan hệ chính trị - ngoại giao tiếp tục được thắt chặt, ngày càng gắn bó tin cậy. Hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao trên tất cả các kênh. Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Lào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc hội đàm. Ảnh: Đỗ Thảo |
Về hợp tác kinh tế, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào đạt hơn 1,46 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư từ Việt Nam sang Lào cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều năm qua, Lào luôn đứng thứ nhất trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với tổng cộng 241 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 5,47 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đến tháng 11/2023 đạt khoảng 2,7 tỷ USD.
Việt Nam đứng thứ 3 trong các quốc gia trên thế giới đầu tư tại Lào, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác truyền thông và công nghệ thông tin.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone phát biểu tại hội đàm. Ảnh: Đỗ Thảo |
Năm 2022, tổng số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đạt trên 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 7 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh tại Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 114 triệu USD, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch tiếp tục được tăng cường, năm 2023, Việt Nam tiếp tục dành cho Lào 1.100 suất học bổng sang học tập tại Việt Nam, Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người.
Hai nước phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại ASEAN trong bối cảnh Lào sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, thường xuyên phối hợp tại các cơ chế tiểu vùng và Liên Hợp Quốc.