Ảnh minh họa: Khmer Times. |
Đây là nội dung được nêu tại báo cáo được công bố ngày 21/9/2024 của Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia (GDCE).
Báo cáo cho biết, Campuchia xuất khẩu sang các nước RCEP đạt 6,05 tỷ USD (tăng 15% YOY) và nhập khẩu hàng hóa trị giá 16,87 tỷ USD (tăng 18%) từ các đối tác này. Nhóm 5 đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia trong RCEP là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và Singapore.
Theo Quốc vụ khanh kiêm Người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia Penn Sovicheat, RCEP là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Campuchia, đồng thời là “thỏi nam châm” thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này.
Ông nhấn mạnh: “Bất chấp sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và sự suy giảm nhu cầu của thị trường thế giới, RCEP đã thúc đẩy hội nhập và hợp tác thương mại khu vực, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các nước thành viên”.
Về vấn đề này, theo Chuyên gia Kinh tế trưởng của Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô các nước ASEAN+3 (AMRO) Hoe Ee Khor, ưu đãi thuế quan và việc xóa bỏ các rào cản phi thuế quan đã giúp hàng hóa của Campuchia dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn hơn.
Chuyên gia này chia sẻ: “RCEP đã thúc đẩy đa dạng hóa xuất khẩu tại Campuchia. Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh như hàng may mặc, nông sản đã được hưởng lợi, có giá cạnh tranh và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn”.
RCEP bao gồm 15 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Hiệp định được ký kết ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.