Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ảnh: AP |
Bắt đầu từ ngày 22/10, hội nghị Thượng đỉnh BRICS kéo dài 3 ngày sẽ bắt đầu tại thành phố Kazan – thành phố lớn thứ 5 của Nga. Trong khuôn khổ sự kiện này, Tổng thống Brazil dự kiến sẽ có các cuộc gặp gỡ bên lề với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, chuyến đi của ông Lula đã bị buộc phải dừng lại do ông gặp chấn thương. Theo hãng tin RT trích dẫn tuyên bố chính thức, văn phòng của ông Lula ngày 20/10 cho biết: “Theo lời khuyên của bác sĩ, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva sẽ không đến dự hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Kazan do các chuyến bay đường dài tạm thời không có lợi".
Nhà lãnh đạo Brazil đã phải nhập viện sau khi bị thương trong một vụ việc không xác định tại nhà riêng của mình ngày 19/10. Theo một tuyên bố từ Bệnh viện Sirio-Libanes ở Sao Paulo, Tổng thống Brazil nhập viện ngày 20/10 sau khi bị chấn thương ở sau đầu.
"Sau khi được đội ngũ y tế kiểm tra, ông được khuyên nên tránh các chuyến bay đường dài", bệnh viện cho biết. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông khác đưa tin ông Lula bị trượt chân trong phòng tắm và đã được khâu 5 mũi trước khi xuất viện trở về nhà.
Tuyên bố chính thức cũng cho biết ông Lula sẽ tham dự sự kiện thông qua hình thức hội nghị trực tuyến và sẽ bắt đầu trở lại làm việc theo lịch trình bình thường của mình vào cuối tuần này. Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira sẽ tới Kazan tham dự hội nghị Thượng đỉnh BRICS thay cho Tổng thống.
BRICS được thành lập vào năm 2009, gồm 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp Nam Phi vào năm 2010. Vào năm 2024, khối này tiếp tục kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Kể từ đó, 15 quốc gia khác đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập, bao gồm Bahrain, Belarus, Cuba, Kazakhstan, Pakistan, Sénégal và Venezuela. Đầu tháng 6, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết khoảng 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.
Với dân số khoảng 3,5 tỷ người, khối BRICS mở rộng chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương (PPP) so mức 30% của khối G7. Trong vòng 4 năm tới, người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), Dilma Rousseff, cho biết BRICS đặt mục tiêu vượt qua G7 về GDP danh nghĩa toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2024 sẽ diễn ra tại Kazan, Nga vào ngày 22-24/10. Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã tuyên bố rằng Nga, với tư cách là chủ tịch BRICS trong năm 2024, sẽ đóng góp vào việc phát triển hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa.
Ngoài ra, các ưu tiên khác còn bao gồm thúc đẩy hợp tác trong công nghệ, khoa học, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, giao lưu thanh niên và xã hội dân sự. Phương châm của Nga khi làm chủ tịch BRICS là "tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng".