Tổng thống Indonesia Joko Widodo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta ngày 5/9. Ảnh: ASEAN |
So sánh ASEAN với hình ảnh một con tàu lớn, nhà lãnh đạo Indonesia cho biết khối có trách nhiệm đối với hàng trăm triệu người đang cùng nhau đi trên con tàu này.
Theo Straits Times trích dẫn bài phát biểu của ông Widodo tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 ngày 5/9, ông cho biết: “Mặc dù phải vượt qua cơn bão, chúng ta với tư cách là những nhà lãnh đạo, phải đảm bảo rằng con tàu này có thể tiếp tục ra khơi và chúng ta phải làm chủ trên con tàu của chính mình để đạt được hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Tổng thống Indonesia khẳng định thông điệp nhất quán rằng ASEAN sẽ không trở thành đại diện cho bất kỳ cường quốc nào và sẽ hợp tác với tất cả các đối tác vì hòa bình và thịnh vượng.
Ông tuyên bố: “Đừng biến con tàu ASEAN của chúng ta thành một đấu trường cạnh tranh tiêu diệt lẫn nhau mà hãy biến con tàu ASEAN này thành không gian thúc đẩy hợp tác tạo ra sự thịnh vượng, ổn định và hòa bình không chỉ cho khu vực mà còn cho cả thế giới”.
Nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo ASEAN khác, ông Widodo khẳng định những thách thức trong tương lai sẽ “ngày càng khó khăn và dẫn đến sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc”. Trong bối cảnh đó, sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN là chìa khóa để giải quyết vấn đề này.
Tổng thống Widodo giải thích sự thống nhất không đồng nghĩa với việc sự khác biệt về quan điểm không tồn tại mà thay vào đó là sự hài hòa trong đa dạng.
“Sự khác biệt về quan điểm thực sự nuôi dưỡng nền dân chủ và thể hiện chính xác rằng chúng ta với tư cách là một gia đình có vị trí bình đẳng”, ông nói.
Theo ông, “các đại dương trên thế giới quá rộng để có thể di chuyển một mình. Trên đường đi sẽ có các tàu khác, các tàu đối tác của ASEAN. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác bình đẳng cùng có lợi để hướng tới tâm điểm của sự tăng trưởng”.
Với chủ đề “Các vấn đề ASEAN: Tâm điểm của sự tăng trưởng”, các ưu tiên của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 43 là đặt nền tảng vững chắc cho tầm nhìn dài hạn của nhóm, tăng cường khả năng phục hồi khi đối mặt với những thách thức hiện tại và tương lai, củng cố vị thế của khối như một tâm điểm của tăng trưởng và đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và hòa bình.
Các cuộc họp trong khuôn khổ sự kiện sẽ kéo dài 3 ngày từ 5 – 7/9 sẽ bao gồm các phiên họp toàn thể và bế mạc của Hội nghị Cấp cao ASEAN cũng như các cuộc gặp cấp cao khác với các đối tác đối thoại bao gồm Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị Cấp cao ASEAN+3.
Theo kế hoạch đề ra, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến sẽ quyết định hành động tiếp theo của nhóm liên quan đến Myanmar sau khi xem xét việc thực hiện kế hoạch hòa bình năm 2021 do các ngoại trưởng tiến hành hôm 4/9.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng dự kiến sẽ đưa ra các thỏa thuận khác bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng xanh và chuỗi cung ứng linh hoạt, an ninh lương thực, nền kinh tế kỹ thuật số và hệ sinh thái thanh toán.