Truyền thông là công cụ để kinh tế Cà Mau nâng cao 'sức khỏe'

Truyền thông là công cụ để kinh tế Cà Mau nâng cao 'sức khỏe'

Cà Mau truyền thông
07:39 - 21/06/2023
Truyền thông đang ngày càng thể hiện rõ vai trò trên chặng đường phát triển của Cà Mau, khi góp phần mang chính sách đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, lan tỏa tiềm năng đầu tư, góp phần đưa kinh tế tỉnh "vươn biển khơi".

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt về công tác truyền thông và chính sách trong bức tranh kinh tế của tỉnh thời gian qua.

Mekong ASEAN: Các chính sách của Nhà nước và tỉnh Cà Mau thời gian qua đã tác động ra sao đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, thưa ông? Theo ông, truyền thông đóng vai trò như thế nào trong việc đưa thông tin chính sách đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Trên cơ sở các chính sách của Nhà nước và tỉnh ban hành, Cà Mau đã tập trung quản lý, khai thác, huy động mọi nguồn lực với quyết tâm phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế để đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Qua đó, tình hình phát triển kinh tế của Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,5%; GRDP bình quân đầu người đạt gần 61 triệu đồng; thu ngân sách đạt 5.369 tỷ đồng, vượt 22% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm trước.

Lĩnh vực sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp tăng trưởng 4,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,6%. Nhiều dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo đang được mời gọi đầu tư khai thác theo quy hoạch, từng bước phát huy hiệu quả.

Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, tăng trưởng 10,7% so với năm 2021; tổng lượt khách tham quan, du lịch đạt 1,5 triệu lượt (vượt 25% kế hoạch), doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng (vượt 46,7% kế hoạch); môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

6 tháng đầu năm 2023, ước GRDP của tỉnh đạt 8,61%. Trong đó, sản lượng thủy sản tăng 4,1% (tôm tăng 5,8%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8% (sản lượng khí thương phẩm tăng 30%; khí hóa lỏng tăng 41,3%, điện sản xuất tăng 41,5%; chế biến tôm tăng 3,3%, phân bón tăng 9,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 15%; lượt khách tham quan du lịch tăng 59%.

Để đạt được kết quả này cũng có sự đóng góp lớn của công tác truyền thông khi đây là hoạt động quan trọng của chính quyền các cấp nhằm đưa thông tin về chính sách đến người dân, giúp nhân dân hiểu và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Công tác truyền thông về các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt coi trọng với phương châm "truyền thông phải đi trước" để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Từ thực trạng và kinh nghiệm thực tiễn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã cần thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách, coi đây là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính Nhà nước. Từ đó, định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để thực hiện truyền thông chính sách hiệu quả. Đồng thời bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông; bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông trọng điểm…

Mekong ASEAN: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc kết nối người dân và doanh nghiệp với chính quyền?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Báo chí là phương tiện truyền thông chính thống của Đảng và Nhà nước. Vai trò của báo chí với truyền thông chính sách là truyền thông chính xác và chính yếu, đầy đủ, trọn vẹn về chính sách công.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách ngày 22/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: “Truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách”.

Mekong ASEAN: Khu kinh tế Năm Căn được biết đến là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Tỉnh đã có những chính sách, kế hoạch truyền thông nào để thu hút nhà đầu tư, thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Khu kinh tế Năm Căn được thành lập năm 2010, là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành gồm khu phi thuế quan (công nghiệp - thương mại - dịch vụ) và khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng). Khu kinh tế là đầu mối giao thương phía Nam của tỉnh Cà Mau, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế.

Hiện nay, các dự án đầu tư vào khu kinh tế Năm Căn đều hưởng những chính sách ưu đãi chung của cả nước, mức ưu đãi cao nhất do nằm ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong đó, có ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất với việc miễn không quá 3 năm trong thời gian xây dựng cơ bản; miễn 15 năm đối với dự án không thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư; 19 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời hạn thuê đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Ưu đãi miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định.

Ngoài ra, dự án đầu tư tại khu kinh tế Năm Căn còn được hỗ trợ các vấn đề khác liên quan như đào tạo nghề và giới thiệu lao động; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ khuyến công; hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Bên cạnh đó, Cà Mau đặc biệt xây dựng kế hoạch truyền thông để doanh nghiệp ngoài tỉnh biết đến các chính sách như phát hành ấn phẩm về các dự án mời gọi đầu tư; tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch hằng năm; tiếp cận và làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng; tổ chức và đón tiếp nhà đầu tư đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư, theo nguyên tắc; rút ngắn thời gian về các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư...

Mekong ASEAN: Ông có thể cho biết rõ hơn công tác truyền thông chính sách đóng vai trò ra sao trong việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU, một nhiệm vụ quan trọng của Cà Mau hiện nay?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU, trong đó xác định công tác truyền thông phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, từ đó đưa chính sách đến gần người dân và tạo sự đồng thuận trong công tác chống khai thác IUU.

Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống khai thác IUU như tập huấn tuyên truyền ngư dân khai thác thủy sản không vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức các cuộc tuyên truyền chống khai thác IUU; tuyên truyền quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo đài trong tỉnh, cổng thông tin điện tử tỉnh tuyên truyền các văn bản của Trung ương và tỉnh về giải pháp khắc phục hạn chế và chống khai thác IUU. Từ đó, thay đổi nhận thức của người dân khi chống khai thác IUU không chỉ gỡ bỏ thẻ vàng mà còn vì mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, hướng đến ổn định sinh kế.

Khi các hành vi vi phạm khai thác IUU bị lực lượng chức năng phát hiện sẽ được truyền thông rộng rãi, tạo sự răn đe trong cộng đồng.

Mekong ASEAN: Tại Nghị quyết số 05-NQ/TU về Chuyển đổi số, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 có 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nền tảng chuyển đổi số, ông có thể cho biết tỉnh đã có kế hoạch truyền thông nào để đạt mục tiêu này?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và chuyển đổi số khác như Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 1/8/2022 UBND Ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 19/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 và giai đoạn năm 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau...

Hiện nay, tỉnh chỉ đạo truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều kênh thông tin khác nhau như xây dựng triển khai chuyên mục “Chuyển đổi số”; triển khai Ứng dụng chính quyền điện tử (CaMau-G), doanh nghiệp dễ dàng tương tác, sử dụng các dịch vụ số do chính quyền cung cấp…

Ngoài ra, tỉnh còn có các kênh như “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau” trên zalo, “Trang thông tin tỉnh Cà Mau” trên Facebook, hỗ trợ cho việc tuyên truyền, quảng bá các hình ảnh, sự kiện chuyển đổi số nổi bật của tỉnh.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh hiện nay, tỉnh Cà Mau đã, đang và sẽ có những chiến lược cụ thể nào về truyền thông chính sách, đặc biệt trong việc kết nối với các cơ quan báo chí, thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Báo chí là phương tiện truyền thông chủ lực, nhưng công tác truyền thông chính sách lại là sứ mệnh và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp cùng gánh vác.

Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ truyền thông, trong tháng 3 vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng dự thảo chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ của tỉnh; tổ chức tập huấn kỹ năng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở địa phương...

Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách theo thẩm quyền.

Trong đó, thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

Đồng thời, tỉnh chủ động đổi mới phương thức truyền thông, xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm, bố trí bộ phận truyền thông tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Tỉnh cũng chú trọng, đẩy mạnh việc tiếp xúc trực tiếp, qua các tổ chức để giải quyết chính sách hoặc xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật…

Cùng với báo chí và nhiều kênh truyền thông khác nhau, thời gian qua tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, các đơn vị địa phương trong tỉnh xác định những vấn đề nóng, chủ động tăng cường đối thoại trực tiếp, phân tích, phản biện. Thông qua hình thức này mà nhiều vụ việc và chính sách cụ thể của từng lĩnh vực đã được người dân và doanh nghiệp đồng thuận và thống nhất về suy nghĩ và hành động.

Rõ nhất là việc tuyên truyền thực hiện bồi hoàn giải phóng mặt bằng để triển khai tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau, các dự án công trình giao thông khác hay truyền thông về đóng góp sửa đổi Luật Đất đai, truyền thông về “69 ngày đêm thực hiện thủ tục hành chính”… đều tạo được sự đồng thuận rất cao của người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh cũng đã và đang triển khai đặt hàng các cơ quan báo chí để thực thi những nhiệm vụ chính trị quan trọng, hướng đến đưa chính sách vào cuộc sống.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp