Ông Andriy Yermak – người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, phát biểu ngày 11/6, ông Andriy Yermak - người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, dựa trên kinh nghiệm của các cuộc đàm phán liên quan đến Nga trước năm 2022, cần phải kết thúc cuộc chiến tại Ukraine dựa trên nền tảng hỗ trợ rộng rãi ngay từ đầu và dựa vào luật pháp quốc tế.
“Đối với hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, chúng tôi sẽ làm việc với tất cả đồng nghiệp, tất cả các quốc gia mong muốn tham gia. Chúng tôi đang có kế hoạch cùng nhau chuẩn bị một kế hoạch chung được tất cả các quốc gia có trách nhiệm hỗ trợ,” ông Yemark nói.
Quan chức này đồng thời tiết lộ: “Chúng tôi đang xem xét khả năng mời một đại diện của Nga tham gia trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai và chúng tôi sẽ cùng trình bày kế hoạch này”.
Nhà ngoại giao Kiev nhấn mạnh rằng, một quan điểm được “100 quốc gia trở lên” từ mọi châu lục ủng hộ, thay vì chỉ quan điểm của Ukraine, “sẽ là một kế hoạch thực sự và sẽ rất khó để gây ra tranh cãi”. “Nó sẽ là một lộ trình thực tế về cách ngăn chặn cuộc chiến này và cách giải quyết cuộc khủng hoảng,” ông Yemark cho hay.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine sẽ được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Thụy Sĩ, vào ngày 15-16/6. Hội nghị dự kiến xoay quanh lộ trình “công thức hòa bình 10 điểm” do Tổng thống Ukraine Zelensky đề xuất nhằm chấm dứt xung đột với Nga.
Hơn 160 quốc gia và tổ chức quốc tế đã được Thụy Sĩ mời tham dự hội nghị. Tại cuộc họp báo ngày 10/6, các quan chức Thụy Sĩ cho biết, có 90 quốc gia và tổ chức đã đăng ký tham gia, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ.
“Chúng tôi nghĩ rằng đây đã là một thành công, bởi vì có một số lượng lớn quốc gia từ khắp các châu lục tham gia,” ông Andriy Yermak nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Kiev “sẵn sàng thảo luận mọi ý kiến” từ các bên tham dự nếu họ có thể giúp chấm dứt xung đột.
Quan chức Văn phòng Tổng thống Ukraine khẳng định Kiev “sẵn sàng lắng nghe lập trường của Trung Quốc” và hy vọng Bắc Kinh sẽ tham gia vào quá trình này sớm hơn.
“Chúng tôi sẽ rất vui nếu có đại diện cấp cao của Trung Quốc đến Thụy Sĩ. Nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc và cố gắng làm những gì tốt nhất để họ có thể xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai,” ông tuyên bố.
Dự thảo tuyên bố chung tại hội nghị hòa bình Ukraine có gì?
Nga chưa bình luận về tuyên bố của quan chức Ukraine.
Nga đã nhiều lần tuyên bố không bao giờ tham gia hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức về cuộc xung đột tại Ukraine, cho rằng “công thức hòa bình 10 điểm” của Tổng thống Zelensky là phi thực tế. “Nga không có ý định tham gia một hội nghị như vậy, ngay cả khi được mời chính thức,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2/5 cho biết.
Trung Quốc hôm 31/5 cho biết họ “khó tham dự” hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine, nhấn mạnh rằng sự kiện này chưa đáp ứng các điều kiện mà Bắc Kinh đã nêu ra, trong đó yêu cầu sự tham gia của Nga.
Về phía Mỹ, trong tuyên bố ngày 3/6, Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ đại diện Mỹ tham dự hội nghị. Thông tin trên đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự hội nghị tại Thụy Sĩ. Mặc dù Nhà Trắng không nêu lý do, nhưng ông Biden được cho là sẽ có mặt tại buổi gây quỹ tranh cử ở Los Angeles.