Về-hưu.life: Một lối sống khác trên phương diện tài chính cá nhân

về hưu CHỨNG KHOÁN
18:52 - 26/07/2023

"Nhân dịp thị trường cổ phiếu Việt Nam chuẩn bị đón sinh nhật thứ 23 vào cuối tháng này, việc nhìn lại ở một sắc thái khác có lẽ là rất đáng. Tôi xin bắt đầu bằng việc giải thích tiêu đề, như một cách miễn trừ với người đọc có ham muốn khác đi so với mục tiêu của những dòng chữ dưới đây", bài viết của Vương Quân Hoàng cho Mekong ASEAN.

Người biết chuẩn bị cho hệ thức “Về-hưu.life” mà tôi đề cập ở đây nên được hiểu là có cách nhìn hợp lý, biết tới chính niệm và có sự chuẩn bị để có thể tự tại về tài chính cá nhân lo cho bản thân, gia đình.

Một trong những hệ thống phương tiện giúp điều ấy có thể được thực hiện chủ động hơn chính là thị trường cổ phiếu. Tôi không nói tới “chứng khoán” chung chung, mà chỉ đích danh cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết.

Về = Trở lại. Hưu = Trạng thái nhàn, ít động lực phát triển cao-rộng-xa-nhanh, chủ yếu để bảo tồn sinh lực, lấy nhàn nhã làm trọng. Chấm (.) = Thường dùng cuối câu, hiểu theo nghĩa chấm hết, tận cùng. Life = Đời.

Nhưng tuyệt nhiên, tiêu đề này không để nói rằng “Trở lại với thời kỳ giảm năng suất, không chú trọng tăng trưởng kinh tế và lấy sự nhàn nhã thân tâm làm trọng nghĩa là chấm hết.” Tuyệt nhiên không phải, vì còn thở, còn hoạt động là vẫn còn niềm vui sống.

Xin được miễn trừ với những mong muốn kiểu như "sau một tuần trở nên giàu có", hay vay mượn những khoản tiền khổng lồ để tất tay trong một cú áp-phe một cổ phiếu “nghe đồn sắp có trò hay lắm”.

Những người có chính niệm với cuộc đời ở đoạn năng suất giảm, sinh sống với giá trị lao động quá khứ, và mong muốn tạo thêm giá trị từ thông tin và phân tích, sẽ hiểu cổ phiếu khác đi: Trao tài sản của mình cho những ban giám đốc có triết lý kinh doanh phù hợp, có nết làm, nết trả cổ tức, và biết huy động sức mạnh tập thể hàng nhiều ngàn lao động để tạo ra sản lượng và lợi tức cho xã hội.

Ấy là nền móng của sức bền, sinh lực và sự an lạc với khoản đầu tư. Ấy là sự thưởng ngoạn vẻ đẹp kể cả trong những cơn co thắt tím tái của thị trường cổ phiếu.

Tất cả những điều ấy sẽ được trình bày ngay dưới đây.

Nhưng trước tiên, hãy nói về vài số phận có liên quan tới bài viết này.

1. Câu chuyện thứ nhất. Một cán bộ tài chính ở một bệnh viện trung ương. Anh ấy nghèo, sống rất tử tế, và hết lòng giúp bệnh nhân. Cả đời không biết cầm phong bì bao giờ. (Trong cơ quan gọi là “gàn dở”.) Mong ước của anh bạn là khi về hưu, sau khoảng chục năm nữa, mỗi tháng sẽ có thêm một đôi triệu đồng bổ sung vào quỹ lương hưu, mà biết chắc sẽ khá eo hẹp. Với ước mơ có được một danh mục chừng 100 triệu đồng, rồi sau đó lên 200, hoặc hơn thì tốt, ở thời điểm tháng 7-2020.

Tôi chỉ ra rằng, điều này thực hiện được, nhưng cần bền bỉ thực hiện một lối sống khác. Lương thiện nhưng có xử lý thông tin để đầu tư. Bây giờ, sau đúng 3 năm, anh bạn vui vẻ thông báo đã đạt tới danh mục 310 triệu đồng. Tôi đánh giá, danh mục này sẽ lên vượt 1 tỷ, trước khi bạn tôi về hưu.

2. Câu chuyện thứ hai. Một cán bộ nghiên cứu thuộc trung tâm do tôi phụ trách. Chúng tôi sống bằng nghề nghiên cứu khoa học. Lương nghiên cứu. Thưởng nghiên cứu. Các công việc phụ trợ có thể có thêm chút ít thu nhập dư ra cũng từ nghiên cứu (báo cáo, đánh giá, nhận xét). Nếu phải liệt kệ danh mục các nghề nghèo, thì chắc nghề nghiên cứu sẽ được gọi tên. Tuy vậy, việc đầu tư cổ phiếu lại càng có ích. Điều tiết lương để đầu tư, quản lý tiền bạc cho chính gia đình. Và khi lập gia đình riêng, thống nhất kế hoạch đầu tư của hai vợ chồng. Bạn tiến sỹ trẻ này chưa tới 30 tuổi, và đang quản lý 3 danh mục đầu tư cho mình, vợ và nghe nói là cả... mẹ vợ! Nếu giữ nết, đạo, thuật đầu tư... tôi có thể mường tượng được tài sản của chàng tiến sỹ này ở tuổi 50. Không bé đâu.

3. Câu chuyện thứ ba. Một nhà toán học lừng lẫy, cũng trong nhóm thảo luận đầu tư của chúng tôi. Ông ấy lừng lẫy quá, nên không tiện nêu tên. Cách đây chừng vài tuần, tôi thông báo TMG sắp trả cổ tức 4.500 đồng, mức rất cao, và tới gần 2/3 tổng số cổ tức sẽ trả của 2022. Giá 60-61.000 đồng sẽ cho lợi tức rất tốt, vượt xa ngân hàng và làm cho giá vốn sụt rất mạnh. Nguyên tắc là khi đầu tư mà đã thu hồi lãi, khoản đầu tư còn lại sẽ trở nên an toàn hơn. Ông cười khì khì báo cáo: “Bác ơi, tôi vẫn chung thủy bạn này, từ lúc giá 51 cơ.” Tôi “sụp đổ” tinh thần, vì bản thân đang tìm mua 60-61.000 đồng rất khó khăn (TMG không có mấy ai bán, chứ đừng nói bán giá thấp). Tôi lại tính nhanh, ông bác đã thu hồi khoảng 11.000 đồng cổ tức từ giá 51.000 đồng, vậy thì giá vốn sẽ chỉ còn 40.000 đồng mà thôi. Mức giá này của ông bác thấp tới mức gây “hoảng hốt”.

Sau khi trấn tĩnh, tôi lại thông báo một công ty công nghệ rất hay, ăn nên làm ra, năm nay đạt doanh số lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ, EPS tốt (dù đã phải khấu hao nhiều cho dự án Trung tâm Dữ liệu mới), là HPT, sẽ trả cổ tức 4% tiền mặt và 11% cổ phiếu (lúc đó là do tôi tính và dự báo, bây giờ đã thành hiện thực). Ông bác toán học vĩ đại lại khì khì: “Bác ơi, bạn này tôi cũng cầm khá nhiều gần 2 năm trước.” Trời ơi, lúc đó giá 11.5-12.000 đồng, còn bây giờ tôi đang đi lùng mua ở giá 13.5-14.000 đồng. Giá vốn bác ấy chắc chỉ còn dưới 10, thậm chí chỉ hơn 9.000 đồng một cổ phần. Trong mắt tôi, năng lực sinh lợi của họ nào có thua gì FPT hay CMG, nhưng tương lai thì rộng mở nhiều, vì họ làm giải pháp, phần mềm cao cấp, dữ liệu, an toàn mạng... Hãy chỉ cho tôi một công ty công nghệ hùng mạnh, tăng trưởng tốt, liên tục mở rộng giải pháp và ảnh hưởng, trong 2 năm lượm về 5 giải thưởng Sao Khuê, mà giá đầu 1, đuôi bé tí teo!?

4. Câu chuyện thứ tư. Cuối cùng, một kỹ sư công nghệ thông tin tài năng, đồng tác giả của tôi trong các nghiên cứu, bài dữ liệu và cả chương trình tính toán khoa học. Anh kỹ sư này đã từng làm giám đốc công nghệ thông tin của một công ty chứng khoán. Rất hiểu rủi ro, cho nên chỉ đầu tư khi suy xét kỹ lưỡng và là người trong cả công việc khoa học lẫn đầu tư, được tôi phân công nhiệm vụ phản biện, nói những lời “lùi bước khó nghe” nhất có thể. Tuy nhiên, điều đó không cản trở anh kỹ sư này mua TVA (Sứ Thanh Trì) khi tôi thông báo giá đã xuống 8.9 (giờ là không tưởng) và BMF khi giá sàn 27.8 trước khi bán đi toàn bộ ở mức giá cận đỉnh, với lợi tức ròng trong khoảng 80-100%. Tất cả xảy ra trong vòng chính xác 7 phiên giao dịch.

Kể vài ví dụ để thấy rằng, nguồn lợi từ cổ phiếu là hoàn toàn có thật. Là sức sản xuất. Là năng lực bán hàng. Là tài năng quản lý. Là tầm nhìn lãnh đạo... Nhưng cần một thứ để khai thác sức mạnh này thành sinh lực kinh tế của nhà đầu tư: Khả năng xử lý thông tin để có niềm tin đầu tư.

Thị trường cổ phiếu có một lịch sử lâu dài, từ năm 1997, do những bước thăm dò đầu tiên của Chủ tịch sáng lập, ông Lê Văn Châu, vốn là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Khoảng cuối 1999, ông Nguyễn Trí Dũng, cố Tổng biên tập tờ Vietnam Investment Review và Đầu Tư, điện thoại động viên tôi tham gia đóng góp bài cho ấn phẩm mới là Đầu tư Chứng khoán. Ấn phẩm này tới nay vẫn là lá cờ đầu của thị trường chứng khoán, mở đường đưa thông tin chứng khoán, cổ phiếu tới xã hội, mà thời kỳ ấy ngành ngân hàng còn đang chưa thể phát triển vì số lượng tài khoản ít quá. Trong một lần nói chuyện với bà Dương Thu Hương, Phó Thống đốc NHNN khi đó, có một ý tôi nghe được: Số lượng tài khoản cá nhân còn ít thế này, nói chuyện chứng khoán với cổ phiếu phát triển thì nghe... hoang đường quá. Vâng, lúc ấy đúng là như vậy.

Đến những năm 2000-2003, không khí cổ phiếu vẫn chỉ nóng quanh các bàn cafe của giới trực tiếp làm nghề, cùng lắm một số nhà đầu tư quen mặt, và đôi ba phóng viên chuyên trách. Một lần, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn, đi đôi guốc mộc lạch cạch ra quán cafe, bảo tôi: “Tao thấy đạo rồi. Đạo chứng khoán.” Lúc ấy nghe chữ “đạo” thì tôi phì cười. Nhưng thời gian đã cho biết, ông ấy không sai.

Chữ “đạo” dùng trong bài này, xin trả lại cho chủ của nó, ông Nguyễn Duy Hưng. Lúc ấy SSI cũng còn khó khăn nhiều bề, còn bây giờ thì nói làm chi nữa cho tốn giấy - họ đang quá thành công. Trước đó, có lần giao dịch, ông Hưng cùng tôi sang gặp Tổng giám đốc Techcombank là ông Nguyễn Đức Vinh. Thời kỳ đó vô cùng khó khăn, Techcombank trải qua rất nhiều sóng gió thương trường, anh Vinh chèo lái rã rời tay. Đúng lúc thiếu vốn để mua hệ thống công nghệ tân tiến, tạo nên bước đột phá lịch sử dịch vụ ngân hàng bán lẻ thời kỳ đó ở Việt Nam, Temenos, Nguyễn Duy Hưng của SSI xuất hiện. Nhưng cả hướng phát hành cổ phiếu lẫn trái phiếu đại chúng của SSI đề ra đều bất khả thi... cũng chỉ vì thị trường và thanh khoản quá yếu. Không có gì đảm bảo thành công, trong khi tiền mua công nghệ một khi đã ký hợp đồng thì sẽ phải thanh toán.

Và rồi cũng tới những thời kỳ tăng trưởng rực rỡ... báo chí thay phiên nhau đưa ra các thống kê về tăng trưởng index nhất châu Á, nhì thế giới, v.v...

Nhưng cũng lại xuất hiện những cú sụt giảm thê thảm. Khắp gầm trời tiếng kêu la, rên xiết nổi lên, không khác gì “đoạn trường tân thanh” thời cổ phiếu. Những “bang hội” chứng khoán rụng dần thành viên. Ánh mắt xa xăm nhìn dòng lũ chỉ số xô đi tài sản với quyết tâm nói ra khe khẽ, gắng tai lắm mới thấy: “Mình vẫn quyết bám trụ với thị trường...” Các nhà báo cũng lại bắt đầu viết các bài về số nhà đầu tư thất bại, những gia cảnh khốn khó do “lướt sóng gặp sóng thần”, v.v.. và v.v..

Những điều ấy có thật không? Nói như Tam Quốc Chí thì dù nghe có hoang đường tới đâu thì cũng 7 phần thực 3 phần hư. Bản chất của thị trường là thúc đẩy thanh khoản, và phản ánh niềm tin công chúng, thông qua hành vi đầu tư, tìm kiếm lợi ích bản thân. Câu hỏi chỉ là: Niềm tin nào? Khoản lợi nào? Hành vi nào? Với mong muốn nào?

Sau Covid-19 và những đoạn thăng giáng ghê gớm 2020-2023, thị trường đã đạt mức thanh khoản khổng lồ mỗi ngày giao dịch. Đây là bước tiến lớn xét góc độ toàn nền kinh tế. Đó là nhờ hơn 4 triệu tài khoản đã mở, và hàng ngàn công ty có cổ phiếu niêm yết trên HSX, HNX và UPCOM.

Hành trình 23 năm nhiều thăng trầm cũng mở ra con đường cho những người được kể ở trên có cơ hội chuẩn bị cho sự an toàn tài chính lâu dài, chút một chút một, không quá căng thẳng lên gân, không cần hô hào mục tiêu to lớn sáng bóng. Kiên nhẫn, bền bỉ, quan sát và vui vẻ với thông tin mới mỗi ngày, sẵn sàng đón nhận dù là tốt hay không cho cổ phiếu trong danh mục của mình. Đối với những cá nhân có hệ thức “về-hưu.life” thì TTCK đại diện cho thuật và công cụ của một lối sống khác trên phương diện tài chính cá nhân, cho dù khoản tiền dư ra trước mắt là 600.000 đồng hay 600 triệu đồng.

3 năm nay, chứng kiến các nhịp thăng giáng, tài khoản lúc xanh lúc đỏ, nhưng trong nhóm chúng tôi không có ai phải thốt lên “những tiếng kêu đứt ruột” não lòng, nghĩa là nguyên tắc an toàn cơ bản được thực thi đầy đủ.

“Về-hưu.life” không hưu, không nhàn mà cũng không có gì chấm hết. Thậm chí kể cả người cầm danh mục cổ phiếu dừng cuộc chơi, thì danh mục đó vẫn là tài sản của con cháu, các thế hệ tiếp theo.

Cuộc đời đầu tư không bận, nhưng chẳng quá nhàn ấy giúp nhà đầu tư dài hạn vẫn có cơ hội thưởng thức những bữa tiệc giá xuống và lên một cách bình thản.

Nhưng quá trình này có điều kiện: Đọc thông tin và phân tích. Nếu có tồn tại nhận thức thông tin với một cá nhân, bạn bè có hiểu biết và kinh nghiệm sẽ giúp khắc phục bớt khiếm khuyết. Quá trình sẽ an toàn hơn.

Thực tế, một tập thông tin cơ bản tĩnh cũng đã cho bức tranh khá tốt về cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Những thông tin cơ bản ấy thì ai cũng có thể tiếp cận và đọc hiểu: Giá, EPS, P/E (tính ra từ Giá và EPS), tốc độ tăng trưởng doanh thu (thể hiện khả năng mở rộng sản xuất/dịch vụ và năng lực bán hàng), tốc độ tăng trưởng số lượng cổ phần (kế hoạch và tham vọng về vị thế của doanh nghiệp), số lượng cán bộ nhân viên (đôi khi rất quan trọng với doanh nghiệp, chẳng hạn với nghề công nghệ, ngày nay rất khó tuyển dụng các kỹ sư giỏi), tỷ trọng trả cổ tức trên tổng EPS hàng năm, v.v..

Các thông tin này ngày nay rất phổ biến. Như vậy, nhiệm vụ tiếp theo là hiểu chúng trong bối cảnh động. Bức tranh tĩnh có thể làm nhà đầu tư bối rối, phân vân. Nhưng một giai đoạn đủ dài, có thể cho thấy một xu hướng khả tín.

Hãy lấy ví dụ TMG, ông lớn tinh luyện kẽm. EPS của ông biến thiên theo giá kẽm thế giới. Năm 2021 nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine khiến cho nhiều mặt hàng kim loại xuất khẩu chủ lực của Nga tăng vọt lên trời xanh. Chưa kể hiệu ứng giá kéo cánh, tức là mặt hàng lân cận và có khả năng thay thế cũng vọt lên. Kẽm Việt Nam chất lượng tốt, được tin dùng nhiều năm, TMG sở hữu cả pa-tăng tinh luyện, đương nhiên đạt hiệu quả kinh tế rất cao. EPS đã tăng mạnh từ dưới 4000 đ/CP năm 2020, lên trên 9000 đ năm 2021. Tưởng như 2022 sẽ trở lại mức thấp hơn, nhưng EPS vẫn tăng lên trên 10.000 đồng. Cổ tức của TMG tăng lên tới 7000 đ/CP, tức gần 70% tổng mức lãi ròng trên một cổ phần. Hiển nhiên đây là con số trong mơ.

Ấy vậy nhưng giá cổ phiếu TMG tới mãi cuối tháng 6/2022 cũng vẫn chỉ loanh quanh 60-61. Thực tế này rất tốt, vì trong phép tính của tôi, nếu có 2000 cổ phần TMG, với mức chi trả trung bình 6 năm qua là 5000đ/CP, thì mỗi năm tôi có trung bình 10 triệu đồng lợi tức từ TMG. Nếu tôi đang ở thời kỳ hưu trí, 10 triệu đồng là một tháng lương rất đáng ngưỡng mộ với công chức bình thường. Nếu danh mục có 12 cổ phiếu tương đương TMG, thu nhập sẽ được đảm bảo quanh năm.

Tôi biết, sẽ rất nhiều người bảo: Nếu thế thì làm sao “làm giàu” được? Vâng xin đọc lại phần miễn trừ trách nhiệm, mục tiêu là đi tìm sự an lạc tinh thần trên cơ sở an toàn tài chính. Hơn nữa, cho dù làm giàu có thể khó và chẳng bao giờ nhanh, nhưng nói rằng không có cơ hội để tiếp tục gia tăng tài sản thì sai đấy. Vì còn hai thứ chiến thuật rất giá trị nữa, mà không hề vi phạm nguyên lý an toàn tài chính là: “bão trong bát canh” và “trượt trong mơ”.

Trước khi bàn tới hai chiến thuật khá dễ hiểu này, đôi ba nguyên lý sau đây sẽ rất có ích.

Thứ nhất, đầu tư bằng tiết kiệm từ thu nhập chính đáng, và cố gắng trì hoãn các khoản tiêu dùng không ưu tiên. Triết lý tài chính Do Thái và phương Tây đúc kết hàng ngàn đời rất đáng nghe: “Tiết kiệm là mẹ của mọi khoản đầu tư.”

Ông Warren Buffett còn đẩy triết lý này lên cái mức kỳ cục hơn: Tiết kiệm cho đủ khoản đích đầu tư cái đã, rồi còn lại mới tiêu dùng. Quá đáng đến thế là cùng. Vì nếu lắng nghe ông ấy, thì có vẻ như ta sẽ sống cuộc đời trông có vẻ “bủn xỉn” khá lâu dài.

Tuy nhiên, ông ấy không sai đâu. Chỉ là khi ta nhận ra ta sai, thì đã khá muộn thôi.

Bên cạnh đó, khi Chrysler phá sản phải đi điều trần Quốc hội Mỹ vay tiền, thì câu của Lee Lacocca (1924-2019) là: Hãy nhớ lời cha, nợ nần là độc hại. Khi vay nhiều và bị bán giải chấp, hoặc buộc phải bán tài sản tốt đi trả nợ cho một món tài sản hỏng, ác quỷ Nợ sẽ hiện nguyên hình.

Cho đến giờ, những người đầu tư chúng tôi bên cạnh việc đã mua thành công TVA ở giá 8.9 không tưởng, thì vẫn còn băn khoăn: Tại sao lại tồn tại cái giá như thế, với một doanh nghiệp thương hiệu và truyền thống lịch sử hàng đầu Việt Nam, chỉ để đôi tháng sau họ đã phục hồi và trả cổ tức 700 đ/CP, tương đương gần 7,9%, một mức cổ tức trong mơ. Tôi chỉ có thể đoán: Đáp án sẽ nằm ở một khoản nợ nào đó.

Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc phân tán rủi ro. Nếu muốn có 12 tháng lương hưu, hãy nghĩ tới trước tiên 12 cổ phiếu đã được phân tích kỹ và đáp ứng yêu cầu. Dành thời gian tìm hiểu đủ lâu, căn cứ vào tiên lượng tài chính bản thân, hãy chọn 12 cổ phiếu yêu thích với các thông số kỹ thuật có khả năng đảm bảo.

Đừng đặt mục tiêu quá cao, hãy là người nhìn vào cuộc sống hưu nhàn bản thân, sẽ không cần quá vội vàng, say chiến. Cũng chẳng cần vội đầu tư, vì cuộc đời là tích lũy thì cái danh mục nó cũng vậy mà thôi. Tích lũy ở mức giá tốt.

Nhưng trước tiên, hãy nói về con số 12. Một năm có 12 tháng, hãy để mỗi cổ phiếu lựa chọn “phục vụ” đời sống 1 tháng lương bằng cổ tức mỗi năm. Nếu bạn không tiêu tới 100 triệu đồng/tháng thì 10 triệu đồng cũng có thể là rất tốt với người cao tuổi, không có quá nhiều sinh hoạt, cần sự an tĩnh và chi tiêu thiết yếu hơn. Khi phân bổ, không nhìn vào số lượng cổ phiếu, mà nhìn vào số tiền mình đầu tư, lấy ví dụ nếu danh mục định là 120 triệu đồng, thì về cơ bản, mỗi cổ phiếu sẽ được phân bổ 10 triệu.

Đây là nguyên lý phân tán rủi ro nổi tiếng trong ngành tài chính. Hãy nhớ câu châm ngôn lâu đời trên chợ: Nếu bạn phá sản vì đầu tư cổ phiếu, đó chẳng qua là do phân tán rủi ro chưa đủ tốt mà thôi.

Tuy nhiên, 12 chỉ là vừa đủ, có thể tạo nên một danh mục dự phòng, ví dụ 6 cổ phiếu nữa, bổ sung ở các mức tùy thích, vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và sinh lợi, nhưng không trong mục tiêu chiến lược (tức là phải nắm cho đủ lượng giá trị đích).

Thứ ba, kiên nhẫn là sức mạnh trời ban, và do người rèn. Trong rất nhiều lý thuyết tâm lý học kinh tế, kiên nhẫn là một thước đo tới thịnh vượng tài chính lâu dài.

Phép thử bài toán phổ biến là một người trong thí nghiệm có khả năng trì hoãn hưởng lợi ngắn hạn để đạt mục tiêu lợi ích bền dài hạn hay không. Điều này có thể không có gì xa lạ với nhiều người, nhưng trong thực hành nó vẫn khó. FOMO là hiện tượng phổ biến, khi nó xảy ra, tâm lý nhà đầu tư rất dễ rơi vào suy nghĩ: Nếu không mua ngay thì giá lên, làm sao còn mua được sau này nữa.

Đây là tâm lý rất nguy hiểm, dẫn tới việc mua đuổi, mà quá đi một chút sẽ đẩy khoản đầu tư vào vùng giá bất lợi, mặc dù trước đó ý thức rất rõ là không nên, nếu đã vượt qua một ngưỡng.

Chỉ cần chậm lại kiên nhẫn, thì khẩu quyết khá an toàn như sau: Bản chất thị trường là tạo ra nhiều lựa chọn.

Lúc nào cũng sẽ xuất hiện những cổ phiếu tiến vào vùng giá nguy hiểm, đồng thời có những cổ phiếu bị rớt về vùng giá rất có lợi, đôi khi chỉ vì chính cái vòng xoáy tâm lý, mà không hề có nguyên nhân vận hành kinh doanh cơ bản nào cả. Kiên nhẫn sẽ có lợi để có sự thích thú của người sắm đồ yêu thích, ở mức giá yêu thích, có khoảng thời gian chờ đợi yêu thích, và cuối cùng sẽ là tỷ suất lợi nhuận yêu thích.

Bão trong bát canh là cách chúng tôi gọi vui cho những cơ hội đầu tư đến cực nhanh, tiếp nhận và kết thúc trong khoảng thời gian đủ ngắn. Phép ẩn dụ của bát canh ngon, nóng, thìa đũa đảo qua đảo lại, khi bát canh đã hết, thì hơi nóng vẫn đang bốc lên nghi ngút từ cái bát rỗng.

Ví dụ, vừa rồi là BMF. Đọc thông tin BMF phải giải trình vì 5 phiên trần liên tiếp, tôi nhớ lại khi chúng tôi thảo luận và kết luận cách đây không lâu rằng BMF sẽ có 3 tới 5 phiên trần. Bát canh này cần kết thúc trong 5-7 phiên giao dịch, tính từ khi mua gom (kiên nhẫn ở giá tốt) và thoái vốn, để trả vốn lại các cổ phiếu đích rất tốt, có tính chiến lược. Việc đó đã được tất cả mọi người thực thi hoàn hảo, lợi tức 7 phiên tính gộp trong khoảng 60-100%, tùy vào gan bán sớm hay muộn.

Có gì bí hiểm với BMF? Hoàn toàn minh bạch, từ nghị quyết 21-4 của HĐQT, họ đã nói rất rõ sẽ trả thưởng cổ phiếu 281% trong 2023, và trả cổ tức bằng cổ phiếu 2023 (tức sang thời điểm 2024) 60%. Như vậy 281% là điều sẽ phải xảy ra, chỉ không biết là bao giờ. Tuy nhiên, ở nửa cuối tháng 6, thì cũng không còn sớm sủa gì, và việc thu gom sẽ phải bắt đầu, nếu không muốn vội vàng. Phân tích này dẫn tới việc thu gom, và chỉ có một chi tiết hoàn toàn bất ngờ (nhưng có lợi) là vào cuối đợt thu gom, khi giá đã bắt đầu nhích lên, thì bỗng có một ngày giá bị rớt xuống sàn. Đây là việc bán nghiêm túc, 27.8 trong khi giá đã leo qua tới 31.8 cách đó 2 hôm. Những đồng xu cuối cùng tiết kiệm được huy động để gom BMF ở mức giá này. Tối cùng ngày, quyết định chính thức thực thi 281% thưởng cổ phiếu, sử dụng 116 tỷ lãi tích lũy để lại, được đưa ra và 5 ngày trần liên tiếp bắt đầu.

Trong đồ thị trên, phần bôi vàng là khoảng thời gian và mức giá mà nhóm đầu tư gồm các nhà nghiên cứu chúng tôi đã thực mua bằng tiền túi hoặc bán các cổ phiếu giá đang đứng im. Khoảng xanh là thời gian chúng tôi bán, tùy người, nhiều ít tùy phiên.

Tại sao lại 5 phiên? Thực ra 5 phiên trần là rất nhiều lợi tức, cả trăm phần trăm, quá nhiều. Nó sẽ khiến cho một số người bình tâm nghĩ lại: Có thật đây là thứ mình mong muốn đầu tư không? Mỗi cổ phần được cầm thêm gần 3 cổ phần có ý nghĩa kinh tế gì? Điều gì xảy ra nếu cầm cả 4 cổ phần mà vẫn không có được đồng tiền mặt nào bằng lợi tức? Kế hoạch 60% cổ tức bằng cổ phiếu tiếp theo có mang ý nghĩa gì không nếu nhu cầu đầu tư là lợi tức bằng tiền mặt?

Khi cùng lúc không có được câu trả lời của cả loạt câu hỏi này, sẽ có phân vân, và một số sẽ cảm thấy 281% số cổ phần tăng có thể không phải điều mình muốn. Khi cán cân người hành động đi ngược lại xu hướng, giá sẽ buộc phải quay đầu giảm (mà thực tế cũng chẳng có thứ gì trên đời cứ tăng mãi cả). Quả nhiên, vào cái ngày yêu cầu giải trình này, giá đã giảm hơn 10.000đ/CP, từ trên 60 xuống dưới 50.

Riêng với mấy nhà nghiên cứu sống bằng lương khoa học, 60% cũng tương đương với 7-8 năm lãi suất ngân hàng, và điều đó chỉ xảy ra trong chưa đầy 2 tuần. Biết đủ là đủ, tâm có định thì hành động mới sáng suốt. Chợ xưa nay vẫn vậy.

Một trong những trò chơi trẻ em thích là cầu trượt, và ở các công viên nước là trượt đường ống nước. Nó gây cảm giác kỳ lạ, thích thú. Trượt giữa các cổ phiếu còn thích hơn. Nguyên lý nó vô cùng giản dị.

Hãy bắt đầu với một trường hợp thực tế vừa xảy ra là BMF. Với mức lãi 60% hay 100% tùy món tiền tùy người, tôi có thể tiến hành trượt sang một cổ phiếu khác. Mục tiêu lợi tức, cho nên có thể chọn một nhóm nhỏ các cổ phiếu có mức cổ tức được ưa chuộng, tôi tạm lấy ví dụ: DFC, CKD hay CTB.

Để nói minh bạch, thì ví dụ này xuất phát từ sự ưa thích của cá nhân tôi, ngoài lợi tức, độ ổn định là các yếu tố: Đẳng cấp (cần rất nhiều thời gian), phong độ (những năm gần đây), và vai trò của doanh nghiệp trong quá trình hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước.

Cú trượt sẽ chỉ đơn giản là thế này thôi, giả sử dự báo rằng DFC sẽ trả cổ tức trước, ở mức cao nhất, thì sẽ vào đó trước. Nếu tiếp theo CKD rồi mới tới CTB, thì đó cũng giống trò ném thia lia trẻ con hồi xưa hay chơi. Kiếm mảnh sành mỏng, lia trên mặt nước xem nó nảy được qua bao nhiêu lần trên mặt nước trước khi chìm và mọi thứ bình lặng.

Tuy nhiên, tình có thể xảy ra khác đi, chẳng hạn CTB trả trước, thanh khoản và giá không lên được như kỳ vọng. Hoặc thời gian gần như cả 3 cùng trả cổ tức cùng đợt, không thể kịp hoán đổi để ăn 3 lần cổ tức như mong muốn, v.v.. Chợ đầy những biến động làm cho kế hoạch bị đảo lộn. Tuy vậy, nguyên lý phân tán và nền tảng cơ bản sẽ đảm bảo không có rủi ro: Nếu có “sảy chân” thì cũng cầm một lượng cổ phiếu giá tốt của một doanh nghiệp đẳng cấp hàng đầu quốc gia, lợi tức đẹp trai. Chịu khó mở sổ ta sẽ thấy có một ông nào đó thành viên HĐQT cầm đâu đó nửa triệu cổ phiếu mà chẳng hề thấy bận lòng xao xuyến.

Ít nhất thì cú thia lia cũng sẽ nảy thêm được 1 lần trong mùa cổ tức, đưa lãi suất vượt lên cao hơn nữa. Đây là sức mạnh của lãi chồng lên lãi (từ “lãi kép” phản ánh không chính xác nội dung).

Nếu các cú trượt thành công, hãy trả lại các tỷ trọng đích an toàn cho danh mục đầu tư, sau những biến thiên của mùa, về với hệ thức an lành tinh thần. Giấc mơ nào rồi cũng phải tỉnh dậy. Vận hành hiệu quả và EPS bền bỉ mới là thứ của lâu dài.

Vài dòng cuối cùng tôi xin nói về sự tồn tại của một tương quan mật thiết Đạo-Thuật-Công cụ.

Đạo là con đường, hướng đến và mục tiêu chung cuộc. Ý niệm này nhắc người đầu tư nhận rõ và bền bỉ với mục tiêu sâu xa nhất. Với quan điểm của bài thì chính là an toàn tài chính, có lợi tức đạt kỳ vọng vừa đủ, và khắc chế được các biến thiên. Trước khi tính đến khả năng tạo lợi tức, thì bảo toàn sinh lực mới là mốc thành công đầu tiên. Có được ý niệm này sáng rõ, thường trực, luôn nhắc nhớ sẽ giúp cho mục tiêu bền bỉ và không bị các cám dỗ nhất thời cuốn (tài sản) đi.

Thuật chính là hệ thống các thao tác kiểu như bão chớp nhoáng hay trượt trong mơ. Nền tảng của thuật thành tựu là móng an toàn đủ tốt: Lỡ sảy chân thì cũng nằm lại ở những cổ phiếu mạnh, lợi tức tốt, đẳng cấp đáng tin (khả năng phá sản hầu như bằng không trong trung hạn). Khi tiến hành thì lựa chọn và phân bổ đều, không để cảm tính dẫn dắt ưu tiên quá nhiều một cổ phiếu nào đó.

Công cụ là các đầu mối thông tin và xử lý thông tin, và công cụ giao dịch (do các công ty chứng khoán cung cấp). Các trang web thông tin chứng khoán, cổ phiếu ngày nay đã rất tốt và sẵn. Tuy nhiên, cũng cần công cụ kiểm tra tính xác thực, vì họ có thể gõ sai, đưa chậm thông tin, do đó công cụ tìm thông tin trên các hệ thống chính thức như HNX hay HSX không thể bỏ qua. Đừng cho rằng cứ phải cái phần mềm gì nhiều đồ họa, lắm ký tự thống kê hoa cả mắt... mới là hiện đại, khả tín. Tin vào điều đó là hoang đường, nếu chính các Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên, hay Nghị quyết của HĐQT ta còn chưa dành đủ thời gian để đọc, ngẫm và tìm đến thông tin có thể giúp ra quyết định. Nếu có “bang hội” gồm những người đáng tin, hãy chia nhau ra đọc các thông tin chính thức, và quan trọng là đọc kỹ, ghi chú lại những thông tin trọng yếu.

Muốn tin hay không, thì đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh phục vụ đắc lực cho nền kinh tế, trong đó có cả cuộc đời về hưu, một cuộc đời an toàn tài chính của những nhà đầu tư. Ngày nào đó, bàn cờ chén trà hưu có chút xao xuyến thông tin cổ phiếu, chẳng phải cũng thi vị hơn hay sao?!

*Bài viết thể hiện góc nhìn và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc tiếp