IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

KINH TẾ THẾ GIỚI
13:35 - 17/04/2024
IMF hiện kỳ vọng mức tăng trưởng toàn cầu là 3,2% vào năm 2024. Ảnh: China Daily
IMF hiện kỳ vọng mức tăng trưởng toàn cầu là 3,2% vào năm 2024. Ảnh: China Daily
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 16/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF công bố dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng nhẹ do các nền kinh tế đã chứng tỏ được “khả năng phục hồi đáng kinh ngạc" bất chấp áp lực từ lạm phát và các thay đổi trong chính sách tiền tệ.

Báo cáo của IMF, được hãng tin CNBC trích dẫn, đưa ra dự báo mức tăng trưởng toàn cầu 3,2% cho năm 2024, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với dự báo cũng do tổ chức này đưa ra trước đó. Tới năm 2025, IMF tính toán rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng với cùng tốc độ 3,2%.

Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới một cuộc “hạ cánh nhẹ nhàng” trong khi những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng hiện đã được cân bằng.

Ông nhận định: “Bất chấp những dự đoán ảm đạm, nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng phục hồi đáng kể, với tốc độ tăng trưởng ổn định và lạm phát chậm lại một cách nhanh chóng như khi nó gia tăng”.

Tăng trưởng dự kiến sẽ được dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, khu vực đồng Euro khi chính sách tài khóa nới lỏng hơn, lạm phát giảm và những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo được coi là động lực tăng trưởng tiềm năng.

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng tươi sáng, dự báo của IMF về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu giai đoạn 5 năm chỉ ở mức 3,1%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trong năm 2024, báo cáo cũng cho biết, triển vọng mờ mịt ở Trung Quốc và các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn khác có thể đè nặng lên các đối tác thương mại toàn cầu. Những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt còn bao gồm giá cả tăng vọt do lo ngại về những bất ổn địa chính trị, căng thẳng thương mại, sự khác biệt trong lộ trình giảm lạm phát giữa các nền kinh tế lớn và lãi suất cao kéo dài.

Các nhà quan sát đang theo dõi sát sao động thái của các ngân hàng trung ương về con đường lạm phát trong tương lai, với các luồng ý kiến khác nhau về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất. Một số nhà phân tích gần đây đã dự báo khả năng Fed tăng lãi suất do lạm phát dai dẳng và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đè nặng lên tâm lý kinh tế.

Trong bối cảnh đó, IMF ngày 16/4 dự đoán lạm phát toàn cầu giảm từ mức trung bình hàng năm là 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025, trong đó các nền kinh tế tiên tiến quay trở lại mục tiêu lạm phát sớm hơn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Ông Gourinchas cho biết: “Khi nền kinh tế toàn cầu sắp hạ cánh mềm, ưu tiên ngắn hạn của các ngân hàng trung ương là đảm bảo lạm phát giảm xuống một cách suôn sẻ bằng cách không nới lỏng chính sách quá sớm cũng như không trì hoãn quá lâu và khiến cho mục tiêu không đạt được”.

“Đồng thời, khi các ngân hàng trung ương có lập trường ít hạn chế hơn, họ cần phải tập trung củng cố tài chính trung hạn để tạo lại dư địa cho việc điều động ngân sách và các khoản đầu tư ưu tiên cũng như đảm bảo tính bền vững của nợ,” ông Gourinchas nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Giá vàng miếng đang niêm yết tại mốc 84 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn giữ ở mức cao gần 77 triệu đồng/lượng.
Vàng rời khỏi vùng giá kỷ lục

Vàng rời khỏi vùng giá kỷ lục

Giá vàng miếng SJC giảm nhanh hàng triệu đồng xuống dưới mốc 84 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn hôm nay cũng quay đầu xuống dưới 77 triệu đồng/lượng.
Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

Vàng SJC, vàng nhẫn cao chót vót

Sáng 9/4, giá vàng tiếp tục tăng phi mã. Hiện các doanh nghiệp đang niêm yết vàng SJC ở mốc 82,42 triệu đồng/lượng, trong khi đó, vàng nhẫn cũng neo tại đỉnh lịch sử trên 75 triệu đồng/lượng.