Trước thềm năm mới 2024, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Yamada Takio chia sẻ với Mekong ASEAN về những thành tựu mà hai nước đã đạt được trong thời gian vừa qua và nhìn nhận về mối quan hệ song phương trong tương lai.
Đại sứ Yamada Takio: Năm 2023 là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự kiện kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Quan hệ hai nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực như: chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, văn hóa v.v…
Bắt đầu từ cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 9/2/2023, cùng với hàng loạt các cuộc thăm hỏi và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như hơn 500 sự kiện và hoạt động chính thức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước trong năm 2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tiếp Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương, ngày 22/9/2023. Ảnh: TTXVN |
Chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử Akishino và Công nương vào tháng 9/2023 (Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An) là cơ hội quý báu để nhân dân Nhật Bản và Việt Nam cùng nhìn nhận về sự gắn kết mang tính lịch sử, văn hóa lâu đời giữa hai nước, sự giao lưu giữa nhân dân hai nước, giúp tiếp thêm sức mạnh và động lực to lớn cho thế hệ trẻ - những người gánh vác tương lai. Đây là một sự kiện mang tính lịch sử, phù hợp với ý nghĩa quan trọng trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, ngày 27/11/2023. Ảnh: TTXVN |
Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)” của Nhật Bản. Nhật Bản và Việt Nam mong muốn cùng nhau đóng góp cho ổn định, hợp tác và phồn vinh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới nhằm duy trì và tăng cường trật tự thế giới tự do, rộng mở và dựa trên thượng tôn pháp luật.
Ngay sau khi hai nước nâng cấp quan hệ, vào tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã sang thăm Nhật Bản. Tại cuộc hội đàm cấp cao, hai bên đã trao đổi cụ thể về hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong thời gian tới. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn để khép lại chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ Yamada Takio: Việc nâng cấp quan hệ là phù hợp với tầm vóc quan hệ Nhật Bản – Việt Nam hiện nay, là kim chỉ nam để hai nước xác định phương hướng tăng cường hợp tác và liên kết chặt chẽ với nhau trong việc thúc đẩy quan hệ song phương cũng như trên trường quốc tế trong thời gian tới.
Về chính trị và ngoại giao, Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/12/2023. Ảnh: VGP |
Trên cơ sở nền tảng quan hệ đối tác mới, tôi cho rằng việc Nhật Bản và Việt Nam thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, không ngừng góp phần vào tăng cường và duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật là điều hết sức quan trọng.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác, hiện thực hóa mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới, đảm bảo một thế giới mà ở đó “sự tôn nghiêm của con người” được bảo vệ, tôi mong muốn hai nước tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác cũng như nâng cao vai trò trên trường quốc tế.
Sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản 2023”, ngày 2/11/2023. Ảnh: ĐSQ Nhật Bản |
Về kinh tế, quan hệ đối tác mới này là động lực thúc đẩy làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, mở rộng giao lưu nhân dân, tăng cường liên kết mật thiết và góp phần tạo nên sự đồng lòng và hợp tác mang tính chiến lược giữa hai nước trong quan hệ song phương và trên trường quốc tế ở tất cả các lĩnh vực bao gồm các lĩnh vực mới như: chuyển đổi xanh (GX), cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC), chuyển đổi số (DX) và đối mới sáng tạo.
Tại cuộc hội đàm cấp cao Nhật Bản – Việt Nam vào tháng 12/2023, Thủ tướng hai nước đã trao đổi thẳng thắn về các hoạt động hợp tác cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.
Tôi cho rằng thông qua các cơ hội tiếp xúc như vậy, việc cụ thể hóa từng hoạt động hợp tác đã được đề ra trong khuôn khổ quan hệ đối tác mới, dựa trên sự dẫn dắt của các lãnh đạo cấp cao hai nước là điều vô cùng quan trọng.
Đại sứ Yamada Takio: Doanh nghiệp Nhật Bản đang dành sự quan tâm đến Việt Nam. Việt Nam đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản bởi có các điều kiện như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào và chất lượng cao, sự gần gũi về địa lý và tương đồng về văn hóa.
Việt Nam có sự hấp dẫn to lớn, với vai trò là cứ điểm sản xuất của ngành công nghiệp chế tạo dựa trên dòng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời là thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng với dân số trên 100 triệu người.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 2023 tính theo từng quốc gia đã vượt 6,5 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới sau Singapore. Đầu tư và hoạt động kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở nên sôi động hơn nữa trong thời gian tới.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới cũng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Nhật Bản. Để đạt được mục tiêu này, vẫn còn tồn tại một số vấn đề Việt Nam phải giải quyết, tuy nhiên Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ giải quyết những vấn đề này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, ngày 16/12/2023. Ảnh: TTXVN |
Đại sứ Yamada Takio: Theo tôi được biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đang duy trì tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, nhưng cùng với đó là đối mặt với các vấn đề như thiên tai bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường bởi đầu tư của doanh nghiệp v.v... Việt Nam đang thấy rằng việc ứng phó với các vấn đề môi trường là nhiệm vụ cấp bách.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045; song song với đó là việc thực hiện mục tiêu tham vọng là trung hòa carbon tới năm 2050.
Tôi được biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Tăng trưởng xanh (GX) - chính sách quan trọng nhằm triển khai phát triển năng lượng sạch, tăng trưởng xanh. Hai mục tiêu là tăng trưởng kinh tế và trung hòa carbon dường như đối nghịch nhau, nhưng đang được đòi hỏi cần phải thực hiện đồng thời.
Hội thảo kinh tế cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, ngày 7/3/2023. Ảnh: ĐSQ Nhật Bản |
Vào tháng 3/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thành lập khuôn khổ hợp tác hướng tới trung hòa carbon phù hợp với tình hình thực tế của các nước châu Á, gọi là “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á – AZEC”. Trong đó, các công nghệ tiên tiến như chuyển dịch năng lượng sang sinh khối, Hydrogen, Ammoniac hay CCUS v.v... đã được đưa vào nghiên cứu.
Đến tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật Bản đã khởi động cuộc họp nhóm công tác trong khuôn khổ AZEC để thảo luận về việc đạt trung hòa carbon của Việt nam. Tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh AZEC tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.
Tôi cho rằng khuôn khổ hợp tác này phù hợp với việc thực hiện Quy hoạch điện 8 mà Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt. Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đẩy nhanh hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ này, nhằm góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu kép là tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải carbon phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Đại sứ Yamada Takio: Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ Nhật Bản – ASEAN (tháng 12/2023), hai bên đã thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản – ASEAN” và kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn, khẳng định tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Nhật Bản - ASEAN đôi bên cùng có lợi trong thời gian tới.
Một trong những trụ cột làm cơ sở để triển khai tuyên bố này là “quan hệ đối tác từ trái tim đến trái tim vượt tầm thời đại” đã được xây đắp nên giữa hai bên. Nhật Bản và ASEAN đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhau như những người bạn thật sự “kết nối từ trái tim đến trái tim”, luôn giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau khi hai bên đối mặt với các thách thức như trận động đất xảy ra tại vùng Đông Bắc Nhật Bản, đại dịch Covid -19 v.v...
Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản, ngày 17/12/2023. Ảnh: VGP |
Nhằm phát triển quan hệ hợp tác này có hiệu quả và thực chất hơn nữa, việc tiếp nối “tình cảm tin cậy” được chia sẻ giữa Nhật Bản và ASEAN cho thế hệ mai sau, “cùng nhau kiến tạo” nên một tương lai hòa bình, ổn định, phồn vinh, trật tự và “sự tôn nghiêm của con người” được bảo vệ dựa trên thượng tôn pháp luật tại khu vực và trên thế giới là điều vô cùng quan trọng.
Nhằm tiếp nối sự gắn kết “từ trái tim đến trái tim” đến các thế hệ mai sau, Nhật Bản mong muốn triển khai chương trình “Giao lưu văn hóa WA2.0 – cùng kiến tạo thế hệ mai sau” có quy mô 40 tỷ Yên thông qua các hoạt động giao lưu học thuật, văn hóa, hỗ trợ giáo dục tiếng Nhật, thúc đẩy giao lưu nhân dân, trong đó lấy thế hệ trẻ gánh vác tương lai của Nhật Bản và ASEAN làm trung tâm. Chúng tôi hướng tới mục tiêu trong 10 năm tới có trên 10 triệu người được hưởng lợi ích từ các chương trình giao lưu này.
Tôi cho rằng, thông qua việc thúc đẩy hợp tác công tư trong các lĩnh vực trọng điểm như tăng cường liên kết, đối phó biến đổi khí hậu bao gồm thực hiện sáng kiến AZEC, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, sử dụng các khuôn khổ hợp tác mới của ODA bao gồm sáng kiến "Đồng sáng tạo vì mục tiêu chung", Nhật Bản sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân đối với khu vực ASEAN.
Đại sứ Yamada Takio: Đã 3 năm 10 tháng kể từ khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam và năm nay tôi sẽ đón cái Tết thứ 4. Gần đến Tết, chúng ta sẽ thấy hình ảnh người người chở cây đào, cây quất, nhộn nhịp trên khắp phố phường. Đó là một trong những quang cảnh mà tôi thích nhất tại đây.
Đặc biệt, phố Hàng Mã trong khu phố cổ thì đầy ắp những món đồ trang trí không thể thiếu cho dịp Tết, tạo nên không khí rộn ràng, vui tươi. Năm nay tôi muốn được cảm nhận phong vị Tết Việt Nam và thưởng thức món bánh chưng thơm ngon.
Sở thích của tôi là khám phá những điểm tương đồng và gần gũi giữa Nhật Bản và Việt Nam. Mười hai con giáp đại diện cho các năm là một trong số đó. Năm 2024 là năm Thìn, năm con rồng. Tôi được biết trong số các con giáp, năm Thìn là năm rất may mắn theo quan niệm của Việt Nam. Tầm quan trọng của con rồng đối với người Việt Nam cũng được thể hiện qua truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong năm 2024, giống như hình ảnh con rồng đang trỗi dậy.
Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!