Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Indonesia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 - Ảnh: TTXVN |
ASEAN là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế
Khu vực ASEAN những ngày này đang hướng về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan kéo dài từ ngày 5-7/9 với chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng" diễn ra tại Jakarta, Indonesia.
Trong thời gian qua, ASEAN đã đạt được những hiệu suất kinh tế vĩ mô tương đối tích cực trong bối cảnh thế giới vẫn đang chịu nhiều hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như những bất ổn về địa chính trị.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khu vực này đạt 5,7% nhờ đáng kể vào tiêu dùng, thương mại và đầu tư nội khối; tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và đầu tư tăng lên mức kỷ lục, lần lượt đạt 3.800 tỷ USD (tăng 14,9%) và 224,4 tỷ USD (tăng 5,5%),
Những tháng đầu năm 2023, nhiều tín hiệu phục hồi tiếp tục xuất hiện ra tại khu vực này.
INDONESIA
Theo Cơ quan Thống kê Indonesia, tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý 2/2023 bất ngờ tăng tốc lên mức cao nhất trong ba quý trở lại đây. Cụ thể, GDP của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong quý 2/2023 tăng 5,17% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi chi tiêu Chính phủ và hộ gia đình.
Trong đó, tiêu dùng hộ gia đình, chiếm hơn một nửa GDP, đã tăng 5,23% so với cùng kỳ, tốc độ nhanh nhất kể từ quý 3/2022. Bên cạnh đó, đầu tư và chi tiêu Chính phủ cũng tăng lần lượt là 4,63% và 10,62% so với cùng kỳ do Chính phủ Indonesia đã đẩy nhanh việc xây dựng đường giao thông và hệ thống thủy lợi trước khi nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống Joko Widodo kết thúc vào năm 2024.
PHILIPPINES
GDP của Philippines trong quý 2/2023 đã tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Cơ quan Thống kê Philippines, tốc độ tăng đã giảm tốc trong quý thứ ba liên tiếp trong bối cảnh chi tiêu của Chính phủ chậm lại.
Theo đó, chi tiêu chính phủ và đầu tư tư nhân cũng giảm so với cùng kỳ trong quý II, với mức giảm lần lượt là 7,1% và 0,04%, từ mức 10,9% và 17,2% hồi quý II/2022.
VIỆT NAM
Với Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020. Mặc dù đây là một mức thấp tính trong cả giai đoạn 2011-2023 do những tác động dai dẳng từ đại dịch và sự bất ổn kinh tế toàn cầu đối với sức khoẻ hệ thống doanh nghiệp, nhưng những tín hiệu về một sự hồi phục tích cực hơn đã xuất hiện, đặc biệt là những nỗ lực và sự quyết liệt của những nhà hoạch định chính sách.
Về chỉ số phát triển kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam tăng trưởng 3,25% trong quý 2/2023, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.
MALAYSIA
Với Malaysia, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Malaysia, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong quý 2/2023 đạt mức thấp nhất trong gần hai năm do xuất khẩu sụt giảm và suy thoái toàn cầu. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Malaysia chỉ đạt 2,9% trong quý 2/2023, thấp hơn mức tăng trưởng 5,6% trong quý 1/2023.
THÁI LAN
Với Thái Lan, trong công bố mới nhất về tình hình kinh tế Thái Lan do Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC), tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trong quý 2/2023 ghi nhận đạt 1,8% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,6% được ghi nhận vào quý trước đó.
Theo đó, nền kinh tế chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng tiêu dùng tư nhân mặc dù đầu tư tư nhân và xuất khẩu dịch vụ chậm lại.
SINGAPORE
Trong khi đó, tại Singapore, theo công bố của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) nước này, trong quý 2/2023, GDP của Singapore ghi nhận mức tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 0,4% trong quý 1/2023.
Nhìn về triển vọng tăng trưởng cả năm 2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 7/2023 dự báo kinh tế khu vực ASEAN đạt 4,6% trong năm nay và 4,9% trong năm tới.
Việt Nam trong nhịp chảy của con sông lớn
Với kinh tế Việt Nam, ADB dự báo tăng trưởng trong năm 2023 đạt 5,8% và 6,2% trong năm 2024.
"Nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo, Việt Nam, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện. Lạm phát được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024", báo cáo nhìn nhận.
Trong khi đó, báo cáo "Vietnam at a glance" của tháng 7, Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 5,0%, đồng thời kỳ vọng quý 4/2023 sẽ chứng kiến sự phục hồi đáng kể.
Còn Ngân hàng Standard Chartered lạc quan dự báo tăng trưởng của Việt Nam nửa cuối năm nay ở mức 7%, nhờ vào dữ liệu thương mại mạnh mẽ và tiềm năng phục hồi của ngành du lịch. Theo đó, kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 5,4%.
Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định cục diện thế giới đa cực là một xu thế tất yếu, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng phân mảnh, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét.
ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định "là một cực trong thế giới đa cực", là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực. ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó.
Để ASEAN có thể tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và tận dụng, nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng chiến lược.
Theo đó, ASEAN cần củng cố và tăng cường đoàn kết nội khối, giữ vững nguyên tắc, lập trường, quan điểm chung của ASEAN; giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
ASEAN cần duy trì cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
ASEAN cần tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau, nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới cho ASEAN, Thủ tướng cho rằng chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn.
Theo đó, cần cùng nhau hoàn thiện thể chế thông qua chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, kinh doanh trong ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; khuyến khích và coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh.
Thứ hai, theo Thủ tướng, ASEAN cần cùng chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược để kết nối kinh tế, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cứng về giao thông vận tải, năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, phát triển xanh…
Thứ ba, cùng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người.
Những vấn đề trên cần phải được phối hợp ở cả ba cấp độ: Giữa chính phủ với chính phủ để hài hòa chính sách, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để đồng bộ trong triển khai, giữa chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng phát biểu.
"Về phần mình, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư với tinh thần thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh.