Vinhomes: Liên tục mở rộng quỹ đất, khẳng định vị thế dẫn đầu
CTCP Vinhomes - công ty con của tập đoàn Vingroup - trong hai năm qua liên tục tìm kiếm cơ hội để mở rộng quỹ đất bằng cách đăng ký thực hiện nhiều dự án trên khắp cả nước.
Vinhomes: Liên tục mở rộng quỹ đất, khẳng định vị thế dẫn đầuCTCP Vinhomes - công ty con của tập đoàn Vingroup - trong hai năm qua liên tục tìm kiếm cơ hội để mở rộng quỹ đất bằng cách đăng ký thực hiện nhiều dự án trên khắp cả nước. |
Đầu tháng 8/2024, CTCP Vinhomes (HoSE: VHM) công bố thông tin HĐQT đã ban hành nghị quyết về việc mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu, chiếm 8,5% tổng số cổ phần đang lưu hành. Mục đích mua lại là do thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn giá trị thực, việc mua lại cổ phiếu là để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu VHM liên tục đà tăng vọt lên vùng giá 43.000-44.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm 25/9/2024 thay vì đáy 34.000-37.000 đồng/cổ phiếu trong suốt 3 tháng trước đó.
Với đà tăng của cổ phiếu VHM, vốn hóa thị trường của Vinhomes cũng tăng lên gần 190.000 tỷ đồng đưa Vinhomes trở lại vị trí thứ 4 trong top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau các ngân hàng thương mại là Vietcombank, BIDV và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas).
Được thành lập từ năm 2008, sau 16 năm phát triển, Vinhomes đang sở hữu 30 dự án đô thị trải dài từ Bắc tới Nam, trong đó có thể kể đến những siêu dự án/ đại đô thị tạo tiếng vang lớn như Vinhomes Ocean Park 1 tại Gia Lâm, Hà Nội (420ha), Vinhomes Ocean Park 2 tại Văn Giang, Hưng Yên (458 ha), Vinhomes Ocean Park 3, Văn Lâm, Hưng Yên (294), Vinhomes Grand Park tại Thủ Đức (271 ha) hay Vinhomes Royal Island Vũ Yên, Hải Phòng (877 ha),...
Doanh nghiệp này cũng đang triển khai nhiều dự án khác trên khắp cả nước như Vinhomes Golden Avenue (116 ha) tại Móng Cái, Quảng Ninh; Vinhomes Global Gate (385 ha) tại Đông Anh, Hà Nội; khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TP Hạ Long và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh (hơn 4.000 ha);...
Theo báo cáo thường niên năm 2023, Vinhomes sở hữu quỹ đất rộng lớn với tổng diện tích lên đến hơn 19.600 ha tính đến 31/12/2023. Đây là nền tảng cho sự tăng trưởng vững chắc của doanh nghiệp bất động sản này trong nhiều năm tới.
Sở hữu quỹ đất lớn với những siêu dự án trên khắp cả nước, Vinhomes vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội mở rộng quy mô bằng cách đăng ký thực hiện những dự án lớn trên nhiều tỉnh thành.
Từ năm 2023 đến nay đã có 6 dự án về tay Vinhomes với tổng diện tích lên đến 2.394 ha; tổng mức đầu tư lên đến hơn trăm nghìn tỷ đồng bao gồm:
Dự án khu đô thị mới tại quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng (tổng diện tích gần 241 ha, tổng mức đầu tư khoảng 23.218 tỷ đồng); dự án xây dựng nhà ở xã hội tại phường Tràng Cát, quận Hải An, thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (tổng diện tích 32,8 ha, tổng vốn đầu tư 5.800 tỷ đồng); khu đô thị ven vịnh Cam Ranh (quy mô hơn 1.250 ha, tổng vốn đầu tư là 85.294 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, các công ty con của Vinhomes cũng được chấp thuận đầu tư các dự án như CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn thực hiện khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm, Tuyên Quang (tổng vốn đầu tư 18.345 tỷ đồng, 540 ha); khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền, Bắc Giang (diện tích đầu tư là 134 ha, tổng vốn đầu tư gần 6.400 tỷ đồng); CTCP Phát triển Thành phố Xanh thực hiện dự án khu đô thị mới Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An (28.258 tỷ đồng, 197 ha).
Bước sang năm 2024, Vinhomes vẫn ngừng mở rộng quỹ đất bằng cách liên tục đăng ký thực hiện các siêu dự án tại Long An trong tháng 2 và tháng 3/2024 gồm: Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây huyện Cần Giuộc (diện tích 1.089 ha, tổng vốn đầu tư 90.000 tỷ đồng; khu đô thị mới Tân Mỹ, huyện Đức Hòa (quy mô 931 ha, tổng vốn đầu tư 74.400 tỷ đồng).
Hồi tháng 2/2024, doanh nghiệp này cũng đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An được nghiên cứu đầu tư khu đô thị có quy mô diện tích khoảng 200-300 ha tại phường Hưng Dũng, xã Hưng Lộc và Hưng Hoà, TP Vinh.
Tại Hà Nội, trong tháng 6/2024, doanh nghiệp này đăng ký thực hiện dự án khu đô thị thông minh ở Đông Anh (diện tích 268 ha, tổng vốn đầu tư 33.000 tỷ đồng).
Trải qua gần hai thập kỷ phát triển, Vinhomes đã vươn lên thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu với khối tài sản vượt xa các doanh nghiệp địa ốc còn lại.
Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản của Vinhomes đạt 494.461 tỷ đồng, tăng 11,2% so với số cuối năm 2023. Con số này đang lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp bất động sản khác trên thị trường chứng khoán như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (240.178 tỷ đồng), Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - Becamex (55.029 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Nam Long (29.731 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Đất Xanh (28.951 tỷ đồng), CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt (22.536 tỷ đồng). Quy mô tài sản của Vinhomes cũng vượt trội khi so sánh với những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam khác như Sovico (188.432 tỷ đồng), Masan (157.466 tỷ đồng).
Trong cơ cấu tài sản của Vinhomes, tài sản ngắn hạn chiếm 249.057 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm 56.310 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, chủ yếu là 48.618 tỷ đồng tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và phát triển khu đô thị Vinhomes Ocean Park 1,2,3; Vinhomes Grand Park; Vinhomes Smart City,...
Tài sản dài hạn của VHM ở mức 245.402 tỷ đồng, trong đó có 84.143 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang các dự án khu đô thị đại học quốc tế; Vinhomes Long Beach Cần Giờ và một dự án tại TP Thủ Đức.
Doanh nghiệp này cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, kể từ khi IPO năm 2018 cho đến nay, Vinhomes liên tục báo lãi, kể cả trong giai đoạn 2020- 2023 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, sau đó thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn công ty vẫn báo lãi trên 20.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Vinhomes ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 36.429 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 11.513 tỷ đồng, giảm lần lượt 46% và 41% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng công bố doanh số bán hàng đạt 51.710 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và doanh số chưa ghi nhận đạt 118.660 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2024.
Dù ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, Vinhomes vẫn là “gà đẻ trứng vàng của tập đoàn Vingroup” khi là doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận 6 tháng cao nhất trong hệ sinh thái khi Vinpearl chỉ thu về 2.579 tỷ đồng còn VinFast lỗ ròng 33.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024.
Chia sẻ về định hướng của Vinhomes trong 5 năm tới, cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng Giám đốc Nguyễn Thu Hằng cho biết Vinhomes sẽ tiếp tục định hướng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam và xa hơn có thể là trong khu vực. Quỹ đất của công ty đảm bảo cho sự phát triển ổn định và các siêu dự án trong những năm tới