Chứng khoán Việt Nam có phiên điều chỉnh mạnh sau chuỗi tăng từ cuối năm 2023. |
Kết phiên 15/4, VN-Index mất 59,99 điểm (-4,7%) xuống mốc 1.216,61 điểm. Giá trị vốn hóa sàn HoSE theo đó "bốc hơi" 244.000 tỷ đồng (~10 tỷ USD), xuống còn 4,95 triệu tỷ đồng. HNX-Index và UPCoM cũng giảm mạnh, lần lượt mất 12 điểm và 2,2 điểm.
Mức giảm 4,7% của VN-Index đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất châu Á ngày 15/4. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của chứng khoán Việt Nam trong vòng 23 tháng, kể từ phiên 12/5/2022.
Thanh khoản thị trường dâng cao với gần 35.000 tỷ đồng giao dịch trên kênh khớp lệnh. Khối ngoại cũng rút ròng mạnh với giá trị gần 1.300 tỷ đồng (trên tổng số hơn 4.500 tỷ đồng giao dịch).
Hai bluechip VHM và CTG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 280 và 210 tỷ đồng. Danh sách còn có SSI -86 tỷ đồng, VCB -77 tỷ đồng, VNM -75 tỷ đồng, HSG -58 tỷ đồng, TPB -58 tỷ đồng, PVD -54 tỷ đồng, HPG -54 tỷ đồng, PDR -54 tỷ đồng; VIX, MSB, HDB, VIC, STB, VCI 32-47 tỷ đồng…
Chiều ngược lại, MWG dẫn đầu chiều mua ròng với 105 tỷ đồng. SGN, SHB, TCH cũng được mua ròng trên 30 tỷ đồng, còn lại dòng tiền mua ròng rải rác ở các mã như POW, HCM, NKG, HHS, SAB, HDG…
Toàn thị trường ghi nhận 587 mã ở chiều giảm, trong đó có 157 mã giảm sàn. Hai nhóm bất động sản và chứng khoán có số mã giảm sàn nhiều nhất. Cụ thể, các mã “trắng bên mua” của nhóm chứng khoán có VND, VIX, SSI, VCI, VDS, VIG, ORS, HCM, FTS, EVS, CTS, BVS, BSI, APS, AGR. Các mã còn lại cũng hầu hết giảm sâu 5-7%, không có mã nào tăng giá.
Tại nhóm bất động sản, 39 mã giảm sàn với những cái tên quen thuộc như BCM, VRE, NVL, KDH, KBC, PDR, DIG, NLG, CEO, DXG, TCH, DXS, KHG, HPX, HQC… VHM giảm 4,7%, VIC giảm 3%. Chiều tăng chỉ có 6 mã nhỏ, gồm QCG duy trì sức hút trong các phiên gần đây, tiếp tục tăng hơn 4% lên mức giá 15.000 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Nhóm ngân hàng có BID giảm sàn. Nhiều mã giảm sâu 4-7% như VPB, TPB, TCB, STB, OCB, MSB, MBB, EIB, CTG, ACB, BVB… SHB lội ngược dòng, có thời điểm tăng kịch trần, sau đó yếu dần trước áp lực bán của thị trường chung. Mã này đóng cửa với mức tăng 0,44%, khớp lệnh đột biến gần 99 triệu đơn vị.
Liên quan đến SHB,ông Đỗ Quang Vinh - Phó chủ tịch SHB vừa đăng ký mua vào 100,2 triệu cổ phiếu SHB trong thời gian từ 19/4 -17/5. Trước giao dịch này, ông Vinh chỉ đang nắm giữ 939.000 cổ phiếu. Ông Vinh là con trai của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB. Mặt khác, hai chị gái ông Hiển là bà Đỗ Thị Thu Hà và bà Đỗ Thị Minh Nguyệt đang nắm giữ tổng cộng 100,2 triệu cổ phiếu - đúng bằng lượng cổ phiếu ông Vinh mua. Hiện bà Nguyệt đã có đăng ký bán ra toàn bộ 25,7 triệu cổ phiếu, thời gian từ 19/4-17/5.
Sự tiêu cực cũng bao trùm các nhóm ngành khác. Nhóm thép ghi nhận HPG giảm 4,8%, NKG và HSG giảm sàn... Nhóm nhựa - hóa chất có GVR giảm sàn, DGC giảm 6,8%, DCM giảm 6,7%, DPM giảm 6,6%. PHR giảm 6,7%, NTP giảm 3,6%... Nhóm thủy sản có VHC giảm 6,2%; ASM, ANV, IDI giảm sàn; FMC giảm hơn 5%, CMX giảm 6,8%...