Longform
Vươn mình trong kỷ nguyên bán dẫn

Chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2024-2030. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng không mơ hồ khi Việt Nam đang hội tụ những lợi thế và cơ hội vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Trong chuyến công tác đến Việt Nam lần thứ ba vào đầu tháng 12/2024, ông Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) thông báo sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và một trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Thỏa thuận hợp tác mang tính bước ngoặt này không chỉ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI tại Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế mà còn tạo đà cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á.

Cũng vào đầu tháng 12/2024, Google xác nhận thành lập Google Việt Nam, doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong nước để đóng góp quá trình chuyển đổi số.

Tháng 11, nhà cung ứng Foxconn của Apple công bố đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang. Trong khi đó, Meta có kế hoạch mở rộng sản xuất kính VR. SpaceX cũng bày tỏ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Tô Lâm đến Mỹ vào tháng 9.

Năm 2024 là một năm “bận rộn” nhưng đầy hào hứng với ngành công nghiệp AI, bán dẫn Việt Nam. Trao đổi với Mekong ASEAN nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) khẳng định, cơ hội để Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” thu hút các các nhà đầu tư và đối tác công nghệ cao đến Việt Nam là rất lớn. Song để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái bán dẫn đảm bảo cho sự phát triển của chuỗi cung ứng thông qua quỹ hỗ trợ đầu tư, hợp tác quốc tế và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Mekong ASEAN: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Việt Nam? Đâu là yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam có thể xác lập vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu?

TS. Võ Xuân Hoài: Thời gian qua, nhiều lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh như Nvidia, Lam Research, GlobalFoundries, Coherent… Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử trong ngành bán dẫn như Amkor, Intel… cũng đang có mặt tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đang được các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu xem xét, lựa chọn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam tham gia vào các công đoạn sâu hơn của chuỗi cung ứng bán dẫn. Cùng với đó, với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và chất lượng cao, Việt Nam ngày càng trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

Đặc biệt, cơ hội này chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, vì vậy Việt Nam phải hành động nhanh chóng để sớm thiết lập hệ sinh thái bán dẫn đầy đủ tại Việt Nam để đảm bảo cho sự phát triển của chuỗi bán dẫn toàn cầu trong tương lai. Chỉ có như vậy thì Việt Nam mới trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

Mekong ASEAN: Với những tiềm năng như ông vừa chia sẻ, từ góc độ của NIC, theo ông, đâu là những yếu tố cần thiết để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu?

TS. Võ Xuân Hoài: NIC được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng các yếu tố nền tảng cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái bán dẫn. Theo đó, chúng tôi nhận thấy có bốn yếu tố cần thiết để phát triển ngành này.

Thứ nhất là hạ tầng. Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng cứng như điện, nước sạch, logistics và công nghệ để đảm bảo cho sự phát triển của ngành.

Cuối tháng 8/2024, công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đã đi vào hoạt động sau hơn 6 tháng thi công. Sân bay Long Thành - Đồng Nai đang gấp rút thi công để đạt tiến độ đặt ra. Hệ thống đường cao tốc và cảng biển cũng được đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu hạ tầng từ các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành bán dẫn.

Thứ hai là cơ chế chính sách đặc thù. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang có chính sách đặc thù, cơ chế một cửa cho các doanh nghiệp bán dẫn đến đầu tư. Theo đó, cơ chế đầu tư nhanh, gọn hay thủ tục rút ngắn hoặc cơ chế hỗ trợ tiền mặt đang được nhiều quốc gia áp dụng cho các nhà đầu tư bán dẫn.

Hiện Thường vụ Quốc hội đã nhất trí dự thảo thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó có các hỗ trợ và ưu đãi bao gồm đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn cũng như trí tuệ nhân tạo (AI). Đây sẽ là hành lang pháp lý rất tốt và phù hợp với bối cảnh hiện nay để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao.

Thứ ba là phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn. Trong hai ngày 7 và 8/11/2024, NIC phối hợp với Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này.

Có những doanh nghiệp đã tham gia sâu vào thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy bên cạnh hệ sinh thái về ngành điện tử khá đa dạng và được đánh giá mạnh, hệ sinh thái của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cũng đã được hình thành.

Cuối cùng là nguồn nhân lực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về AI. Nguồn nhân lực chính là yếu tố “then chốt của then chốt” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhằm tạo ra hành lang pháp lý xuyên suốt để thúc đẩy ngành bán dẫn. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam trong việc đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ của ngành công nghiệp mới này trong tương lai.

CƠ SỞ ĐẠT MỤC TIÊU 50.000 KỸ SƯ NHÂN SỰ BÁN DẪN

Mekong ASEAN: Cơ sở nào để Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn? Để giải “bài toán” này, cần những kế hoạch, giải pháp cụ thể ra sao?

TS. Võ Xuân Hoài: Phát triển nguồn nhân lực được coi là đột phá của đột phá để phát triển công nghiệp bán dẫn. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã xác định nguồn nhân lực là một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Việt Nam là nơi đào tạo cung cấp nhân lực bán dẫn ở trong nước và thế giới.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp. Cụ thể, hiện cả nước có hơn 40 công ty thiết kế, khoảng 20 doanh nghiệp lĩnh vực đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị ngành bán dẫn. Đồng thời, Việt Nam có những đối tác lớn về thiết kế bán dẫn với số lượng kỹ sư tham gia đông đảo.

Việt Nam hiện có 160 trường chuyên ngành đào tạo kỹ thuật công nghệ và 134.000 sinh viên đầu vào mỗi năm tham gia ngành công nghệ, trong đó có 1.400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành vi mạch bán dẫn hàng năm. Bên cạnh đó là các chương trình chuyển đổi đào tạo từ các ngành công nghệ gần phù hợp sang lĩnh vực bán dẫn, đào tạo ngắn hạn.

Đặc biệt, một trong những yếu tố cơ sở phát triển nguồn nhân lực Việt Nam là những chuyên gia người Việt ở nước ngoài, những người gốc Việt xuất sắc tham gia sâu trong công tác nghiên cứu và phát triển tại các tập đoàn công nghệ và đại học lớn. Đây là cơ sở để Việt Nam có thể đạt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư nhân sự bán dẫn.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành phức tạp nhiều công đoạn. Do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ.

Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã đề cập: “Đào tạo phải dựa trên việc hợp tác 3 bên: Nhà nước - Viện nghiên cứu, trường đại học - Doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn việc học đi đôi với thực hành và đảm bảo đầu ra cho các học viên có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Từ đó, có thể thấy kết nối, hợp tác giữa các bên là “chìa khóa” then chốt là nhân tố thiết yếu vai trò quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Mekong ASEAN: Sự kết nối trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhất là giữa các nhân tài trong và ngoài nước theo như ông nói, cần được thể hiện như thế nào?

TS. Võ Xuân Hoài: Qua kinh nghiệm triển khai Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhu cầu phối hợp để phát triển các công nghệ mới, công nghệ lõi là rất lớn. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đối mới sáng tạo ở Việt Nam.

Tuy nhiên, có một rào cản là chúng ta chưa đưa ra được những bài toán cụ thể. Nhà nước phải là người đưa ra bài toán, đề bài, những thách thức cụ thể để các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên của các Mạng lưới đổi mới sáng tạo có thể tham gia một cách thực chất nhằm giải quyết những bài toán quốc gia.

Doanh nghiệp, các tổ chức, trường đại học trong nước cũng cần đề xuất những nhu cầu, khó khăn cụ thể để cùng nhau tìm hướng giải quyết, hướng đến lợi ích hài hòa cho cả hai bên.

Mekong ASEAN: Trong thu hút đầu tư các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các hợp tác thuộc lĩnh vực công nghệ, Việt Nam vẫn thường được biết đến như một đơn vị gia công. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng các doanh nghiệp Việt có thể trở thành những nhà cung ứng cấp 1 của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới?

TS. Võ Xuân Hoài: Tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt có tiềm năng để trở thành những nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn công nghệ thế giới. Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và gia công những năm gần đây, tạo điều kiện trở thành những nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cho các tập đoàn công nghệ.

Bên cạnh đó, năng lực R&D và đầu tư mạnh cho R&D cũng là lợi thế để doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn công nghệ về sự đổi mới và phát triển sản phẩm. Tất nhiên, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy chuẩn chất lượng cao và điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Mặc dù các doanh nghiệp Việt có tiềm năng để trở thành nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu, cần lưu ý rằng cạnh tranh trong ngành công nghệ là rất khốc liệt. Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực và đầu tư vào R&D để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần đảm bảo khả năng quản lý dự án hiệu quả và đáp ứng đúng thời hạn, đồng thời cần tăng cường thích ứng với các yêu cầu thay đổi từ khách hàng.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

KIỀU CHINH

Bình luận

avatar-comment
Tối thiểu 10 chữ Tiếng Việt có dấu Không chứa liên kết

Cổ phiếu liên tục tăng trần, lãnh đạo YBM nói gì

Cổ phiếu liên tục tăng trần, lãnh đạo YBM nói gì

VinFast phát động cuộc thi

VinFast phát động cuộc thi 'độ xe' 'VF 3, tổng giải thưởng 650 triệu đồng

Phe đối lập bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đức

Phe đối lập bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đức

Số liệu xuất khẩu mủ cao su của Campuchia tháng 1/2025

Số liệu xuất khẩu mủ cao su của Campuchia tháng 1/2025

Quảng Ninh kích cầu du lịch với hơn 150 sự kiện quy mô lớn

Quảng Ninh kích cầu du lịch với hơn 150 sự kiện quy mô lớn

Áp thuế thép HRC Trung Quốc và tác động đến doanh nghiệp trong nước

Áp thuế thép HRC Trung Quốc và tác động đến doanh nghiệp trong nước

Hạ tầng, tiện ích liên tục về đích, kiến tạo vị thế mới cho

Hạ tầng, tiện ích liên tục về đích, kiến tạo vị thế mới cho 'đảo tỷ phú' Vũ Yên

Trong vòng 2 năm phải hoàn thành đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội

Trong vòng 2 năm phải hoàn thành đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội

Mê Linh sắp đấu giá 33 thửa đất, khởi điểm 5,6 triệu đồng/m2

Mê Linh sắp đấu giá 33 thửa đất, khởi điểm 5,6 triệu đồng/m2

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải bảo đảm tính khả thi cao nhất

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải bảo đảm tính khả thi cao nhất

Thương mại Campuchia - Trung Quốc tăng hơn 34% trong tháng 1/2025

Thương mại Campuchia - Trung Quốc tăng hơn 34% trong tháng 1/2025

Vàng nhẫn mất đà tăng, giá vàng miếng SJC tiếp tục điều chỉnh

Vàng nhẫn mất đà tăng, giá vàng miếng SJC tiếp tục điều chỉnh

Ông Masato Kanda nhậm chức Chủ tịch ADB

Ông Masato Kanda nhậm chức Chủ tịch ADB

Chiếc vé quyền lực tại Lễ hội Xuân lớn nhất Việt Nam

Chiếc vé quyền lực tại Lễ hội Xuân lớn nhất Việt Nam

Sức khỏe doanh nghiệp F&B Việt Nam nhìn từ thương vụ “thâu tóm” đình đám

Sức khỏe doanh nghiệp F&B Việt Nam nhìn từ thương vụ “thâu tóm” đình đám

Top 10 cổ phiếu của tuần: KSV bị chốt lời, ngành khoáng sản phân hóa

Top 10 cổ phiếu của tuần: KSV bị chốt lời, ngành khoáng sản phân hóa

Vatican cập nhật tình hình sức khỏe của Giáo hoàng Francis

Vatican cập nhật tình hình sức khỏe của Giáo hoàng Francis

Nhà Trắng dự đoán thời điểm xung đột Nga - Ukraine kết thúc

Nhà Trắng dự đoán thời điểm xung đột Nga - Ukraine kết thúc

Instagram cập nhật hàng loạt tính năng mới cho tin nhắn

Instagram cập nhật hàng loạt tính năng mới cho tin nhắn

LPBS đầu tư thứ cấp tối đa 1.400 tỷ đồng trái phiếu của LPBank

LPBS đầu tư thứ cấp tối đa 1.400 tỷ đồng trái phiếu của LPBank