3 điểm yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Công nghiệp HỖ TRỢ
14:51 - 31/08/2023
3 điểm yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh vấn đề về hệ thống quản trị và năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt cũng có phần lép vé trước đối thủ khi thường có giá thành sản phẩm cao hơn.

Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 8/2023 sáng ngày 31/8, bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhận định, nền kinh tế thế giới suy giảm đã tác động rất nhiều đến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Lượng tồn kho cao của khách hàng (do tăng nhập trong năm ngoái) đã khiến các đơn hàng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sụt giảm đáng kể.

Mặt khác, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt có phần lép vé trước đối thủ khi có giá thành sản phẩm cao hơn. Lý giải về vấn đề này, bà Bình cho rằng có 3 nguyên nhân tác động lên giá, bao gồm nguyên vật liệu, chi phí khấu hao và hệ thống quản trị sản xuất.

Trước hết, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là những doanh nghiệp rất trẻ, do vậy chi phí khấu hao cho máy móc vẫn còn lớn.

Thứ hai, có rất nhiều nguyên vật liệu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên thế giới phải nhập từ một nguồn, điều đó có nghĩa giá thành cho các nguyên liệu này có thể tương đương. Tuy nhiên, ở những nước có nền công nghiệp chế tạo mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ thì số lượng sản phẩm sản xuất sẽ lớn hơn, điều đó khiến giá thành rẻ hơn nước khác.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn sở hữu hệ thống quản trị sản xuất hoàn thiện. Trong khi đó, hệ thống quản trị sản xuất của doanh nghiệp Việt còn chưa được tối ưu hóa, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, gây gia tăng thêm chi phí.

Bên cạnh vấn đề giá, bà Bình cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ đến hiện tại vẫn còn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Doanh nghiệp Việt sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn cũng như xây dựng hệ sinh thái để đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ chuỗi cung ứng toàn cầu”, theo bà Bình.

Điểm tích cực trong bức tranh của ngành hiện nay, đó là mặc dù khách hàng cũ giảm nhưng doanh nghiệp cũng có thêm đơn hàng từ các đối tác mới. Đặc biệt, doanh nghiệp có năng lực tốt (chất lượng tốt, quản trị tốt, giá cả cạnh tranh) đều có đơn hàng mới.

“Thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không thiếu, vấn đề là doanh nghiệp có làm được hay không”, bà Bình nhận định.

Trước tình hình trên, để doanh nghiệp hỗ trợ có thể phục hồi và phát triển, bà Bình cho rằng, lãi suất vay ngân hàng cần phải được giảm, khi đó doanh nghiệp mới có tài chính đầu tư máy móc, thiết bị vật tư, hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, cần giảm các chi phí liên quan cho doanh nghiệp như môi trường, thuế… "Mặc dù chi phí đó không chiếm phần lớn trong bảng chi của doanh nghiệp nhưng cũng khiến doanh nghiệp không có động lực đầu tư, thay đổi, khiến họ giậm chân tại chỗ", theo bà Bình.

Đọc tiếp