![]() |
Quyết định trên được đưa ra để ứng phó với tình trạng lượng hàng tồn kho đạt mức cao kỷ lục vào đầu tháng 2, gấp gần 9 lần so với mục tiêu của Chính phủ nước này, cũng như nhu cầu quốc tế ngày càng gia tăng, đồng thời báo hiệu sự thay đổi lớn trong chiến lược thương mại và an ninh lương thực của Ấn Độ.
Dữ liệu được Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) công bố cho thấy dự trữ gạo trong kho thóc Nhà nước Ấn Độ, bao gồm cả lúa chưa xay xát, đạt tổng cộng 67,6 triệu tấn tính đến ngày 1/2, so với mục tiêu 7,6 triệu tấn của Chính phủ.
Việc nối lại xuất khẩu gạo 100% tấm của Ấn Độ sẽ cho phép các nước nghèo ở châu Phi đảm bảo nguồn cung ngũ cốc với giá thấp hơn, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và ethanol châu Á phụ thuộc vào loại gạo này.
Tháng 9/2022, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và sau đó áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo khác vào năm 2023 sau khi lượng mưa thấp làm dấy lên lo ngại về sản lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình cung ứng được cải thiện sau khi thu hoạch được vụ mùa kỷ lục, Ấn Độ đã dỡ bỏ biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm gạo, ngoại trừ loại 100% tấm.
Năm 2022, Ấn Độ đã xuất khẩu 3,9 triệu tấn gạo tấm, chủ yếu sang Trung Quốc để làm thức ăn chăn nuôi và sang các nước châu Phi như Senegal và Djibouti để tiêu dùng.
Liên quan đến giá gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp hơn nhiều so với các thị trường khác. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu ngày 7/3 của Việt Nam loại 5% tấm ở mức 389 USD/tấn (cùng loại này Thái Lan đạt 411 USD/tấn, Ấn Độ đạt 405 USD/tấn); loại 25% tấm của Việt Nam đạt 364 USD/tấn (Thái Lan đạt 390 USD/tấn, Ấn Độ đạt 388 USD/tấn); loại 100% tấm của Việt Nam ở mức 307 USD/tấn (Thái Lan đạt 356 USD/tấn).
Chia sẻ tại cuộc họp về công tác điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 7/3, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2025, tổng cung gạo toàn cầu có xu hướng tăng so với năm trước, giá gạo trên toàn cầu giảm. Thời gian tới, dự báo xu hướng sản lượng cao tiếp tục gây áp lực giảm giá lúa gạo.
Trong khi đó, Indonesia - một trong hai thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - mới đây đã ra thông báo về kế hoạch không nhập khẩu gạo năm 2025.
Theo hãng thông tấn Antara, Bộ trưởng Điều phối Lương thực Indonesia Zulkifli Hasan tại sự Triển vọng kinh tế Indonesia 2025 tổ chức tại Jakarta ngày 26/2/2025 cho biết, với sản lượng gạo trong nước ước đạt tới 34 triệu tấn, Indonesia sẽ không cần phải nhập khẩu gạo trong năm nay.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,25 triệu tấn gạo sang Indonesia với kim ngạch 746 triệu USD.