Toàn cảnh giải đua ghe Ngo tại tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: báo Sóc Trăng) |
Chia sẻ tại lễ khai mạc, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết đây là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm và cũng là hoạt động thường niên, từ lâu đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch mang bản sắc đặc trưng của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng.
Đến với lễ hội lần này, nhân dân và du khách sẽ dự xem Lễ Cúng Trăng của đồng bào Khmer; ngắm nhìn những chiếc đèn nước và ghe Cà Hâu lung linh, rực rỡ sắc màu trên dòng sông Maspero; hòa mình trong không khí sôi nổi, hào hứng của Giải Đua ghe Ngo - một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục là môn thể thao "có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay".
Đua ghe Ngo là môn thể thao dân gian truyền thống trong những ngày diễn ra lễ cúng trăng. Ban đầu, đây chỉ là một trò chơi dân gian diễn ra trong đêm cúng trăng, nhằm dâng lên các đấng thần tiên nơi cung trăng thưởng thức. Dần dần trò chơi này được nâng lên thành lễ hội, mang tầm cỡ khu vực, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân đến tham dự.
Giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm nay có 46 đội trong tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đăng ký tham gia; trong đó có 6 đội ghe Ngo nữ. Riêng đơn vị tỉnh Sóc Trăng có 35 đội ghe Ngo nam và 3 đội ghe Ngo nữ tham gia giải.
Về hình thức thi đấu, đối với nội dung nam, có 40 đội chia làm 10 bảng, 1 bảng có 4 đội. Các đội cùng thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 32 đội đi tiếp vào giai đoạn 2 cho ngày thi đấu hôm sau (27/11).
Đối với nội dung nữ chia làm 2 bảng, mỗi bảng 3 đội ghe, thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 4 đội đi tiếp vào giai đoạn 2, thi đấu chọn 3 đội nhất, nhì, ba.
Về cơ cấu giải thưởng năm nay, ở nội dung thi đấu nam với cự ly 1.200 mét, giải nhất là 200 triệu đồng; giải nhì 150 triệu đồng; giải ba 100 triệu đồng và giải tư 80 triệu đồng.
Ở giải nữ thi đấu với cự ly 1.000 mét, giải nhất là 150 triệu đồng; giải nhì 100 triệu đồng; giải ba 80 triệu đồng và giải tư 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có giải thưởng dành cho các đội nhất bảng, nhì bảng và chiến thắng qua từng vòng đấu.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm tỷ lệ hơn 30% dân số của tỉnh.
Thời gian qua, Sóc Trăng đã tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án… trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 -2030.
Trong đó, đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh đã thực hiện đề án hỗ trợ cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer sửa chữa, đóng mới ghe ngo. Đầu tư kinh phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chuyên dùng phục vụ tổ chức thi đấu ghe ngo hằng năm.
Đặc biệt là, đề án còn tổ chức phục dựng các nghi lễ liên quan đến lễ hội ghe ngo như: lễ hạ thủy, lễ cúng trăng, hội thi Protip, trình diễn ghe cà hâu, lễ hội đường phố... Kinh phí thực hiện đề án là hơn 16 tỷ đồng.