Ngày 28/5, tấm đan tại vị trí dầm D1/10 phần đường dành cho xe máy và xe đạp phía thượng lưu hướng quận Hoàn Kiếm đi quận Long Biên trên cầu bị rơi xuống sông Hồng. Trước đó ngày 4/5, trên phần đường dành cho người đi bộ cũng bị rơi một tấm đan xuống sông, gây nguy hiểm cho người qua lại.
Các nhân viên tuần cầu đã may mắn phát hiện các sự cố kịp thời để cảnh báo người tham gia giao thông trên cầu và huy động nhân lực, thiết bị sửa chữa, gia cố và lắp đặt tấm đan thay thế. Nguyên nhân của các vụ "thủng" cầu Long Biên này là do kết cấu thép đỡ tấm đan lâu ngày đã bị han rỉ, mất liên kết, đồng thời nhiều xe ba gác chở hàng nặng vẫn lưu thông trên cầu dù đã bị cấm, ảnh hưởng đến kết cấu thép này.
Trong văn bản của Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này đã yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện khắc phục, sửa chữa ngay các vị trí hư hỏng, các vị trí có nguy cơ mất an toàn nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người, phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên. Bộ cũng cũng yêu cầu rà soát tổng thể các hạng mục dự kiến cần đầu tư, sửa chữa, khôi phục, trong đó xác định rõ tổng mức đầu tư, lộ trình đầu tư và nguồn vốn thực hiện và báo cáo Bộ GTVT để được xem xét quyết định.
Trong khi đó, sau khi trải qua hơn 120 năm sử dụng, cây cầu Long Biên đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng ở nhiều vị trí. Cây cầu bắc qua sông Hồng này được người Pháp xây dựng từ 1889-1902, với chiều dài gần 1.700m gồm 19 nhịp dầm thép. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị đánh bom trong 4 đợt đánh phá năm 1972 khiến cầu bị mất hẳn 9/19 trụ chính, 9 trụ khác bị hỏng nặng.
Hiện cầu đang được khai thác hỗn hợp, phần giữa dành cho đường sắt; hai bên cầu dành cho xe máy, xe đạp, người đi bộ.
Cầu Long Biên khởi công từ tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Ban đầu, cầu Long Biên có tên cầu Doumer theo tên của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer. |
Khi ra đời, cầu Long Biên là cây cầu dài thứ hai trên thế giới và là cây cầu thép đầu tiên Việt Nam thời điểm đó. |
|
Một số mối nối giữa các cột thép được gia cố đã bị bung ra. |
Thân cầu đã hoen gỉ toàn bộ, dây điện vắt ngang qua nhiều đoạn. Phần đèn đường hoạt động khá tối và phần ống nước hay dây điện đã rất cũ. |
Một số lỗ thủng trên đường xuất hiện trong tháng 5 vừa qua gây nguy hiểm cho người qua lại đã được vá lại bằng nhiều cách khác nhau. |
Giai đoạn 1995 - 2010 cầu Long Biên từng được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư là 116 tỷ đồng. Năm 2015, ngân sách Nhà nước chi 300 tỷ đồng để đại tu cây cầu. Bảy năm qua cầu chỉ được bảo dưỡng định kỳ và hiện chưa có thông tin về đợt sửa chữa lớn. |
Lý do hằng đầu cho sự xuống cấp của cây cầu là do mật độ giao thông qua cây cầu cổ này hiện rất đông. Trung bình có hàng nghìn phương tiện di chuyển qua mỗi ngày. |
Mỗi lần phương tiện đi qua cầu xuất hiện hàng loạt các âm thanh lọc xọc xuất hiện rung lắc không hề nhẹ. |
Để giảm trọng tải cho cây cầu đã có biển cấm xe máy xe thồ người đi bộ lên trên cầu. |
Đã có biển cấm nhưng một số người dân và du khách vẫn đi tản bộ tham qua cũng như hóng mát trên cầu. |
Ngoài ra việc buôn bán, họp chợ trên thành cầu vẫn diễn ra mặc cho biển cấm ngay cạnh. |
Sau hơn một trăm năm hoạt động và trải qua nhiều đợt sửa chữa hư hại do chiến tranh và thời gian, hiện trạng cây cầu sắt Long Biên đang ngày càng xuống cấp nặng nề, khiến việc đảm bảo "an toàn giao thông" như biển hiệu gắn trên đầu cầu nhiều năm qua trở thành một nhiệm vụ khó khăn. |