Nhận định về triển vọng tỷ giá năm 2025, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong một báo cáo mới đây đánh giá năm nay tiếp tục là năm tỷ giá chứng kiến sự đan xen giữa cơ hội và thách thức. KBSV nhận định tỷ giá trong năm 2025 sẽ không biến động mạnh, với dự báo tăng khoảng 2% so với năm 2024, và kết thúc năm quanh mức 26.000 VND/USD.
Dự báo của KBSV dựa trên kịch bản Chỉ số Đô la Mỹ (DXY) sẽ hạ nhiệt sau khi đã phản ánh chính sách của ông Donald Trump, kết hợp với nguồn ngoại tệ từ thặng dư thương mại và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang được dự báo sẽ duy trì ở mức tốt.
Cụ thể, về diễn biến chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh, các chuyên gia dự báo DXY sẽ hạ nhiệt về giai đoạn cuối năm nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có hai lần hạ lãi suất trong năm 2025. Cùng đó tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ không quá vượt trội so với phần còn lại của thế giới như được chứng kiến trong năm 2024. Ngoài ra, chỉ số DXY đã có nhịp phản ứng sớm, tăng mạnh từ quý IV/2024 và đang ở vùng cao.
Cán cân thương mại của Việt Nam cũng được dự báo sẽ thặng dư trong năm 2025 do hoạt động xuất khẩu tích cực hơn. KBSV kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng 10% trong 2025 nhờ nhu cầu tiêu thụ từ các nước đối tác ấm lên.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI cũng được kỳ vọng tăng trưởng. Ngoài ra, kiều hối tăng trưởng ổn định sẽ là những yếu tố gia tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường trong năm 2025.
Tỷ giá có thể căng thẳng ở một số thời điểm, việc bán dự trữ ngoại hối sẽ được cân nhắc cẩn trọng
Dù vậy, nhóm phân tích cho rằng tỷ giá có thể sẽ vẫn chịu áp lực và căng thẳng trở lại ở một vài thời điểm, khi những chính sách của ông Donald Trump chính thức được công bố.
Trong những giai đoạn tỷ giá căng thẳng, KBSV dự báo NHNN sẽ tiếp tục có những động thái can thiệp với trọng tâm là duy trì ổn định thị trường ngoại hối. Các công cụ như bán dự trữ ngoại hối hoặc điều tiết thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và phát hành tín phiếu vẫn sẽ được sử dụng. Tuy nhiên, mức độ sử dụng các công cụ này có thể sẽ ít hơn năm 2024 với kỳ vọng áp lực tỷ giá trong 2025 sẽ hạ nhiệt.
Việc bán dự trữ ngoại hối sẽ được cân nhắc cẩn trọng, nhằm bảo toàn nguồn dự trữ quốc gia, trong khi việc bơm hoặc hút ròng tiền đồng qua OMO và tín phiếu sẽ được điều chỉnh linh hoạt để cân bằng giữa áp lực tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng, nhóm phân tích nhận định.
"Trong kịch bản tích cực, áp lực tỷ giá không còn đáng lo ngại và các điều kiện khách quan cho phép, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ gia tăng dự trữ trở lại để đảm bảo nguồn lực quốc gia," báo cáo của KBSV nhận định.
Năm 2024, tỷ giá đã trải qua nhiều biến động đáng chú ý, đặc biệt là các thời điểm như quý II/2024 khi Fed duy trì mặt bằng lãi suất cao do nền kinh tế tăng trưởng nóng và các tháng cuối năm, một phần do nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước tăng cao, phần khác phản ánh kỳ vọng đồng USD mạnh hơn sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Trong bối cảnh đó, NHNN đã chủ động triển khai các biện pháp kịp thời nhằm ổn định thị trường và hạn chế sự mất giá của đồng VND, thông qua các đợt can thiệp mạnh mẽ trong quý II và quý IV. Cùng đó, nhà điều hành cũng điều tiết thanh khoản tiền đồng thông qua sử dụng linh hoạt các công cụ thị trường mở (OMO) và phát hành tín phiếu nhằm hút ròng tiền đồng trong các giai đoạn cao điểm từ tháng 5-6/2024 và tháng 10- 12/2024, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá. Kết thúc năm 2024, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng 1,9% so với đầu năm, lên mức 24.320 VND/ USD. Tỷ giá liên ngân hàng tăng 5% so với đầu năm. Nhìn chung, tỷ giá vẫn được kiểm soát trong biên độ cho phép quanh ngưỡng +/-5% của NHNN. |