Chứng khoán Mirae Asset trong báo cáo mới nhất đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý về kinh tế vĩ mô. Trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành tín phiếu hút ròng tổng cộng 171.000 tỷ đồng, với kỳ hạn 28 ngày từ ngày 11/03 đến 29/03.
Bước sang tháng 4, cụ thể vào ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang bơm ròng hơn 8.000 tỷ đồng với lãi suất 4%, kỳ hạn 7 ngày, nhằm mục đích tăng cường tính thanh khoản trong kênh liên ngân hàng đồng thời rút lại 0,3 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu.
Đáng chú ý, lãi suất qua đêm đã tăng từ 0,31% lên 4,36% giữa ngày 28/03 và ngày 02/04, cùng với sự gia tăng đáng kể trong doanh số giao dịch trung bình cho cùng kỳ.
Theo quan sát của Mirae Asset, tỷ giá trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.400 vào ngày 3/4, đánh dấu mức mất giá 2,87% so với đầu năm. Tương tự, tỷ giá bán ra được Vietcombank niêm yết cũng cho thấy sự tăng vọt bất thường lên 25.130 VND vào cùng ngày, ghi nhận mức mất giá 2,91% so với đầu năm (tăng mạnh so với mức mất giá 2,25% vào ngày 29/03).
Nhìn lại toàn cảnh quý 1/2024, Mirae Asset nhận định bối cảnh trong năm 2024 tiếp tục có sự khác biệt đáng kể so với hai năm trước, khi quý 1/2024 bị ảnh hưởng bởi tác động kéo dài của việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước đó và tâm lý chung về việc Fed duy trì lãi suất cao lâu hơn. Áp lực đối với tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục cho đến khi Fed chính thức bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, tác động thực tế sẽ khác biệt so với hai năm trước do bối cảnh kinh tế hiện tại đã thấy sự cải thiện đáng kể, kết hợp với các biện pháp can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN, nhằm mục đích mở rộng phạm vi can thiệp bằng cách kiểm soát mức chênh lệch hoán đổi.
Nhìn chung, việc giảm quy mô phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc điều chỉnh lãi suất phát hành trong những phiên gần đây, phản ánh sự linh hoạt và cách tiếp cận có đo lường của phía Ngân hàng Nhà nước trong việc can thiệp vào tỷ giá hối đoái, Mirae Asset nhận định.
"Thay vì vội vàng hành động, chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước đang dần chuẩn bị các phương án tiếp theo nhằm giảm áp lực tỷ giá hối đoái, có khả năng sẽ bắt đầu với việc bán hợp đồng kỳ hạn đối với đồng USD", báo cáo nêu quan điểm.
Trước đó, trả lời câu hỏi của Mekong ASEAN tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 3/4, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định lại tỷ giá là một trong những mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng của Ngân hàng Nhà nước.
Phó Thống đốc Tú cho biết tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến sức mua của Đồng Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới chính sách kinh tế trong nước, đặc biệt là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tâm lý thị trường, niềm tin nhà đầu tư.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn coi ổn định tỷ giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá USD/VND lên xuống phù hợp xu thế chung, đồng thời vẫn đảm bảo được các mục tiêu đề ra là ổn định vĩ mô, sức mua đồng nội tệ, hài hòa trạng thái ngoại tệ, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
"Trong trường hợp cuối cùng, nếu cần thiết, NHNN vẫn có thể can thiệp thị trường thông qua việc bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá," Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Ngày 6/4, tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh mức 24.038 VND/USD, tăng 18 đồng so với phiên giao dịch ngày 5/4.
Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) dao động từ 23.400 - 25.171 VND/USD. Tỷ giá đồng USD cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 - 25.171 VND/USD.