Làn sóng bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện từ tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 với khoảng 3.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy có tới 93,9% cho rằng dịch bệnh đã gây tác động “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”. Chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và chưa đến 2% doanh nghiệp cho biết nắm bắt được cơ hội để phát triển từ dịch.
Về lao động, 90,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã buộc phải giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, 96,2% doanh nghiệp thừa nhận gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị, như khả năng tiếp cận khách hàng, dòng tiền, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Về doanh thu, 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020. Trước đó vào năm 2020 đã có 65% doanh nghiệp báo cáo sụt giảm doanh thu so với năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm doanh thu tiếp tục tăng trong năm thứ hai liên tiếp đã phản ánh tình trạng “kiệt quệ” tài chính của rất nhiều doanh nghiệp nếu không có những giải pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức hôm 5/12, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định: “Đại dịch COVID-19 đã đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức rất mới, rất khác do tính bất định cao hơn”.
“Có lẽ cách đây 2 năm, không ai nghĩ dịch bệnh đã đặt ra những thách thức có tính bất định đến như vậy với kinh tế toàn cầu, điều mà có lẽ ta chỉ thấy trong các bộ phim Hollywood. Nhưng hiện nay nó đã diễn ra”.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp hiện không chỉ phải đối mặt với các vấn đề trực tiếp của bản thân doanh nghiệp, của ngành mình mà còn đối mặt với những vấn đề lớn hơn từ những thách thức mang tính toàn cầu, những rủi ro không biên giới như COVID-19, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị…
Bản thân doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều biện pháp khác nhau nhằm ứng phó với cú sốc bất lợi từ đại dịch, bao gồm các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì hoạt động liên tục. Nhưng trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, VCCI cho rằng cần thiết phải có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi một cách kịp thời và hiệu quả.
Đề xuất "bơm máu” cho doanh nghiệp bằng các gói vay lãi suất 0%
Từ góc độ doanh nghiệp, VCCI đề xuất một số biện pháp ngắn hạn có khả năng thực hiện để hỗ trợ phục hồi hoạt động doanh nghiệp. Trong đó quan trọng nhất là nhóm giải pháp giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Đồng quan điểm với VCCI về tính cấp thiết có giải pháp khơi thông tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh trong khuôn khổ Diễn đàn rằng: “Doanh nghiệp đang thiếu máu, cần phải được bơm máu”.
VCCI đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trong trả lương cho người lao động như các gói vay lãi suất 0% hoặc với lãi suất thấp trong thời hạn từ 3-6 tháng, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng thay vì chính sách không tính lãi cho doanh nghiệp như hiện nay. Ngoài ra phương án mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến để khơi thông khả năng tiếp cận tín dụng.
Đồng quan điểm với VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cũng cho biết tại Diễn đàn rằng thực tế hiện nay rất ít doanh nghiệp quy mô này đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng thương mại đưa ra. Do đó để giảm rủi ro trong cho vay, các ngân hàng thương mại yêu cầu phải có tài sản bảo đảm. Khắc phục điểm nghẽn này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn về bảo đảm tiền vay bằng tài sản. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Quỹ bão lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của Quỹ.
Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ giãn nộp với thời gian đủ dài cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 mà không có khả năng nộp, nhất là các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.... Bên cạnh đó, VCCI kiến nghị giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để các doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu cũng cần tiếp tục kéo dài.
Về nhóm giải pháp hỗ trợ sản xuất và kinh doanh và lao động, VCCI đề xuất các Bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lập và triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh liên tục trong tình hình dịch bệnh, có chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách như tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tuyệt đối tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia cũng như điều kiện quay lại làm việc với người lao động từ các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.
Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính chuyển hẳn sang giải quyết thủ tục trên môi trường mạng như nộp hồ sơ trực tuyến, sử dụng chữ ký số, ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính để thay thế cho các hình thức nộp hồ sơ giấy trước đây.
Doanh nghiệp cũng phải “tự nâng cấp mình”
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra các xu hướng kinh doanh trong bối cảnh mới mà doanh nghiệp Việt cần chủ động thích nghi để đẩy nhanh quá trình phục hồi, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Quan trọng nhất là xu hướng sẵn sàng thay đổi. Ở cấp độ toàn cầu, trước đây, chuỗi sản xuất chỉ tập trung ở một số nước lớn nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đặt ra vấn đề an ninh chuỗi cung ứng, hiện tượng cơ cấu lại và dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra. Việt Nam dự kiến sẽ góp phần trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đó. Ở cấp độ doanh nghiệp, cách thức kinh doanh truyền thống được đánh giá là không còn phù hợp, doanh nghiệp phải sẵn sàng thích nghi với chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, làm việc từ xa…
Bên cạnh đó là xu hướng thích ứng tốt hơn. Theo ông Đậu Anh Tuấn, điều này không chỉ cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, mà còn cho nguy cơ từ biến đổi khí hậu trước mắt. Đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu chịu tác động từ biến đổi khí hậu, do đó mô hình kinh doanh mới để doanh nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, xu hướng hướng nội cũng đang rõ nét hơn. “Trong những năm vừa qua, xu hướng bảo hộ tại nhiều quốc gia trên thế giới là rất rõ nét. Nhiều quốc gia đang sử dụng các hàng rào thương mại, hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ thị trường trong nước. Việt Nam là một quốc gia có lợi thế với thị trường trong nước lớn, tiềm năng. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá thị trường nội địa đang trở nên hấp dẫn hơn nhờ yếu tố ổn định, tăng trưởng liên tục và đặc biệt là ngưỡng thu nhập trung bình khá đã ở phân khúc chính”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, xu hướng xanh cũng đang nổi trội. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 tuyên bố mục tiêu tham vọng Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Cùng với các nghị quyết của Đảng, Chính phủ thì FDI nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong thời gian tới cũng phải xanh hơn. Vốn tín dụng cho vay cũng phải hướng tới các dự án xanh hơn, môi trường đầu tư ở địa phương không chỉ cần thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng mà phải xanh hóa.
Cuối cùng là xu hướng môi trường và hoạt động kinh doanh nhân văn hơn. Ông Tuấn nhấn mạnh dịch bệnh vừa qua đã cho thấy nhu cầu các sản phẩm quan tâm đến con người, bao gồm cả sức khỏe và tâm lý con người. Trong thời gian tới, chắc chắn các sản phẩm chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe sẽ tăng trưởng và phát triển, ngay cả công nghệ cũng sẽ hướng tới nhu cầu nhân văn của con người.
“Doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển. Tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam không ngại thay đổi. Trong gen của chúng ta đã có sẵn khả năng thích ứng cao. VCCI kỳ vọng COVID-19 là một cơ hội để doanh nghiệp Việt tự nâng cấp mình, tạo nên những bước phát triển thần kỳ của nền kinh tế trong thời gian tới”.
Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, Quốc hội trong thời gian qua đã có một loạt các điều chỉnh chính sách quan trọng như Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 6/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số quy định khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ cũng đã có những quyết sách mới nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 như Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định 1447/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Hai Nghị quyết 105 và 128 được cho là bước ngoặt “cởi trói” cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy trạng thái bình thường mới của nền kinh tế.