ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong 55 năm vừa qua kể từ khi thành lập. Ảnh: Getty Images |
Trong buổi tọa đàm 55 năm ASEAN: Vai trò trung tâm trong vòng xoáy quyền lực hôm 6/8, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao - nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN đã có những chia sẻ và nhận định về vai trò, thành tựu cũng như những thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Từ việc ra đời trong sự kỳ vọng không cao của bản thân nội bộ tổ chức lẫn khu vực, ASEAN đã tạo nên kỳ tích thông qua việc gác bỏ lại các tranh chấp và rút kinh nghiệm từ các tổ chức đã ra đời trước đó. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, ASEAN hiện đã phát triển trở thành một thị trường với sức mua lớn nhờ dân số 700 triệu người.
Trong vòng hơn 5 thập kỷ phát triển, ASEAN đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn và theo dự đoán tới năm 2030, khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và EU.
Thêm vào đó, vị thế ngoại giao của tổ chức cũng đã được nâng cao rất nhiều. Hiện nay, ASEAN là đối tượng mà nhiều quốc gia muốn thiết lập và nâng tầm quan hệ, cũng như đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định an ninh và chính trị thế giới. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, đóng góp lớn nhất của ASEAN chính là tạo dựng được một môi trường hòa bình cho khu vực.
Từ những ngày đầu khi bản thân tổ chức vẫn còn những xung đột giữa các nước thành viên với nhau, ASEAN ngày nay đã đạt được vị thế ngoại giao vững chắc và môi trường an ninh ổn định. Trong vòng 55 năm qua, khu vực này không hề ghi nhận bất cứ cuộc xung đột lớn nào. Nhờ đó, các quốc gia có thể tập trung phát triển kinh tế, từ đó nâng cao mức sống lẫn thu nhập của người dân và hướng tới thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.
Mặt khác, do các cường quốc hiện nay đều quan tâm tới khu vực châu Á -Thái Bình Dương và muốn tạo lợi thế cạnh tranh lẫn nhau, ASEAN ở vị trí trung tâm khu vực có thể tận dụng cơ hội này để làm sâu sắc thêm quan hệ với các quốc gia này, đồng thời nâng tầm quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao - nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN. Ảnh: Quách Sơn |
Tuy nhiên ngoài những thành tựu tích cực, ASEAN trong đó có Việt Nam cũng phải đối mặt với muôn vàn thử thách phía trước. Đầu tiên chính là xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Bất kể kết quả như thế nào, các nước trong khu vực đều sẽ gặp phải các tác động lớn về lương thực, năng lượng, chuỗi cung ứng và lạm phát gây ra bởi giá cả tăng mạnh.
Ngoài ra, ông Hoàng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh vào thách thức tới từ cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy mạnh dưới thời Tổng thống Joe Biden và đặc biệt sau khi nổ ra chiến sự giữa Nga và Ukraine. Các tranh chấp địa – chiến lược này hoàn toàn có thể khả năng các khu vực bị phân chia theo ảnh hưởng, từ đó khiến ASEAN gặp nguy cơ bị phân hóa và mất đi năng lực nâng cao quan hệ với các nước lớn.
Ngoài các vấn đề tới từ bên ngoài, ASEAN cũng phải giải quyết được các vấn đề nội bộ về mặt nguyên tắc cũng như về mặt phát triển kinh tế xã hội để không đi vào vết xe đổ như Sri Lanka. Việc giải quyết vấn đề biển Đông cũng như các vấn đề về Myanmar nhằm kiến tạo môi trường hòa bình, an ninh ổn định để phát triển và củng cố vị thế cũng là một yếu tố quan trọng. ASEAN cần phải có được năng lực tự giải quyết câu chuyện nội bộ cũng như khả năng giữ được sự trung lập với các nước lớn để có thể vững mạnh hơn nữa.