TP HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
Kinh tế thành phố duy trì đà phục hồi ổn định với tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,7%, chiếm 65,5% GRDP, đóng góp 68,8% vào tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp tăng 7,26%, chiếm 18,2% GRDP, nhưng vẫn phục hồi chậm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp TP HCM đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 28,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%. Riêng chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của TP HCM tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 11%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55% và các dịch vụ khác tăng 8%. Thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, GRDP của Hà Nội tăng 6,52% so với năm trước. Quy mô GRDP của thành phố năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1,43 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8% so với năm 2023. Trong cơ cấu GRDP của Hà Nội trong năm 2024, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 65,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%.
Dân số trung bình trên địa bàn Thành phố năm 2024 ước tính đạt 8,72 triệu người, tăng 1,5% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của một nhân khẩu đạt 7,55 triệu đồng/tháng, tăng 9,9%.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,7%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 ước thực hiện 509.300 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán và tăng 23,8% so với năm 2023. Chi ngân sách ước thực hiện 112.100 tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán năm và tăng 1,4% so với năm 2023.
Tiếp tục đứng thứ ba về quy mô GRDP, năm 2024 GRDP của tỉnh Bình Dương tăng 7,48% so với năm 2023, chủ yếu dựa vào khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,71%, đóng góp 5,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Quy mô GRDP của Bình Dương năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 520.205 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng/năm.
Hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% (năm 2020 tăng 8,02%, năm 2021 tăng 4,5%; 2022 tăng 8,8%, 2023 tăng 4,9%).
Lũy kế đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh có 73.945 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số 812.400 tỷ đồng. Riêng năm 2024, tỉnh thu hút được 8.637 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh mới với tổng số vốn 53.000 tỷ đồng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2023. Lũy kế đến 31/12/2024, toàn tỉnh có 4.399 dự án FDI với tổng vốn 42,5 tỷ USD.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 đạt 76.200 tỷ đồng, vượt 17% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao và vượt 6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi thực hiện đạt 32.200 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Giữ vững vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng về quy mô kinh tế, năm 2024, Đồng Nai ghi nhận GRDP theo giá hiện hành đạt 493.819 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu đề ra (từ 6,5% đến 7%) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5,41%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 148,94 triệu đồng/người (vượt mục tiêu 148 triệu đồng/người).
Tình hình sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại và trong xu hướng phục hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tính tăng 8,15% so cùng kỳ (cao hơn nhiều so với mức tăng 5,27% của năm 2023). Thu hút FDI đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 27,52% so cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 62.000 tỷ đồng, vượt 10% dự toán HĐND tỉnh giao và vượt 12% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, duy trì vị trí thứ 6 cả nước về thu ngân sách Nhà nước. Đây cũng là lần đầu trong vòng 5 năm qua, tỉnh đạt kết quả thu ngân sách ở mức cao so với dự toán. Theo thống kê từ Sở Tài chính, trong đó, thu nội địa hơn 41,6 nghìn tỷ đồng, đạt 111% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 21,1 nghìn tỷ đồng, đạt 119% dự toán.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Hải Phòng năm 2024 ước đạt 11,01%, xếp thứ 3 cả nước, là năm thứ 10 liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức hai con số. Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, đặt dấu mốc là năm đầu tiên thành phố bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Theo đó, quy mô GRDP theo giá hiện hành TP Hải Phòng năm 2024 ước đạt 445.995 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước. Cơ cấu kinh tế theo các khu vực như sau: Khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 3,15%, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,08%, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 38,52%.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn TP Hải Phòng năm 2024 ước đạt 211.481 tỷ đồng, tăng 10,09% so với năm trước. Bao gồm, vốn khu vực Nhà nước đạt 29.351 tỷ đồng, chiếm 13,88% tổng vốn và giảm 0,55%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 72.841,7 tỷ đồng, chiếm 34,44% và tăng 20,42%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 109.288,3 tỷ đồng, chiếm 51,68% và tăng 7,04%.
Tính đến ngày 31/12/2024, Hải Phòng thu hút FDI đạt hơn 4,9 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 126 dự án, đạt 757,43 triệu USD; vốn đăng ký điều chỉnh có 72 dự án với số vốn tăng là hơn 3,724 tỷ USD.