ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển và hội nhập của Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: TTXVN.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN, sáng 10/3, tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN, thủ đô Jakarta, Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại đây.

Mekong ASEAN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tầm nhìn của Việt Nam về khu vực ASEAN, chủ trương, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

“Thưa ngài Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn,

Thưa các quý vị và các bạn,

Tôi vui mừng trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia có dịp thăm chính thức và phát biểu tại Ban Thư ký ASEAN - cơ quan thường trực của ASEAN, nơi diễn ra các cuộc họp, hội nghị cấp cao và các cấp của ASEAN, giữa ASEAN và đối tác, cũng là nơi các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua nhiều quyết sách quan trọng đóng góp cho sự phát triển và tương lai của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Tôi chân thành cảm ơn ngài Tổng Thư ký, các vị lãnh đạo và cán bộ Ban Thư ký ASEAN, cùng các vị đại sứ, đại diện các phái đoàn ngoại giao tại đây đã dành cho tôi và đoàn Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu.

Trong khán phòng hôm nay, tôi được biết có nhiều học giả, nhà nghiên cứu uy tín, nhiều người đã và đang có những đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển của ASEAN và quan hệ Việt Nam - Indonesia. Tôi trân trọng gửi tới cả các quý vị lời chào và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa quý vị và các bạn,

Ngay khi đặt chân tới Xứ sở vạn đảo tươi đẹp, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những ánh mắt rạng ngời, những nụ cười rất thân thiện và trìu mến của người dân Indonesia, khiến chúng tôi cảm thấy như được đến thăm nhà một người anh em ruột thịt với rất nhiều nét tương đồng và sự gần gũi.

Đất nước Indonesia nổi tiếng về bề dày văn hoá đa dạng, nơi giao thoa của nhiều nền văn minh, tôn giáo lớn trong khu vực trải dài từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Thiên nhiên hùng vĩ, kết hợp với những công trình kiến trúc cổ xưa thấm đẫm các giá trị văn hoá tâm linh và cả những công trình kiến trúc hiện đại độc đáo đầy ấn tượng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khắp thế giới và Việt Nam.

Đất nước Indonesia còn được biết đến với những tư tưởng vượt khỏi tầm khu vực, trong đó độc lập, tự chủ, tự cường, không liên kết… đã trở thành triết lý đối ngoại của Indonesia.

Với nguồn cảm hứng khi đến với xứ sở này và đắm mình trong không khí hết sức ấm áp, thân thiện và đoàn kết tại Ban Thư ký ASEAN, tôi muốn chia sẻ với quý vị một số suy nghĩ về vai trò quan trọng của ASEAN trong bối cảnh hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của ASEAN, khu vực và thế giới.

Kính thưa các quý vị,

Trong các thập kỷ gần đây, đặc biệt từ sau đại dịch Covid -19, thế giới và khu vực đang chứng kiến những chuyển động nhanh chóng, tạo ra những thay đổi mang tính thời đại với ba xu thế lớn đang định hình diện mạo tương lai:

Thứ nhất là sự tái định hình cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm, trong đó, cạnh tranh chiến lược và phân tách giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặt ra những cơ hội và thách thức chưa từng có đối với trật tự quốc tế hậu chiến và ASEAN.

Thứ hai, sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, chuỗi khối, sinh học tổng hợp... dẫn tới những thay đổi cơ bản trong đời sống văn hóa-kinh tế, chính trị, xã hội toàn nhân loại, từng dân tộc và mỗi người dân.

Thứ ba, tác động ngày càng sâu sắc của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh, an ninh mạng, già hoá dân số… đòi hỏi các quốc gia phải điều chỉnh phương thức phát triển và hợp tác trong quản trị toàn cầu.

Những xu thế này đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội toàn cầu, mang lại cơ hội cũng như thách thức đối với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế, trong đó có ASEAN và Việt Nam.

Hơn bao giờ hết, chúng ta có cảm nhận rõ về khó khăn, thách thức, về rủi ro đối với hoà bình, an ninh, ổn định.

Leo thang căng thẳng và xung đột giữa các quốc gia tăng lên mức cao nhất trong 75 năm qua. An ninh toàn cầu ngày càng bất ổn, gần 15% dân số thế giới hiện đang sống tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Hợp tác quốc tế và các định chế đa phương đứng trước nhiều thách thức chưa từng có khi lòng tin giữa các quốc gia đang dần bị thay thế bởi đối đầu và nghi kỵ.

Chủ nghĩa đa phương mở được thúc đẩy bởi tiến trình toàn cầu hoá mạnh mẽ trong hơn 3 thập kỷ qua đang bị xói mòn.

Các thách thức an ninh phi truyền thống và truyền thống đan xen ngày càng phức tạp, làm cho môi trường an ninh và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á và các nước thành viên ASEAN phức tạp và khó dự báo hơn bao giờ hết.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN. Ảnh: TTXVN.

Đúng như nhận định của ngài Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tại Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ 2 tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua: "Thế giới hiện nay được đặc trưng bởi "cạnh tranh, đối đầu, thách thức lẫn nhau và phân mảnh."

Tuy nhiên, tôi cho rằng chính trong những thách thức, khó khăn luôn chứa đựng hoặc xuất hiện cơ hội. Khó khăn thúc đẩy các quốc gia xích lại gần nhau, đối phó với những thách thức chung. Đồng thời, khó khăn cũng mở ra những cơ hội hiếm có cho ASEAN vươn lên bứt phá và khẳng định vị thế mới, trên cơ sở nguyên tắc, giá trị chung và những thành tựu sau gần 60 năm phát triển.

Đặc biệt hơn cả, khó khăn, thách thức là động lực cho sự đổi mới. Từ bài học lịch sử của Việt Nam, nếu như không có những khó khăn, thách thức của thập niên 1980 thì chúng tôi chưa chắc đã có công cuộc đổi mới và Việt Nam ngày hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi từng căn dặn: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên." Đây chính là cơ hội và thời điểm để chúng ta tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Vì vậy, điều chúng ta cần làm là quyết tâm, đồng lòng nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức, tiếp tục thúc đẩy hợp tác, kích thích đổi mới và tạo ra động lực tăng trưởng mới, bền vững cho cả Cộng đồng ASEAN, cho mỗi quốc gia thành viên của ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN.

Thưa các quý vị,

Nhìn lại lịch sử gần 60 năm của ASEAN cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là về tinh thần tự lực, tự cường và tự chủ chiến lược. Tôi muốn chia sẻ với quý vị ba câu chuyện điển hình về những quyết định lịch sử của ASEAN tạo nên bước ngoặt phát triển cho khu vực.

Đầu tiên là giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Tác động lan rộng của cuộc khủng hoảng khi đó đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực sự và triển vọng của liên kết kinh tế khu vực; thậm chí, không ít đánh giá vội vã cho rằng ASEAN sẽ thu mình lại và dựng lên "bức tường" bảo hộ.

Nhưng quyết định của ASEAN khi đó hoàn toàn ngược lại. Chính trong khủng hoảng, ASEAN nhận thức rõ hơn về sự tuỳ thuộc và gắn kết giữa các nền kinh tế.

Từ quyết định đẩy nhanh lộ trình hội nhập trong Khu vực Thương mại Tự do ASEAN, đến các nỗ lực thúc đẩy sự lưu chuyển tự do của hàng hoá, dịch vụ, đầu tư… chính những quyết định đúng đắn đó đã góp phần quan trọng giúp ASEAN vượt qua khó khăn, ngày nay trở thành một trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.

Câu chuyện thứ 2 là quyết định của ASEAN đẩy nhanh hình thành Cộng đồng vào năm 2015, rút ngắn tiến độ 5 năm so với lộ trình ban đầu. Đây là một quyết định mạnh mẽ và kịp thời được đưa ra vào năm 2007 trong bối cảnh nhu cầu nâng tầm liên kết của ASEAN trở nên cấp thiết để bắt kịp xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu sắc.

Hiến chương ASEAN có hiệu lực năm 2008 tạo dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế toàn diện cho liên kết ASEAN. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015 là bước chuyển mới về chất của ASEAN trên cả ba trụ cột: Chính trị - an ninh; kinh tế và văn hoá - xã hội.

ASEAN ngày nay đã trở thành Cộng đồng 10 quốc gia thống nhất trong đa dạng; là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng đầu; là trung tâm của các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu; là cầu nối của đối thoại, hợp tác vì hoà bình và phát triển ở khu vực, góp phần tích cực vào định hình một trật tự thế giới mới.

Cuối cùng là câu chuyện về nỗ lực phi thường của ASEAN vượt qua đại dịch Covid -19. Trước thách thức chưa từng có tiền lệ từ sự bùng phát của dịch bệnh, ASEAN đã huy động sức mạnh tổng thể, biến nhu cầu hợp tác ứng phó thành mẫu số lợi ích chung của các quốc gia, cùng nhau duy trì ổn định các hoạt động của ASEAN, giữ vững đà xây dựng cộng đồng.

Giữa những gam màu ảm đạm của bức tranh kinh tế thế giới, ASEAN tiếp tục nổi lên là một điểm sáng tích cực với dự báo tăng trưởng năm 2025 đạt 4,7%.

Để tận dụng các động lực tăng trưởng mới, hàng loạt các khuôn khổ hợp tác đang được khẩn trương xây dựng để nâng cao lợi thế cạnh tranh của ASEAN, định hình và dẫn dắt các xu hướng hợp tác mới ở khu vực.

Những câu chuyện trên là minh chứng về các giá trị cốt lõi đã làm nên thành công và bản sắc của ASEAN trong gần 6 thập kỷ qua.

Đoàn kết, tự cường, hợp tác, thống nhất trong đa dạng tiếp tục là những chìa khóa bảo đảm thành công của ASEAN trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.

Sự xuất hiện của ngày càng nhiều thách thức với tác động đa chiều, sâu rộng đòi hỏi ASEAN có cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt và đổi mới, kể cả trong quá trình ra quyết định.

Đồng thuận, đoàn kết không có ý nghĩa là luôn giữ mình trong vùng an toàn cho tất cả các bên. Ngược lại, các thành viên trong gia đình ASEAN phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung. Đó mới chính là ý nghĩa và giá trị thực sự của đồng thuận và đoàn kết.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN. Ảnh: TTXVN.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, ASEAN chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ và sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Có thị trường tiêu dùng hơn 800 triệu dân, đồng thời sẽ là trung tâm công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, với nền kinh tế số của ASEAN đang phát triển nhanh và dự kiến sẽ đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trước những biến động phức tạp hiện nay, để duy trì và phát huy các thành quả đã đạt được một cách hiệu quả và bền vững, khẳng định tầm vóc và vị thế tâm điểm, ASEAN không chỉ cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, mà còn cần có tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, lộ trình khả thi, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt.

Tôi có một số suy nghĩ về việc tạo đột phá trong phát huy các giá trị chiến lược của ASEAN, nâng cao uy tín và vai trò của ASEAN trong thời gian tới.

Thứ nhất, bảo đảm tự chủ chiến lược và linh hoạt nhằm tăng cường khả năng thích ứng và ứng phó trước các thách thức và biến động nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược.

ASEAN cần phối hợp với trách nhiệm cao hơn trong tăng cường đoàn kết nội khối. Đây là yếu tố quyết định để ứng phó với các áp lực bên ngoài, duy trì tiếng nói độc lập và cân bằng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt.

Theo đó, ASEAN cần gia tăng đồng thuận thông qua tham vấn, đối thoại, đan xen lợi ích giữa các thành viên; nâng cao ý thức cộng đồng và sự chủ động, tích cực hơn từ mỗi quốc gia thành viên trong tìm kiếm mẫu số chung về lợi ích, bản sắc và giá trị ASEAN.

Thứ hai, tự cường hơn về kinh tế, tận dụng và phát huy lợi thế của ASEAN là không gian phát triển kinh tế rộng lớn và giàu tiềm năng, vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành trung tâm sản xuất chiến lược của thế giới.

ASEAN cần sáng tạo hơn trong các giải pháp phát triển, có những cách tiếp cận mới trong thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là về đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xanh, bao trùm, bền vững.

ASEAN cần trở thành trung tâm của các sáng kiến đột phá về công nghệ, biến các nghiên cứu khoa học thành ứng dụng thực tiễn, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, phát huy hơn nữa bản sắc và giá trị của ASEAN. Tăng cường kết nối văn hoá và giao lưu nhân dân, phát huy các giá trị mang bản sắc của ASEAN như đồng thuận, hài hòa và tôn trọng khác biệt.

Gìn giữ và phát huy "Phương cách ASEAN" - một di sản văn hóa quý báu trong phương thức ra quyết định của Hiệp hội, đặc biệt là lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của phát triển bền vững.

Trong bối cảnh an ninh lương thực, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, nhiệm vụ của ASEAN là chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để có thể chủ động thích ứng trong mọi hoàn cảnh, bảo đảm cuộc sống ổn định và thịnh vượng cho người dân.

Thứ tư, tăng cường hiệu quả trong xây dựng các chuẩn mực ứng xử nhằm điều hoà và điều hướng mối quan hệ giữa các nước ở khu vực trên cơ sở nguyên tắc cân bằng, bao trùm và hợp tác cùng có lợi. Đồng thời, phải bảo đảm tính thực chất trong triển khai các sáng kiến và cam kết hợp tác.

Trước thực trạng gia tăng cọ xát chiến lược giữa các nước lớn, ASEAN cần thể hiện đoàn kết cả trong ứng xử và hành động, duy trì vai trò trung tâm, phát huy vai trò kết nối, cầu nối, khuyến khích các bên tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, tạo nền tảng đối thoại và hợp tác thiện chí, thúc đẩy hợp tác và duy trì ổn định, hoà bình cho khu vực và thế giới, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc do các cơ chế của ASEAN đề ra.

Đặc biệt, ASEAN cần chủ động hơn trong việc dùng "phương cách ASEAN" để tìm giải pháp lâu dài, bền vững cho các vấn đề trong cũng như ngoài khu vực Đông Nam Á.

Thứ năm, tập trung cùng nhau giải quyết những vấn đề trong nội khối để giúp Myanmar ổn định và phát triển; giúp Timor Leste sớm trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN.

Thưa quý vị,

Việt Nam tự hào với tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai trong hơn 30 năm qua, mà trong đó ASEAN là điểm khởi đầu, là tiền đề cho Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới.

Từ một nước bị cô lập, cấm vận, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và là thành viên của hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và thế giới. Mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết và triển khai với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và về quy mô thương mại.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ảnh: TXXVN.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 35 quốc gia gồm tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của ASEAN.

Có thể khẳng định, hợp tác với các thành viên ASEAN và với mạng lưới các đối tác của ASEAN đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho Việt Nam phát triển và ngày càng thịnh vượng, mở ra không gian phát triển đầy tiềm năng cho Việt Nam và giúp Việt Nam nâng cao uy tín, vai trò và vị thế quốc tế.

Là một thành viên tin cậy, tích cực và trách nhiệm của khu vực và thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp nguồn lực và trí lực vào các cơ chế hợp tác quan trọng hàng đầu của khu vực và toàn cầu.

Những đóng góp của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ủy viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), 3 lần là Chủ tịch ASEAN (các năm 1998, 2010, 2020)… được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Việt Nam hiểu rằng, song hành với sự gia tăng về vị thế là sự gia tăng của trách nhiệm, với gia đình ASEAN, với bạn bè khu vực và với những vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử này là nền tảng quan trọng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việt Nam xác định quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bứt phá 8% trong năm 2025 và trên 2 con số trong những năm tiếp theo; đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Chúng tôi gắn phát triển kinh tế nhanh, bền vững với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt; đồng thời, tiếp tục lấy con người là trung tâm, là động lực của phát triển; xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân.

Trong kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam tiếp tục kiên định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.

Với khát vọng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, hòa bình là nền tảng để phát triển. Kế thừa truyền thống hào khí, giàu tính nhân văn của dân tộc "Nối hai nước tình hòa hiếu; tắt muôn đời lửa chiến tranh," "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo," Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không:"

(1) Không tham gia liên minh quân sự; (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam luôn kiên định ủng hộ việc tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Từ khi bắt đầu mở cửa và hội nhập, chúng tôi luôn xác định ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam.

Trong hơn 3 thập kỷ qua kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, nỗ lực đóng góp hết sức mình vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và tự cường, qua đó khẳng định vị thế quốc tế của mình với tư cách một thành viên của gia đình ASEAN.

Ưu tiên đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là nỗ lực cùng ASEAN tiếp tục xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực.

Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam và ASEAN cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng.

Trong hành trình phát triển tiếp theo với những kỳ vọng mới đặt ra cho ASEAN, Việt Nam nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung, với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm và quyết liệt trong hành động.

Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN góp phần hiện thực hoá những tiềm năng và hoá giải các thách thức, trong đó có nỗ lực xây dựng một cấu trúc khu vực bao trùm, bền vững, kết nối về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hoá, xã hội và giao lưu nhân dân; đồng thời, đề cao ứng xử dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế là phương cách tốt nhất, căn cơ nhất để bảo đảm hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và thế giới.

Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay cùng các nước ASEAN hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của ASEAN, lan tỏa các câu chuyện thành công của ASEAN.

Với các nước thành viên, đó là câu chuyện của tình đoàn kết, gắn bó và tương trợ, tự lực, tự cường, tự chủ chiến lược, triển khai thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, vì lợi ích thiết thực của các nước thành viên và của Cộng đồng.

Đối với khu vực, đó là câu chuyện của quan hệ đối tác toàn diện, sâu rộng giữa ASEAN và các đối tác trên tinh thần thiện chí, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, phấn đấu cho hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Với thế giới, là câu chuyện trao truyền hy vọng và cảm hứng, ASEAN là hình mẫu thành công về liên kết, mang lại niềm tin và động lực cho đoàn kết, hợp tác phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, gắn kết quan tâm của các khu vực với quan tâm của toàn cầu, tạo sức mạnh cộng hưởng cùng xử lý hiệu quả các vấn đề toàn cầu, hiện thực hoá khát vọng chung về hoà bình và phát triển.

Chúc ngài Tổng Thư ký, các quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe”.

Mỹ áp thuế cao nhất lên hơn 3.500% với pin mặt trời từ Đông Nam Á

Mỹ áp thuế cao nhất lên hơn 3.500% với pin mặt trời từ Đông Nam Á

Mỹ áp dụng mức thuế mới đối với pin mặt trời nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Thái Lan bất ngờ hoãn đàm phán thuế quan với Mỹ

Thái Lan bất ngờ hoãn đàm phán thuế quan với Mỹ

Cuộc gặp dự kiến ngày 23/4 tại Washington giữa Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bị hoãn, theo Bangkok Post.
Nữ Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn lần đầu thăm Campuchia

Nữ Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn lần đầu thăm Campuchia

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức tới Campuchia vào ngày 23/4 nhằm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.
Thái Lan kêu gọi ASEAN cùng xây dựng chiến lược đàm phán với Mỹ

Thái Lan kêu gọi ASEAN cùng xây dựng chiến lược đàm phán với Mỹ

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz – người hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.
Indonesia công bố thời điểm đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ

Indonesia công bố thời điểm đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ

Indonesia kỳ vọng có thể hoàn tất các cuộc đàm phán với Mỹ liên quan đến mức thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố trong 60 ngày tới.
Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho quan hệ Việt - Lào

Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho quan hệ Việt - Lào

Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định chủ trương nhất quán, trước sau như một của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc phát triển mối quan hệ Việt Nam - Lào.
Singapore hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống mức 0-2%

Singapore hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống mức 0-2%

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống còn từ 0% đến 2% trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN ra tuyên bố chung về thuế đối ứng

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN ra tuyên bố chung về thuế đối ứng

Sáng nay 10/4, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về chính sách thuế quan của Hoa Kỳ được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
ASEAN cần hợp lực để vươn lên trong chuỗi giá trị bán dẫn

ASEAN cần hợp lực để vươn lên trong chuỗi giá trị bán dẫn

Theo một quan chức tài chính Malaysia, với sự phối hợp, ASEAN hoàn toàn có thể trở thành một 'cứ điểm' bán dẫn tích hợp, linh hoạt và sẵn sàng cho tương lai.
Malaysia ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam về thuế quan Mỹ

Malaysia ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam về thuế quan Mỹ

Chiều 6/4, hai Thủ tướng Malaysia và Việt Nam đã điện đàm về một số vấn đề khu vực, quốc tế mới nổi gần đây.
Malaysia triệu tập cuộc họp đặc biệt của ASEAN về thuế quan Mỹ

Malaysia triệu tập cuộc họp đặc biệt của ASEAN về thuế quan Mỹ

Trước tác động từ thuế đối ứng của Mỹ, Malaysia kêu gọi các nước ASEAN họp khẩn nhằm đảm bảo mạng lưới chuỗi cung ứng và duy trì lợi ích kinh tế khu vực.
Thái Lan nỗ lực lấy lại niềm tin từ du khách sau động đất

Thái Lan nỗ lực lấy lại niềm tin từ du khách sau động đất

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan điều chỉnh chiến lược nhằm ứng phó với tình trạng suy giảm số lượng du khách do tâm lý e ngại sau trận động đất.
Phát hiện thép kém chất lượng trong cao ốc bị sập tại Bangkok

Phát hiện thép kém chất lượng trong cao ốc bị sập tại Bangkok

Nhà thầu của tòa nhà 30 tầng đang thi công ở Bangkok (Thái Lan) bị sập do trận động đất sử dụng loại thép kém chất lượng từ một nhà máy vốn đã bị đóng cửa.
Động đất tại Myanmar: hơn 2.000 người thiệt mạng, hệ thống y tế quá tải

Động đất tại Myanmar: hơn 2.000 người thiệt mạng, hệ thống y tế quá tải

Chính quyền quân sự Myanmar thông báo rằng số người thiệt mạng do trận động đất xảy ra ngày 28/3 chính thức vượt mức 2.000.
Myanmar tuyên bố quốc tang một tuần vì thảm họa động đất

Myanmar tuyên bố quốc tang một tuần vì thảm họa động đất

Chính quyền quân sự Myanmar thông báo tổ chức quốc tang một tuần sau trận động đất thảm khốc khiến hơn 1.700 người thiệt mạng.
Thái Lan điều tra khẩn cấp vụ tòa nhà 30 tầng sập do động đất

Thái Lan điều tra khẩn cấp vụ tòa nhà 30 tầng sập do động đất

Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul yêu cầu một cuộc điều tra khẩn cấp về tòa nhà 30 tầng tại Bangkok bị sập do động đất.
WHO cảnh báo dịch bệnh bùng phát tại Myanmar sau động đất

WHO cảnh báo dịch bệnh bùng phát tại Myanmar sau động đất

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thời tiết nắng nóng tại Myanmar có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau trận động đất.
Động đất tại Myanmar: Lò hỏa táng quá tải, số người chết liên tục tăng

Động đất tại Myanmar: Lò hỏa táng quá tải, số người chết liên tục tăng

Các lò hỏa táng tại thành phố Mandalay (Myanmar) đang rơi vào tình trạng quá tải do số lượng thi thể tăng đột biến sau trận động đất ngày 28/3.
Thủ tướng Thái Lan chỉ trích cảnh báo động đất ‘quá chậm trễ’

Thủ tướng Thái Lan chỉ trích cảnh báo động đất ‘quá chậm trễ’

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra không hài lòng về việc các tin nhắn cảnh báo động đất hôm 28/3 được gửi đến người dân quá muộn.
Myanmar cập nhật số người thiệt mạng do động đất

Myanmar cập nhật số người thiệt mạng do động đất

Trận động đất có cường độ 7,7 độ Richter khiến Myanmar chịu rất nhiều thiệt hại khi có ít nhất 144 người thiệt mạng và con số này dự kiến vẫn tiếp tục tăng.
Đống đổ nát khắp nơi, bệnh viện quá tải do động đất tại Myanmar

Đống đổ nát khắp nơi, bệnh viện quá tải do động đất tại Myanmar

Thánh đường Shwe Phone Shein ở huyện Maha Aungmye, phía nam thành phố Mandalay bị đổ sập do động đất và khiến hơn 20 người đang cầu nguyện tại đây thiệt mạng.
Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp sau trận động đất tại Myanmar

Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp sau trận động đất tại Myanmar

Sau cuộc họp liên quan đến trận động đất ở Myanmar, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok.
Động đất 7,7 độ tại Myanmar, ảnh hưởng cả Thái Lan và Việt Nam

Động đất 7,7 độ tại Myanmar, ảnh hưởng cả Thái Lan và Việt Nam

Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra ở miền trung Myanmar khiến nhiều tòa nhà rung chuyển, rung chấn tác động đến nhiều nước xung quanh gồm Việt Nam.
Chính phủ Thái Lan thông qua dự luật hợp pháp hóa sòng bạc

Chính phủ Thái Lan thông qua dự luật hợp pháp hóa sòng bạc

Nội các Thái Lan hôm nay (27/3) thông qua dự luật cho phép thành lập các khu giải trí tích hợp sòng bạc, nhằm thu hút thêm du khách quốc tế.
Tổng Bí thư hoan nghênh Việt Nam và Singapore hợp tác về năng lượng xanh

Tổng Bí thư hoan nghênh Việt Nam và Singapore hợp tác về năng lượng xanh

Tiếp Thủ tướng Singapore Lawrence Wong chiều 26/3, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ hoan nghênh, ủng hộ đề xuất hợp tác với Singapore trong lĩnh vực năng lượng xanh.
'Singapore luôn là người bạn đồng hành của Việt Nam trong tiến trình Đổi mới'

'Singapore luôn là người bạn đồng hành của Việt Nam trong tiến trình Đổi mới'

Sáng 26/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội kiến Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhân dịp Thủ tướng và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam.
Các khu chợ Malaysia dự kiến thu về 600 triệu USD trong tháng Ramadan

Các khu chợ Malaysia dự kiến thu về 600 triệu USD trong tháng Ramadan

Doanh thu của các khu chợ tại Malaysia trong tháng Ramadan sẽ đạt khoảng 2,65 tỷ Ringgit (xấp xỉ 600 triệu USD) theo ước tính của Cục Thống kê Malaysia (DOSM).
Hàn Quốc và Indonesia tái khẳng định hợp tác phát triển tiêm kích KF-21

Hàn Quốc và Indonesia tái khẳng định hợp tác phát triển tiêm kích KF-21

Các quan chức của Hàn Quốc và Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trong dự án phát triển tiêm kích KF-21.
Campuchia vạch ra chiến lược toàn diện thúc đẩy ngành du lịch

Campuchia vạch ra chiến lược toàn diện thúc đẩy ngành du lịch

Bộ trưởng Du lịch Campuchia Huot Hak cho rằng để ngành du lịch của nước này phát triển hơn, cần có sự phối hợp của nhiều bên liên quan, từ chính quyền đến các cá nhân.
Thương mại song phương Malaysia và Việt Nam năm 2024 tăng trưởng tích cực

Thương mại song phương Malaysia và Việt Nam năm 2024 tăng trưởng tích cực

Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại Malaysia, thương mại song phương giữa Malaysia và Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong năm 2024, tăng 4,4% so với năm 2023 lên 18,14 tỷ USD.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp các lãnh đạo cấp cao của Singapore

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp các lãnh đạo cấp cao của Singapore

Chiều 12/3, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có các cuộc gặp và hội kiến với nhiều lãnh đạo cấp cao của Singapore.
Những loài hoa lan mang tên người nổi tiếng ở Singapore

Những loài hoa lan mang tên người nổi tiếng ở Singapore

Từ nhiều năm qua, Singapore thể hiện sự trân trọng, tình cảm và vinh danh các nguyên thủ quốc gia, nhân vật nổi tiếng bằng cách định danh cho những loài lan theo tên họ.
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến các lãnh đạo lập pháp Indonesia

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến các lãnh đạo lập pháp Indonesia

Sáng 11/3, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Đại biểu địa phương Indonesia (Thượng viện); Chủ tịch Hội đồng Đại biểu nhân dân Indonesia (Hạ viện) và Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia (MPR).
Tổng Bí thư Tô Lâm bắt đầu thăm chính thức Singapore

Tổng Bí thư Tô Lâm bắt đầu thăm chính thức Singapore

Chiều ngày 11/3, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến sân bay Changi, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore từ ngày 11-13/3 sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia.
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm thăm cấp nhà nước Cộng hòa Indonesia

Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm thăm cấp nhà nước Cộng hòa Indonesia

Chiều 10/3, lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Indonesia đã diễn ra tại Phủ Tổng thống - Cung điện Merdeka, Thủ đô Jakarta, Indonesia.
Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Chiều 10/3, tại thủ đô Jakarta, Indonesia, sau lễ đón trọng thể tại Phủ Tổng thống - Cung điện Merdeka, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto.
Xem thêm