Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 8/2023 cập nhật ngày 3/8, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, động lực chính khiến thị trường tiếp tục đi lên trong tháng 7 đến từ đà tăng của nhóm vốn hóa lớn (VN30) và vừa (VNMID). Trong khi đó, nhóm vốn hóa nhỏ (VNSML) lại có mức tăng yếu hơn. Sự vận động này phù hợp với bối cảnh dòng tiền của VN-Index trong thời gian qua khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa chiếm phần lớn danh mục của tổ chức trong nước.
Sang tháng 8/2023, TPS cho rằng tâm điểm của thị trường vẫn sẽ tập trung tại nhóm VNMID, khi tại đây có các nhóm cổ phiếu liên quan tới câu chuyện đầu tư công (trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2023), nhóm cổ phiếu bất động sản (kỳ vọng về câu chuyện “hồi sinh”) và chứng khoán (nhóm có kết quả kinh doanh cải thiện rõ nét trong quý 2/2023). Đây cũng đều là những nhóm ngành nhận được sự quan tâm bậc nhất mỗi khi thị trường có nhịp rung lắc.
Về thanh khoản, trong suốt giai đoạn phục hồi từ cuối tháng 4/2023 đến nay, thanh khoản thị trường đã liên tục bùng nổ và đạt mức trung bình gần 17.000 tỷ đồng/phiên ở tháng 7/2023. Đáng chú ý, trong những phiên giao dịch cuối tháng trước, khi chỉ số vượt mức cản 1.200 điểm, giá trị giao dịch bình quân đã có 4 phiên liên tiếp đạt mức trên 20.000 tỷ đồng/phiên, qua đó cho thấy thị trường vẫn đang thu hút được dòng tiền mới.
Việc thanh khoản của thị trường bùng nổ trong 7 tháng đầu năm 2023 có sự đóng góp không nhỏ của dòng tiền cho vay của các công ty chứng khoán. Tính đến cuối quý 2/2023, tổng nợ vay của 30 công ty chứng khoán có dư nợ cao nhất thị trường đạt 142.364 tỷ đồng, tăng mạnh gần 20% so với quý trước.
Trong thời gian tới, với việc triển vọng thị trường đã được cải thiện và các công ty chứng khoán vẫn đang triển khai các chương trình giảm lãi vay và phí giao dịch, TPS kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đổ về thị trường.
Tổng nợ vay ký quỹ 30 công ty chứng khoán có dư nợ cao nhất. |
Về định giá, tỷ suất E/P của VN-Index trung bình trong tháng 7 rơi vào khoảng 6,9% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức). Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại nhóm ngân hàng quốc doanh (ở mức 6,3%) đã bị thu hẹp đáng kể khi định giá của thị trường lại bật tăng do kết quả kinh doanh quý 2/2023 đánh dấu quý thứ 3 tăng trưởng âm.
Mặc dù mức chênh lệch hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn cuối năm ngoái nhưng dự báo lợi nhuận thị trường sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 khi lợi nhuận quý 2/2023 đã chững lại đà giảm và đang có dấu hiệu phục hồi dần. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động vẫn giữ đà giảm cùng việc Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành về giai đoạn Covid-19 được xem là “liều doping” giúp thị trường duy trì đà hưng phấn.
Lạm phát giảm, dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến và kỳ vọng từ các đợt hạ lãi suất tiếp theo trong 2023 đã hỗ trợ chỉ số VN-Index tăng khoảng 40% so với mức đáy vào 11/2022 và đưa mức P/E giao dịch vượt -1 độ lệch chuẩn lên tiệm cận mức trung bình 10 năm gần nhất.
So với các quốc gia trong khu vực, VN-Index đang có mức P/E khá thấp, vào khoảng 9,5 lần. Điều này có ý nghĩa tích cực với việc thu hút dòng vốn ngoại, bởi nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn những thị trường rẻ hơn để đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong khoảng 2-3 năm tới.
Trong kịch bản lạc quan, TPS dự báo khoảng giao dịch của VN-Index vào cuối năm sẽ từ 1.246 – 1.315 điểm, dựa trên triển vọng tăng trưởng EPS năm 2023 và mức lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Việt Nam.
Với thị trường tháng 8, TPS cho rằng sau đợt tăng kéo dài hơn 100 điểm kể từ mức 1.120 điểm, xu hướng đi lên của VN-Index đang có dấu hiệu chững khi áp lực chốt lời tăng cao tương ứng. Do đó, thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện những phiên rung lắc để kéo chỉ số kiểm định lại lực cầu (backtest) tại kháng cự đã bị vượt qua là mức 1.200 điểm. Dựa vào biến động của VN -Index tại đây, công ty chứng khoán này đưa ra 3 kịch bản:
Kịch bản cơ sở, thị trường sẽ chững lại đà tăng chuyển sang biến động sideway trong vùng 1.200 - 1.240 điểm do tháng 8 là vùng trũng của thông tin nên sẽ khó có biến động đột biến; sau chuỗi tăng kéo dài, thị trường cần thời gian nghỉ ngơi để hấp thụ áp lực chốt lời.
Kịch bản tích cực, với việc tăng trưởng tín dụng và GDP 6 tháng đầu năm đang ở mức thấp, không thể loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có lần hạ lãi suất điều hành lần thứ 5 , qua đó giúp gia tăng sự hưng phấn cho nhà đầu tư cũng như thu hút dòng tiền mua mới trở lại, nối dài sóng tăng với mục tiêu là vùng đỉnh 52 tuần, quanh mức 1.300 điểm.
Kịch bản tiêu cực, rủi ro sẽ đến từ sự mất giá của VND trong bối cảnh đồng sức mạnh của USD đang gia tăng (thể hiện qua chỉ số DXY) cùng việc lãi suất qua đêm USD tại Việt Nam đã vượt VND. Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện nay của thị trường vẫn chưa ở mức cao như những giai đoạn tăng nóng 2017 -2018 hay 2021. Do đó khó xảy ra cú chỉnh sâu. Trong kịch bản này, VN -Index sẽ có khả năng điều chỉnh về quanh mức hỗ trợ 1.150 điểm.