Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo vĩ mô phát hành mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tháng 11/2024 đã ghi nhận làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng tại các nền kinh tế phát triển, phản ánh lạm phát đang được kiểm soát. Đồng thời, xu hướng nới lỏng mạnh mẽ trong tháng qua cũng là tín hiệu rõ ràng hơn về sự thay đổi ưu tiên của các ngân hàng trung ương (NHTW), từ kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng.
Cụ thể, NHTW New Zealand (RBNZ) và NHTW Thụy Điển (Riksbank) đã dẫn đầu xu hướng nới lỏng khi giảm mạnh 50 điểm cơ bản, nhằm kích thích tăng trưởng trong bối cảnh áp lực giảm phát gia tăng. Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và NHTW Anh (BoE) cũng tiến hành cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, phù hợp với kỳ vọng thị trường, với mục tiêu hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư nội địa.
Tổng mức cắt giảm lãi suất tính đến cuối tháng 11/2024 của nhóm G10 đạt 650 điểm cơ bản. Trong tháng 12 này, 6 ngân hàng trung ương lớn bao gồm Canada, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Anh và châu Âu sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách quan trọng. Thị trường đang đặt kỳ vọng NHTW Canada (BoC) và NHTW châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục giảm thêm 25 điểm cơ bản để hỗ trợ tăng trưởng. Tương tự, Fed có khả năng tiếp tục chu kỳ nới lỏng với một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản nữa.
Trong khi đó, NHTW Australia (RBA) và NHTW Anh (BoE) được kỳ vọng sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại, với lý do chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn từ dữ liệu kinh tế trước khi thực hiện các bước điều chỉnh tiếp theo vào năm 2025. Đáng chú ý, Nhật Bản – một trường hợp ngoại lệ trong bối cảnh nới lỏng toàn cầu được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, phản ánh một sự lệch pha trong chu kỳ chính sách của các NHTW lớn trên toàn cầu.
VDSC dẫn báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, nguồn cung dầu toàn cầu được dự báo sẽ vượt hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, nhờ sự gia tăng sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC+, nổi bật là Hoa Kỳ, Canada và Guyana. Trong khi đó, yếu tố kinh tế Trung Quốc - một trong những thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới tiếp tục là mối lo ngại với đà suy giảm tăng trưởng, gây áp lực trực tiếp lên nhu cầu dầu toàn cầu.
Dự báo từ Goldman Sachs và JP Morgan phản ánh sự đồng thuận về triển vọng giá dầu ổn định trong năm 2025. Goldman Sachs kỳ vọng giá dầu Brent trung bình ở mức 76 USD/thùng, trong khi JP Morgan đưa ra mức bi quan hơn với Brent ở 73 USD/thùng và WTI ở mức 64 USD/thùng. Dự báo này phản ánh yếu tố cơ bản là thị trường dầu sẽ duy trì nguồn cung dư thừa và nhu cầu tăng trưởng ở mức thấp, đồng thời là một tín hiệu tích cực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát toàn cầu.
Giá dầu ổn định sẽ giảm áp lực lên chi phí sản xuất và vận tải, từ đó giúp kiểm soát lạm phát giá hàng hoá. Mặc dù lạm phát giá dịch vụ nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế lớn nhưng tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm lại tại các quốc gia phát triển có thể giúp lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm vào năm 2025. Trong bối cảnh này, các NHTW được kỳ vọng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hỗ trợ tăng trưởng và việc làm.
Tăng/giảm số điểm cơ bản lãi suất (trái) và số lần tăng/giảm lãi suất của các NHTW (phải). |
Triển vọng lãi suất điều hành của một số NHTW thế giới năm 2025
VDSC dự báo Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thận trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng thu nhập thực tế bình quân tại Mỹ đạt mức 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ tiết kiệm bình quân trên thu nhập duy trì ổn định ở mức 4,8%. Các yếu tố này đã góp phần thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng đều đặn 2,7% hàng tháng so với cùng kỳ, tạo nền tảng cho sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Tỷ lệ tiết kiệm ổn định cùng với việc thu nhập tăng và thị trường việc làm tích cực cho thấy triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục khả quan trong năm 2025, dù mức tăng trưởng có thể thấp hơn năm 2024.
Bên cạnh đó, chính sách thuế quan và mở rộng tài khoá dự kiến của chính phủ Trump trong năm sau một mặt hỗ trợ tiêu dùng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lạm phát. Do đó, Fed có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhưng tốc độ sẽ chậm hơn so với các khu vực khác. Lãi suất cuối kỳ của Fed vào cuối năm 2025 dự kiến sẽ ở mức 3,65 - 3,8%, giảm 110 điểm cơ bản so với hiện tại.
Đối với ECB, đơn vị phân tích cho rằng cũng cần cắt giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng. Tại châu Âu, khu vực EU chỉ phục hồi khiêm tốn trong năm 2024 với mức tăng trưởng GDP ước đạt 0,9%, so với mức tăng 0,3% trong năm 2023. Trong khi đó, lạm phát của khu vực đã giảm từ mức 3,4% vào cuối năm 2023 còn 2,3% trong tháng 10, gần mức mục tiêu 2% của ECB. Mặc dù tăng trưởng tiền lương thực trong tháng 9/2024 đạt 4,5% so với cùng kỳ, vượt mức 2,4% của thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019) nhưng người tiêu dùng vẫn chi tiêu một cách thận trọng trong bối cảnh bất ổn chính trị và xã hội. Chỉ số PMI sản xuất tại châu Âu tiếp tục cho thấy sự suy giảm dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh động lực tăng trưởng khu vực sản xuất yếu.
Tại Anh, triển vọng kinh tế cũng đối mặt với nhiều thách thức khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10/2024 tăng lên mức 4,3%, cao hơn 0,3% so với tháng trước. Đồng thời, tăng trưởng tiền lương trong quý 3/2024 giảm xuống còn 4,8%, thấp hơn so với mức 5% ghi nhận trong quý 1/2024, dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu của hộ gia đình trong thời gian tới. Điều này có khả năng thúc đẩy cả ECB và BOE thực hiện cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn Fed để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Lãi suất chính sách của ECB và BOE cuối năm 2025 được dự báo lần lượt ở mức 2,15 - 2,35% và 3,65 – 3,85%, lần lượt giảm 125 và 110 điểm cơ bản so với hiện tại.
NHTW Trung Quốc (PBoC) được dự báo tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tiêu dùng trong nước và ứng phó với thách thức thuế quan. Theo VDSC, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ sự suy giảm giá nhà đất, với giá nhà mới giảm 6,09% và giá nhà thứ cấp giảm 9,0% trong tháng 10/2024 so với cùng kỳ. Diễn biến liên tục suy giảm của giá nhà đã ảnh hưởng đến giá trị tài sản của người dân và niềm tin tiêu dùng, trong khi tăng trưởng thu nhập đạt mức 4,9% trong quý 3/2024 và tiêu dùng thực tế tăng 5,3% so với cùng kỳ. Các mức tăng này vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch, phản ánh sự yếu kém trong động lực tiêu dùng nội địa.
Căng thẳng thương mại và rủi ro bị áp thuế quan đối với hàng xuất khẩu khi Tổng thống Donald Trump trở lại vào năm 2025 dự kiến sẽ tạo thêm áp lực tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và khu vực sản xuất suy giảm buộc Trung Quốc phải dựa vào các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy nhu cầu nội địa. Ở khía cạnh chính sách tiền tệ, lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày được kỳ vọng sẽ giảm về mức 1,2% vào cuối năm 2025, giảm 30 điểm cơ bản so với hiện tại.
NHTW Nhật Bản (BOJ) được dự báo sẽ nâng lãi suất điều hành về mức trung lập. VDSC cho rằng, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm lại trong quý 3/2024, tăng 0,9% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 2,2% trong quý trước. Mặc dù lạm phát tại Nhật đã giảm mạnh từ mức đỉnh 4,4% vào tháng 01/2023 nhưng đã duy trì được bền bỉ trên 2% trong 10 tháng đầu năm 2024.
Những thay đổi về tiền lương trong năm 2024 - 2025 sẽ đánh dấu một thời kỳ chuyển dịch rõ ràng, kết thúc cuộc chiến chống giảm phát ở nước này. Bức tranh kinh tế năm 2025 của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tương đối thuận lợi với mục tiêu lạm phát đạt được một cách bền vững trong khi tăng trưởng kinh tế cải thiện ở khía cạnh tiêu dùng và đầu tư. Điều này sẽ là cơ sở để NHTW Nhật tiếp tục bình thường hoá chính sách tiền tệ, lãi suất điều hành của NHTW Nhật dự kiến sẽ tăng thêm 45 điểm cơ bản trong năm 2025 lên mức 0,7 - 0,8 %, mức lãi suất trung lập mà NHTW Nhật đang hướng đến.
Fed tiếp tục hạ lãi suất thêm 0,25% |
Sẽ sửa Nghị định 24, tạo điều kiện cho nhập khẩu vàng nguyên liệu |
Thông điệp từ Chủ tịch Jerome Powell: Fed không vội vã cắt giảm lãi suất |