Ảnh: Trọng Tùng |
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 405/BTC-ĐT đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2024 cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định, gửi Bộ Tài chính làm cơ sở để thực hiện kiểm tra việc phân bổ và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024.
Đồng thời khẩn trương nhập dự toán trên Tabmis đảm bảo theo đúng thời gian đã quy định để cơ quan tài chính có cơ sở phê duyệt, đảm bảo dự toán giải ngân cho các dự án.
Cụ thể, đối với số vốn bố trí để thu hồi vốn ứng trước: hoàn thành việc nhập dự toán cho các dự án ngay sau khi có quyết định giao vốn của cấp có thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai ngay các thủ tục thu hồi vốn ứng trước, hạch toán thanh toán cho các dự án theo quy định.
Đối với số vốn bố trí để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành năm 2024: hoàn thành việc nhập dự toán cho các dự án ngay sau khi có quyết định giao vốn của cấp có thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư căn cứ kế hoạch được giao, hoàn thiện các thủ tục thanh toán gửi KBNN để kiểm soát, thanh toán.
Đối với các dự án khởi công mới: các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục mở tài khoản và cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách để có cơ sở nhập dự toán cho các dự án đủ điều kiện phân bổ theo quy định.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện đăng ký mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách theo quy định tại Thông tư số 185/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký, cấp và sử dụng mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.
Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo các quy định của Chính phủ.
Cụ thể, thực hiện việc phân bổ chi tiết theo đúng quy định tại Luật NSNN và Luật Đầu tư công. Trong đó, rà soát thật kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải, theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân; tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia…, tránh phân bổ dàn trải; không phân bổ vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị cả hệ thống chính trị địa phương cần vào cuộc, giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện. Kịp thời báo cáo cụ thể các khó khăn vướng mắc cản trở làm chậm tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thiếu vốn bố trí cho công tác này...
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chỉ đạo sát sao, tập trung, đánh giá thường xuyên tỷ lệ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án có kế hoạch vốn năm 2024 được bố trí lớn. Kiên quyết điều chuyển số vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Định kỳ hằng quý, Bộ Tài chính sẽ thực hiện công khai các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước.
Bộ Tài chính nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc giải ngân. Xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.