Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI |
Chiều ngày 20/8/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với các thành viên ban soạn thảo được phân công hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng hai dự án luật là: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa hai luật trên. Việc đề xuất sửa đổi các luật nói trên đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, qua đó triển khai các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, việc này có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai 3 đột phá chiến lược; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, chống phiền hà, giảm chi phí tuân thủ; tháo gỡ khó khăn, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
"Một trong những vấn đề trọng tâm trong việc sửa các dự án luật là giúp khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta đang có nhiều ách tắc, điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế, tư duy quản trị xã hội, đâu đó vẫn chưa theo kịp với sự phát triển. Do đó, buộc phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng cần có tư duy mới, kiến tạo phát triển một cách chủ động. Từ đó, thay đổi tư duy quản trị xã hội bằng các công cụ, nguồn lực phù hợp, đảm bảo vừa thông thoáng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý.
"Làm luật lần này chúng ta coi như một cuộc cách mạng thật sự, đổi mới và cải cách về thể chế. Chúng ta cần thay đổi tư duy, thay đổi tầm nhìn, thay đổi phương thức quản lý, quản trị quốc gia. Điều này là nhu cầu đặt ra, rất cần gạt cái tôi của mình sang một bên, đặt lợi ích phát triển đất nước lên trên hết, trước hết. Làm thế nào phát triển đất nước, giải phóng, huy động, sử dụng các nguồn lực hiệu quả. Tranh thủ các cơ hội, dù là nhỏ nhất để phát triển đất nước," Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng KH&ĐT cũng nhấn mạnh cần phải chuyên nghiệp, chủ động quyết định tương lai phát triển đất nước, tư duy đó phải được thể hiện trong luật pháp; cần thay đổi tư duy lấy phát triển để duy trì ổn định, chứ không phải ổn định để phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án luật, đặc biệt là nội dung các chính sách; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đối tượng liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học; trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân.
Trước đó, sáng 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành để nghe, thảo luận xây dựng các dự án luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng hai dự án luật là: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 là quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan ưu tiên dành thời gian, nguồn lực cho công tác này với tinh thần "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", bố trí các cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật kịp thời. |