Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn |
Giải quyết dứt điểm tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư
Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, sau 4 năm kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực, vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện, 1405/9.694 cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ.
Có 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị. 43/152 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được phê duyệt quy hoạch.
Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trên.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn năm 2019- 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến năm 2025 phải giải quyết xong.
"Mong muốn, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết năm 2025 kết thúc việc này," Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay chỉ có 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được hình thành sau sắp xếp được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã và 58/104 đơn vị hành chính thị trấn chưa được phê duyệt quy hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra trước khi kịp thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Nội vụ cũng đang tích cực hỗ trợ các địa phương trong quá trình này.
Địa phương quyết tâm cao sẽ thực hiện được
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho biết, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương.
Việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2024. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 địa phương trình Ủy ban Thường vụ quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra nên thời gian không còn nhiều.
Để sớm ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không? Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra?
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu. Ảnh: quochoi.vn |
Hồi đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận 43 hồ sơ của 54 tỉnh thuộc diện sắp xếp, đã hoàn thiện thẩm định 32 bộ hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 bộ và đang báo cáo Chính phủ 3 bộ hồ sơ.
"Hiện có 10 địa phương chưa gửi hồ sơ về Bộ để thẩm định. Với tiến độ khó khăn này, chúng ta khó có thể hoàn thành việc sáp nhập huyện xã giai đoạn 2023 - 2025 trước tháng 10. Trong việc này có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, các bộ liên quan và cả địa phương," Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận.
Bộ trưởng cũng cho biết, ngay khi có Nghị quyết 35, các ban chỉ đạo được thành lập, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị rất sớm nhưng khi triển khai khối lượng công việc rất lớn.
Hơn nữa, yêu cầu của nghị quyết cho giai đoạn này cũng chặt chẽ hơn, đảm bảo phù hợp quy hoạch tỉnh, đô thị, nông thôn và quy hoạch khác. Cùng với đó, nhiều địa phương kết hợp mở rộng không gian đô thị hay thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, các địa phương vướng nhiều việc chưa xây dựng được kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; chưa thực hiện hoàn thành các loại quy hoạch. Các hồ sơ vướng mắc cơ bản về quy hoạch và phân loại đô thị.
Tuy nhiên, theo tư lệnh ngành nội vụ, nếu địa phương nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao sẽ thực hiện được. Ví dụ, Nam Định mở rộng không gian thành phố rất lớn với việc sắp xếp 77 đơn vị hành chính cấp xã để còn 52 đơn vị, nhưng đã làm rất tốt.
"Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tháo gỡ thêm một số vướng mắc liên quan quy hoạch đô thị, phân loại đơn vị hành chính đô thị. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phía địa phương. Thời gian còn lại mong địa phương cố gắng, nỗ lực, cùng Bộ Nội vụ hoàn thành nhiệm vụ," bà Phạm Thị Thanh Trà nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: quochoi.vn |
Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này. Quan điểm là, nếu Chính phủ trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể làm cả thứ Bảy, Chủ nhật, sẵn sàng dành riêng 1-2 ngày họp riêng về nội dung này.
"Chiều mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp xem xét hồ sơ của 3 tỉnh mới trình, đồng thời ra nghị quyết tháo gỡ một số khó khăn. Mong đại biểu Quốc hội ủng hộ và tăng cường giám sát, đôn đốc ở địa phương để trước tháng 10 cơ bản xong việc sáp nhập xã, huyện," ông Nguyễn Khắc Định nói.