Bộ trưởng Quốc phòng Đức: 'Berlin gián tiếp tham gia xung đột Ukraine'

chiến sự Nga – Ukraine
13:07 - 19/01/2023
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: AFP
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 18/1, ông Boris Pistorius, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức, thừa nhận Berlin có liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, mặc dù chỉ là gián tiếp.

Theo RT, ông Pistorius nhận định cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine đang đặt ra một "thách thức lớn" đối với Lực lượng Vũ trang Đức. Đồng thời, chính trị gia này cho biết ông "nhận thức rõ" trách nhiệm phải đảm nhận trong bối cảnh này.

Hôm 17/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bổ nhiệm ông Pistorius - cựu Bộ trưởng Nội vụ bang Niedersachsen làm tân Bộ trưởng quốc phòng, sau khi bà Christine Lambrecht từ chức. Theo đó, ông Pistorius sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ mới bắt đầu từ ngày 19/1.

Ông Pistorius thừa nhận Đức tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine một cách gián tiếp. Ảnh: DW

Ông Pistorius thừa nhận Đức tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine một cách gián tiếp. Ảnh: DW

"Bộ Quốc phòng luôn là thách thức lớn, ngay cả trong thời bình", ông Pistorius chia sẻ với các phóng viên ở Hannover, đề cập đến nhiệm vụ mới của mình. Ông nói thêm rằng thách thức này càng trở nên lớn hơn "trong thời điểm Đức tham gia vào cuộc xung đột một cách gián tiếp".

Sau đó, quan chức này khẳng định ông "nhận thức rõ trách nhiệm và tầm quan trọng to lớn của nhiệm vụ" khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng trong những thời điểm này. "Quân đội Đức phải thích nghi với tình hình mới liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine", ông tuyên bố.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức chưa tiết lộ những dự định sắp tới. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông diễn ra trong bối cảnh Berlin đang chịu áp lực ngày càng gia tăng về khả năng chuyển giao xe tăng Leopard 2 hiện đại tới Kiev.

Trước đó, Ba Lan và Phần Lan đã cân nhắc gửi loại xe tăng này đến Ukraine từ kho dự trữ riêng. Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động chuyển giao nào đối với loại khí tài này cũng đều cần có sự chấp thuận của Berlin. Cho đến nay, Đức vẫn phủ nhận rằng họ đã nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào có liên quan.

Xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.

Xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.

Một số quan chức Đức bày tỏ kỳ vọng ông Pistorius sẽ quyết đoán hơn người tiền nhiệm. Bà Lambrecht đã nhiều lần bị chỉ trích vì ngần ngại gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine.

Hôm 17/1, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói với Bloomberg rằng ông ủng hộ việc cho phép vận chuyển xe tăng do Đức sản xuất tới Ukraine, cả từ trong nước và các quốc gia châu Âu khác. Ông cũng ám chỉ rằng đây có thể là nhiệm vụ đầu tiên của ông Pistorius trên cương vị mới.

Trong thời gian gần đây, một số quốc gia châu Âu đưa ra cam kết sẽ sớm gửi xe tăng cho Ukraine. Trong đó, Pháp là nước đầu tiên đồng ý cung cấp xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC, còn Ba Lan đã tuyên bố sẽ chuyển giao cho Kiev một đại đội xe tăng chủ lực Leopard nếu các đồng minh ra quyết định tương tự. Anh cũng trở thành nước đầu tiên cam kết gửi 14 chiếc xe tăng Challenger 2 tới chiến trường Ukraine.

Các quốc gia đang sử dụng xe tăng Leopard 2 gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy, Áo, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những loại xe tăng được phương Tây sử dụng rộng rãi nhất ngay cả khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đức hiện có khoảng 350 chiếc xe tăng Leopard 2, so với khoảng 4.000 chiếc mà nước này sở hữu vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc họp báo ngày 10/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc NATO đã tham gia vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine mặc dù là gián tiếp, thông qua việc "bơm cho Kiev đầy đủ vũ khí, chia sẻ công nghệ và dữ liệu tình báo".

Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng "bơm" vũ khí cho Kiev, cho rằng việc tiếp tục viện trợ sẽ chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho người dân hơn là thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột. Nước này cũng tuyên bố coi những vũ khí viện trợ mà Kiev nhận được là sẽ mục tiêu hợp pháp để tấn công hoặc thu giữ.

Tin liên quan

Đọc tiếp