Ngày 08/08/1967: ASEAN chính thức được thành lập với năm thành viên
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập bao gồm năm thành viên: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore. Hiệp hội thành lập dựa trên cơ sở Tuyên bố Bangkok với mục tiêu là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa-xã hội giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới.
Đại diện năm nước thành lập ASEAN
Năm 1992: Ký hiệp định Khung về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và thỏa thuận về khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA)
Trong quá trình hội nhập và phát triển của hiệp hội, hợp tác kinh tế luôn là một trụ cột quan trọng , mở đầu với việc ký kết “Hiệp định Khung về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN” vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ tư, tổ chức tại Singapore từ ngày 27-28/01/1992. Hiệp định đã tạo khuôn khổ căn bản cho hợp tác ASEAN trên 6 lĩnh vực bao gồm: Thương mại và công nghệ, khoáng sản và năng lượng, tài chính và ngân hàng, lương thực-nông và lâm nghiệp, giao thông vận tải và bưu chính-viễn thông. Nhân dịp này, năm nước thành viên ban đầu của ASEAN cũng ký thỏa thuận về lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), đặt nền tảng quan trọng cho mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại và xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN ( AEC) sau này.
Tháng 11/2002: ASEAN – Trung Quốc ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện
ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC): Trước những căng thẳng do tranh chấp trên Biển Đông giữa một số nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Ngoại trưởng 10 nước ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán và ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào ngày 04/11/2002 tại Phnôm Pênh.
Tuyên bố nêu cam kết của các bên ký kết giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực và thông qua đàm phán giữa các bên liên quan. Các bên cũng cam kết kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin, tổ chức đối thoại và trao đổi quan điểm giữa các quan chức quốc phòng, quân sự của các bên tranh chấp. Đồng thời nghiên cứu và tiến hành các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn hàng hải và thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Các nước ASEAN và Trung Quốc sau đó đã thông qua Quy tắc Hướng dẫn thực thi DOC vào ngày 20/07/2011 tại Bali (Indonesia), bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 44. Quy tắc Hướng dẫn là văn bản tái khẳng định cam kết của các nước ASEAN và Trung Quốc trong việc thực thi đầy đủ và nghiêm túc DOC, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hợp tác xây dựng lòng tin và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Đây là một bước tiến có ý nghĩa đối với quá trình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, tạo điều kiện để các bên tiến hành hợp tác xây dựng lòng tin, hướng tới xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử (COC) có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên ở Biển Đông.
ASEAN – Trung Quốc ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện
Ngày 31/12/2015: Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập:
- Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC)
- Cộng đồng An ninh ASEAN (ASEAN Political - Security Community APSC)
- Cộng đồng Văn hóa -Xã hội ASEAN (ASCC)
Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra ở Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đặt bút ký văn kiện lịch sử Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015. Trong đó nêu rõ: Sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, bảo đảm hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung./.