Sáng 28/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Số lượng dự án nhà ở xã hội khá khiêm tốn so với nhu cầu
Tham gia đóng góp ý kiến, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) đánh giá rằng số lượng dự án nhà ở xã hội và số dự án nhà ở xã hội còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nhà ở của người dân trong cả nước.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều tỉnh, thành phố chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội và việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất là 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Theo đại biểu, nhiều nhà đầu tư cho rằng dù đã có chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng chính sách lại chưa thực sự khuyến khích, thu hút nhà đầu tư khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình tín dụng đãi ngộ nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia.
Bên cạnh đó thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội rất phức tạp và có nhiều loại thủ tục hơn so với các dự án nhà ở thương mại. Mặt khác, nguồn cung cấp nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục…
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đất đai... cho nhà ở xã hội chưa khuyến khích cho nhà đầu tư; gói tín dụng 120 ngàn tỷ chậm được giải ngân; nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo nhau, chưa rõ ràng.
Đồng thời, nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về nhà ở xã hội theo quy định, nếu có chỉ số ít căn hộ được mua hoặc thuê, chưa đáp ứng được nhu cầu; quỹ đất đô thị chủ yếu đấu thầu dự án dành cho nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội phụ thuộc vào 20% trong dự án của nhà ở thương mại.
Đại biểu nêu ra những bất cập như văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung nhiều lần nên khâu thực hiện còn lúng túng, còn có sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất.
“Việc thực hiện đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 chưa đạt yêu cầu, có địa phương mới bước đầu triển khai do nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, phần lớn là từ nguồn xã hội hóa. Các nhà đầu tư tiếp cận đất đai còn khó khăn, nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật, chậm định giá đất của địa phương cũng là nguyên nhân các dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ,” đại biểu cho hay.
Tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng lại phải trải qua “rừng thủ tục”
Theo Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội thì cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý.
Đại biểu đề xuất sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách chính sách xét duyệt cho vay, tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng lại phải trải qua “rừng thủ tục”.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn 10-20 năm, lãi suất ưu đãi từ 3-5%. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc thực thi chính sách nhà ở xã hội đúng quy định của pháp luật; có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm cố tình trục lợi chính sách…
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đồng tình với thực trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội.
Trong đó, xây dựng quy hoạch đồng bộ, dài hạn, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu vực có nhiều khu công nghiệp, với ít nhất 30% diện tích đất phát triển bất động sản ưu tiên cho nhà ở xã hội. Cần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện triệt để cơ chế "một cửa liên thông" trong cấp phép và tăng cường phân cấp cho địa phương trong phê duyệt dự án nhà ở xã hội.
Đại biểu cũng đề xuất thành lập quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp. Có chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa tin tưởng rằng thời gian tới, với sự đồng tâm hiệp lực của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, của doanh nghiệp, người dân, thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến tích cực khả quan, nhà ở xã hội phát triển, nhiều địa phương bắt tay thực hiện, đối tượng trong diện chính sách về nhà ở sẽ có đủ điều kiện tiếp cận được nhà ở, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp; doanh nghiệp bất động sản an tâm đầu tư vào thị trường nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, ổn định cuộc sống của người dân.