Cà rốt và nông sản Hải Dương kết nối gần 150 điểm cầu trong và ngoài nước

Cà rốt và nông sản Hải Dương kết nối gần 150 điểm cầu trong và ngoài nước

XUẤT KHẨU Hải Dương
23:18 - 26/10/2023
Hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản nói chung, sản phẩm cà rốt nói riêng của tỉnh Hải Dương.

Chiều 26/10, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại hội trường UBND huyện Cẩm Giàng và trực tuyến với hơn 110 điểm cầu trong nước và 36 điểm cầu quốc tế.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu hội trường UBND huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu hội trường UBND huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Đây là hội nghị xúc tiến thương mại sớm nhất trước mùa thu hoạch cà rốt tại Hải Dương, do Sở Công Thương tỉnh Hải Dương chủ trì phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu cấp huyện đến các điểm cầu trong và ngoài nước, giúp kéo gần hơn khoảng cách giữa nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân cho biết, Hải Dương được biết đến không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn được biết đến với các sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng; chất lượng, sản lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân phát biểu tại hội nghị.

Toàn tỉnh hiện có trên 60% diện tích đất nông nghiệp và trên 70% dân số sống ở nông thôn, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi. Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ cho nhiều chủng loại cây trồng, vật nuôi. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều sản phẩm được xuất khẩu

Hàng năm, Hải Dương sản xuất được khoảng 750.000 tấn lúa gạo, 900.000 tấn rau, củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Hiện nay, tỉnh có 8 nhóm nông sản chủ lực; trong đó có vải thiều, cà rốt và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Hầu hết sản phẩm đã được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap, OCOP, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết.

Trong đó có nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng tới nhiều nước, trong đó có các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước và doanh nghiệp nước ngoài, tại các điểm cầu trực tuyến.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước và doanh nghiệp nước ngoài, tại các điểm cầu trực tuyến.

Riêng đối với cây cà rốt, một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, trên vùng đất bãi phù sa ven các sông Thái Bình, Kinh Thầy. Chính từ việc được bồi đắp và nuôi dưỡng từ phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng và thương hiệu riêng biệt cho cà rốt Hải Dương với độ giòn và vị ngon ngọt khác biệt với cà rốt ở nơi khác.

Hải Dương hiện duy trì khoảng 1.400 ha trồng cà rốt cho sản lượng trên 70.000 tấn, trong đó, 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGap, GolobalGap) phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm cà rốt của Hải Dương đã được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore và Thái Lan,… 30% còn lại tiêu thụ trong nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong nước với thị trường nước ngoài có vai trò rất quan trọng của Cục Xúc tiến thương mại cũng như các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, thông qua việc bắc cầu cho doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung tiếp cận thị trường nước ngoài…

Đại diện doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu tại điểm cầu hội trường UBND huyện Cẩm Giàng phát biểu.

Đại diện doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu tại điểm cầu hội trường UBND huyện Cẩm Giàng phát biểu.

Tiềm năng lớn

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Tài cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan.

Đối với mặt hàng cà rốt, thị trường tiêu thụ nước ngoài thời gian qua có nhiều tín hiệu khả quan khi nhiều thị trường mở cửa cho cà rốt Việt Nam, đồng thời cà rốt Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu cà rốt chính của Việt Nam đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với một số nông sản Việt Nam trong đó có cà rốt từ 21/12/2022.

Ngoài Hàn Quốc, các thị trường quan trọng của cà rốt Việt Nam là Nhật Bản, Thái Lan, Trung Đông, EU… Tiềm năng phát triển của cà rốt Việt Nam nói chung và cà rốt Hải Dương nói riêng vẫn còn rất lớn khi nhiều thị trường nước ngoài có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản hữu cơ, nông sản sạch như nước ép rau củ, rau củ sấy, mứt kẹo rau củ…

Đại diện hợp tác xã sản xuất cà rốt tại điểm cầu hội trường UBND huyện Cẩm Giàng phát biểu.

Đại diện hợp tác xã sản xuất cà rốt tại điểm cầu hội trường UBND huyện Cẩm Giàng phát biểu.

Để tăng sức cạnh tranh và uy tín quốc tế, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương cần đẩy mạnh nghiên cứu, tái cấu trúc vùng trồng, mở rộng vùng trồng cà rốt theo hướng xanh, hữu cơ, kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các đối tượng dịch hại… Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ các chứng nhận VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc tại các vùng trồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh nghiên cứu, kêu gọi đầu tư để hình thành, phát triển chuỗi giá trị gia tăng nhằm giúp cà rốt Hải Dương tiếp cận đa dạng thị trường, tiếp cận các tệp khách hàng lớn hơn và tăng giá trị từ cà rốt xuất khẩu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành các chuỗi liên kết… để tăng năng lực xuất khẩu.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã tham gia ký kết thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu cà rốt, nông sản của Hải Dương.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã tham gia ký kết thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu cà rốt, nông sản của Hải Dương.

“Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp, hợp tác xã cà rốt trong việc cung cấp thông tin về yêu cầu, nhu cầu, xu hướng tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu, đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm cà rốt Hải Dương tới các thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ tỉnh Hải Dương và các địa phương đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm cà rốt và các loại nông sản”, ông Lê Hoàng Tài khẳng định.

Cung cấp nhiều thông tin về thị trường các nước

Tại hội nghị, thông qua các điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước và doanh nghiệp nước ngoài đã cung cấp nhiều thông tin về thị trường; các tiêu chuẩn, điều kiện về sản phẩm hàng hóa; nhu cầu, văn hóa tiêu dùng… của các nước và đưa ra các khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhập khẩu của các quốc gia này.

Qua đó, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được các chủ trương, chính sách, thuế suất, các hàng rào về kỹ thuật thương mại… ở các nước sở tại. Ngoài ra, làm “nhịp cầu” cho bên mua và bên bán gặp nhau…

Một số sản phẩm tiêu biểu và cà rốt của Hải Dương được trưng bày tại điểm cầu hội trường UBND huyện Cẩm Giàng.

Một số sản phẩm tiêu biểu và cà rốt của Hải Dương được trưng bày tại điểm cầu hội trường UBND huyện Cẩm Giàng.

Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp dự hội nghị tại hội trường UBND huyện Cẩm Giàng bày tỏ mong muốn có nhiều thông tin đánh giá và nhận định những rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để bảo đảm minh bạch, an toàn, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới.

Bên cạnh đó, cần có nhiều cách thức tiếp cận để quảng bá nông sản của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng, tạo điều kiện hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu đến nhiều quốc gia hơn nữa…

Đọc tiếp