Siêu thị Winmart do WinCommerce - công ty thành viên của Masan vận hành. |
CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 20.134 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 5.917 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 29,3%, so với cùng kỳ đạt 28,6%.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 647 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ; lãi từ các công ty liên kết đạt 1.273 tỷ đồng, tăng 38%. Ngược chiều, chi phí tài chính giảm nhẹ 4% về mức 2.051 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay chiếm 1,549 tỷ đồng, giảm 13% so với quý 2/2023); chi phí bán hàng 3.702 tỷ đồng, tăng 8%; chi phí quản lý 910 tỷ đồng, tăng nhẹ.
Kết quả, Masan lãi sau thuế 946 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất trong 8 quý gần đây; trong đó phân bổ cho chủ sở hữu công ty (lãi ròng) 503 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu quý 2/2024, Masan Consumer Corporation (MSC) đóng góp 7.387 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. WinCommerce (WCM) đóng góp 7.884 tỷ đồng, tăng trưởng 9,2% và ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6/2024. Tính đến tháng 6/2024, WCM vận hành 3.673 điểm bán, mở 40 cửa hàng mới kể từ tháng 12/2023. Công ty thận trọng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh còn nhiều bất định và dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024.
Masan MEATLife (MML) ghi nhận EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) tăng 105 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây là quý thứ hai liên tiếp MML đạt EBIT dương.
Doanh thu thuần của Phúc Long Heritage (PLH) tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 391 tỷ đồng, nhờ đóng góp từ 15 cửa hàng mở mới từ quý 2/2023. 4 cửa hàng PLH ngoài WCM được bổ sung vào hệ thống trong quý này, nâng tổng số lên 163 cửa hàng trên toàn quốc.
Masan High-Tech Materials (MHT) ghi nhận EBIT cải thiện 193 tỷ đồng nhờ giá APT và đồng tăng. Thương vụ bán H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation với giá 134,5 triệu USD dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối năm 2024. Theo đó, MHT dự kiến sẽ ghi nhận khoản lãi một lần khoảng 40 triệu USD trong nửa cuối năm 2024. Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được dùng để giảm nợ của MHT.
Techcombank (TCB) - công ty liên kết của Masan đóng góp 1.236 tỷ đồng vào EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao), tương ứng mức tăng trưởng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Masan mang về 38.989 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 1.424 tỷ đồng, tăng 64%.
Năm nay, doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng từ 7% - 15% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan dự kiến tăng gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
Như vậy so với kịch bản thấp nhất, Masan đã hoàn thành 63% mục tiêu lợi nhuận, còn so với kịch bản cao nhất thì hoàn thành 35%.
Giảm đầu tư trái phiếu
Tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Masan đạt 157.466 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tăng mạnh nhất là tiền và tương đương tiền với 18.158 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với đầu năm. Ngược lại, đầu tư trái phiếu giảm mạnh từ 4.183 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 1.510 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn cũng giảm nhẹ xuống còn hơn 2.300 tỷ đồng.
Các mục tài sản lớn khác là phải thu ngắn hạn (12.578 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm), hàng tồn kho (12.602 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng), đầu tư vào công ty liên kết (31.745 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, nợ phải trả của công ty ở mức hơn 111.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng mạnh nhất là ký quỹ đầu tư dài hạn nhận từ bên thứ ba với 12.333 tỷ đồng, tăng hơn 4.500 tỷ đồng.
Tổng vay nợ của Masan là 67.870 tỷ đồng, giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó hơn 16.000 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn; hơn 11.500 tỷ đồng là vay trái phiếu phát hành và nợ dài hạn đến hạn trả.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty phải trả 3.171 tỷ đồng tiền lãi vay, tương ứng mỗi ngày công ty phải trả 17,6 tỷ đồng tiền lãi.
Theo Masan, nợ ròng trên EBITDA 12 tháng gần nhất của công ty đã giảm xuống 3,3x, so với mức 3,9x của quý 4/2023. Công ty đã đạt mục tiêu tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5x.
ĐHĐCĐ Masan: Mục tiêu lợi nhuận gấp đôi, 3 phương án tăng vốn Trong kịch bản tích cực, ban lãnh đạo dự kiến lợi nhuận Masan sẽ tăng gấp đôi so với kết quả thực hiện năm 2023. |
Masan dự kiến lãi 1.000 tỷ đồng từ giao dịch với Mitsubishi Lượng tiền thu được từ giao dịch dự kiến sẽ giúp góp phần vào mục tiêu giảm nợ ròng trên EBITDA của Masan về mức ≤ 3,5x. |
Sức hấp dẫn của ngành bán lẻ bách hóa và cơ hội cho Masan, MWG Sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng của người Việt, từ chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ sang các chuỗi siêu thị, kênh online chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ bách hóa hiện đại như Masan, MWG... |