Ngày 25/5, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã trình Thủ tướng Chính phủ về báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Khảo sát trực tuyến được Ban IV phối hợp với báo VnExpress thực hiện vào cuối tháng 4/2023 đánh giá bức tranh hiện trạng cùng các triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10.9%, dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,4%, dự kiến giảm mạnh quy mô 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%.
Doanh nghiệp giảm quy mô kinh doanh dẫn đến làn sóng giảm lao động tăng cao. Ảnh: UBND tỉnh Bình Phước. |
Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, riêng tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát.
Báo cáo cũng chỉ ra các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt, gồm: Khó khăn về đơn hàng chiếm 59,2%; khó khăn trong tiếp cận vốn vay 51,1%; thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật 45,3%; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế 31,1%.
Kết quả khảo sát của Ban IV cũng cho thấy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
Đẩy mạnh khâu triển khai chính sách tương xứng với quyết tâm, hành động của Chính phủ
Khó có thể khẳng định 9.556 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Ban IV có đại diện cho tâm lý chung của các doanh nghiệp trong nước hay không. Căn cứ vào tình hình thực tiễn và qua kết quả khảo sát, Ban IV báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề cơ bản.
Thứ nhất, hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
“Vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế”, báo cáo Ban IV chỉ ra.
Để đạt được mục tiêu này, Ban IV cho rằng, cần nghiên cứu đẩy mạnh các quy trình công bố, công khai chính sách, thủ tục hành chính đảm bảo sự minh bạch và thống nhất trên toàn quốc.
Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính để hạn chế tối đa sự tùy nghi trong thực thi, hoặc hạn chế việc tạo ra các cách hiểu khác nhau do không có các quy trình thống nhất toàn quốc, tạo thuận lợi cho không chỉ doanh nghiệp mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết chính sách, thủ tục hành chính.
Thứ hai, nguyên nhân của những khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới mà còn do những vấn đề nội tại gây ra.
Ban IV cho rằng, đây là thách thức rất lớn nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn để Chính phủ thực hiện những cải cách triệt để nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao sản lượng kinh tế trong dài hạn.
Đặc biệt với các định hướng và các ưu tiên mà các tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế, trong nước đã nghiên cứu, khuyến nghị bao gồm đẩy mạnh đầu tư công để “bơm tiền” cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, tập trung vào nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Chú trọng các hạ tầng kết nối giữa các trung tâm kinh tế đã hiện hữu với các địa phương lân cận để tạo cơ hội thu hút các làn sóng đầu tư tư nhân, đầu tư FDI thế hệ mới.
Đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại và đào tạo nghề theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tăng năng suất lao động.
Thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ số, quản trị dựa trên dữ liệu gắn với xây dựng nền hành chính hiện đại, kỷ cương, phục vụ, hiệu quả và minh bạch. Xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, có trọng tâm, trọng điểm. Chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn.