Cảnh sát tiếp tục đụng độ người biểu tình tại Paris

Biểu tình Pháp
09:30 - 18/03/2023
Tối ngày 17/3, cảnh sát chống bạo động đụng độ với người biểu tình tại Paris khi người dân nước này tiếp tục thể hiện sự tức giận của mình trước kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ mà không có dấu hiệu ngừng lại.

Nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số và đảm bảo một cuộc khủng hoảng trong hệ thống lương hưu không xảy ra, chính phủ Pháp đã đưa ra kế hoạch nâng tuổi hưởng lương hưu của người lao động tại đây từ 62 lên 64 tuổi.

Theo chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron, điều này là rất cần thiết do Pháp có tuổi nghỉ hưu chính thức thuộc hàng thấp nhất trong số các quốc gia trong nhóm OECD. Tuy nhiên, hầu hết các công đoàn và cử tri không đồng ý với kế hoạch cải cách này.

Kể từ đầu năm 2023 khi dự luật này được đề nghị, tình trạng bất ổn liên tục gia tăng tại Pháp. Đỉnh điểm của các cuộc đình công bắt đầu diễn ra trong những ngày gần đây khi dự luật tiến vào những bước thông qua cuối cùng trước sự kiên định của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron và các công đoàn đe dọa tạm ngừng toàn bộ nền kinh tế Pháp để gây áp lực.

Người biểu tình ném đồ về phía cảnh sát tại Paris trong cuộc biểu tình tối 17/3. Ảnh: Reuters

Người biểu tình ném đồ về phía cảnh sát tại Paris trong cuộc biểu tình tối 17/3. Ảnh: Reuters

Theo những hình ảnh ghi lại bởi Reuters, cảnh sát đã phải sử dụng tới hơi cay để giải quyết tình trạng hỗn loạn đám đông khi những người biểu tình tụ tập ở Place de la Concorde, gần tòa nhà quốc hội Assemblee Nationale tại thủ đô Paris. Đứng xếp hàng trước cảnh sát chống bạo động, nhiều người đồng thanh hô vang khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Emmanuel Macron từ chức.

Tình hình hỗn loạn tối ngày 17/3 nối tiếp những gì đã xảy ra tối ngày 16/3 trước đó khi Tổng thống Pháp quyết định sử dụng điều 49.3 để thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu mà không cần bỏ phiếu ở Quốc hội.

Tại thời điểm đó, các nhà lập pháp phe đối lập đã thể hiện sự phản đối của mình ngay tại phiên họp bằng cách giơ các biểu ngữ phản đối, yêu cầu Thủ tướng Elisabeth Borne từ chức, hát quốc gia át tiếng phát biểu và la ó phản đối. Trong khi đó trên đường phố Paris và một số thành phố khác tại Pháp, cảnh sát cũng buộc phải xuất hiện để giải tán đám đông biểu tình sử dụng đá cuội.

Các cuộc biểu tình có sử dụng lửa, buộc cảnh sát chống bạo động tại Paris phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình có sử dụng lửa, buộc cảnh sát chống bạo động tại Paris phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Ảnh: Reuters

Kết quả cuộc thăm dò của Toluna Harris Interactive cho đài RTL cho thấy hơn 8/10 người không hài lòng với quyết định của chính phủ thông qua dự luật này mà không cần bỏ phiếu trong Quốc hội trong khi 65% muốn các cuộc đình công và biểu tình tiếp tục.

Trong bối cảnh đó, một liên minh bao gồm các công đoàn chính của Pháp cho biết họ sẽ tiếp tục huy động lực lượng của mình để cố gắng buộc chính phủ thay đổi quyết định của mình. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn vào cuối tuần này trong khi một ngày biểu tình lớn trên toàn quốc được lên kế hoạch vào 23/3 tới.

Công đoàn giáo viên cũng đang nhận được lời kêu gọi đình công vào tuần tới, đồng nghĩa với việc kỳ thi tú tài trung học của nước này sẽ bị ảnh hưởng. Các nhà lập pháp phe đối lập cũng đã đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm lên quốc hội chiều ngày 17/3.

Cảnh sát chống bạo động mang theo khiên tại Paris. Ảnh: Reuters

Cảnh sát chống bạo động mang theo khiên tại Paris. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, điều này khó có khả năng sẽ xảy ra kể cả khi ông Macron không đạt được đa số ủng hộ tại hạ viện trong cuộc bầu cử năm ngoái, trừ phi một liên minh bất ngờ của các nhà lập pháp từ mọi phía được thành lập, từ cực tả đến cực hữu.

Hiện các nhà lãnh đạo của đảng bảo thủ Les Republicains (LR) đã thông báo sẽ không ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm dù có một số nhà lập pháp riêng lẻ thể hiện thái độ đồng tình. Phe cực hữu dự kiến ​​sẽ nộp đơn kiến nghị khác.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế được Reuters phỏng vấn, ông Macron có khả năng sẽ đưa ra nhiều cải cách xã hội hơn và thậm chí có khả năng sẽ lựa chọn cách sa thải Thủ tướng Elisabeth Borne - người đã đi đầu trong cuộc tranh luận về lương hưu - để giảm bớt sự tức giận của công chúng. Tuy nhiên, các biện pháp này có khả năng cao sẽ không giúp tình hình hạ nhiệt.

Tình hình biểu tình tại Pháp không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Reuters

Tình hình biểu tình tại Pháp không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Reuters

Tin liên quan

Đọc tiếp