Longform
CBAM: Cuộc chơi minh bạch hướng tới phát triển bền vững

Châu Âu hiện trở thành thị trường khó tính bậc nhất với những tiêu chuẩn ngặt nghèo về bảo vệ môi trường, trong đó có việc áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM). Đây là một công cụ chính sách được đề xuất nhằm giảm lượng khí thải carbon từ hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Cơ chế CBAM sẽ áp dụng một mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có lượng khí thải carbon cao hơn so với hàng hóa sản xuất tại EU, từ thời điểm sản xuất hàng hóa cho đến khi nhập khẩu những hàng hóa đó vào lãnh thổ hải quan của EU. Mức thuế này sẽ được sử dụng để bù đắp cho lượng khí thải carbon do sản xuất hàng hóa trong EU gây ra.

CBAM được kỳ vọng sẽ giúp EU đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cơ chế này cũng sẽ giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trong EU chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả hơn. CBAM sẽ áp dụng chính thức vào năm 2026.

Mekong – ASEAN đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Quyền, Giám đốc điều hành, Chuyên gia tư vấn tính toán khí thải của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển kinh doanh ESG (ESG Education & Business) về các vấn đề doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải với CBAM và lộ trình thực hiện cơ chế này.

Ông Quyền còn là chuyên gia trong các lĩnh vực khai báo vòng đời sản phẩm (LCA), báo cáo tác động môi trường sản phẩm (EPD), xây dựng hệ thống tuần hoàn sản phẩm (CPS).

Mekong – ASEAN: Ông có thể cho biết lộ trình thực hiện CBAM cụ thể như thế nào?

Từ năm 2021, cơ chế CBAM đã được soạn thảo và ban hành chính thức vào tháng 5/2023. Tháng 7/2023 CBAM bắt đầu triển khai trong khu vực châu Âu và tháng 12/2023 sẽ ban hành áp dụng trên toàn cầu.

Từ tháng 10/2023 tới hết tháng 12/2025, gọi là giải đoạn chuyển tiếp, giúp doanh nghiệp làm quen với các quy định của CBAM.

Theo nền tảng về cơ chế báo cáo được cung cấp bởi EU, doanh nghiệp được yêu cầu cung cấp số liệu kiểm kê phát thải cho Ủy ban châu Âu nhằm xác định rõ hơn phương pháp tính toán lượng phát thải.

Thời gian nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính bắt đầu từ ngày 1/10/2023 và kết thúc báo cáo vào ngày 31/1/2024. Báo cáo này được nộp hàng quý, chậm nhất là ngày 30 của tháng sau nộp báo cáo cho quý trước.

Lộ trình áp dụng CBAM và sự hỗ trợ của ETS từ năm 2026 - 2034. Nguồn: TCBC của Nghị viện châu Âu ngày 18/12/2022.
Lộ trình áp dụng CBAM và sự hỗ trợ của ETS từ năm 2026 - 2034. Nguồn: TCBC của Nghị viện châu Âu ngày 18/12/2022.

Từ tháng 1/2026 CBAM sẽ chính thức được vận hành. Các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp hạn ngạch miễn phí (ETS) của EU được biểu thị bằng Euro/tấn CO2 thải ra.

Tuy nhiên, giai đoạn này, thuế CBAM được áp dụng đồng thời với sự hỗ trợ bởi chính sách hạn ngạch miễn phí ETS. Theo thời gian, thuế CBAM tăng dần, hạn ngạch miễn phí cũng giảm dần cho đến hết năm 2033.

Và từ tháng 1/2034, doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế 100%, áp dụng toàn diện quy định CBAM cho tất cả các mặt hàng, sản phẩm cũng như áp dụng đối với các quốc gia, các đối tượng nhập hàng hóa hoặc sản xuất sản phẩm nằm trong nhóm đối tượng của CBAM.

Mekong – ASEAN: Trong quá trình đó, theo ông vấn đề thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Thái độ và cách ứng xử với các mô hình và cơ chế mới luôn vấn đề lớn.

Nếu xem đây là cơ hội để đưa doanh nghiệp tiến lên theo mô hình phát triển bền vững cùng các bạn hàng châu Âu, cũng như châu Mỹ, châu Á trong tương lai thì các doanh nghiệp sẽ quan tâm, nghiên cứu, chuyển đổi mô hình để sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thị trường.

Ngược lại, nếu xem đây là rủi ro, là khó khăn và né tránh thì theo tôi đó sẽ là một nguy cơ rất lớn cho doanh nghiệp trong tương lai.

Cơ chế CBAM xây dựng dựa trên sự minh bạch và rõ ràng về mặt thông tin, việc báo cáo đối phó và tìm cách lách sẽ bị coi là hành vi không phù hợp với CBAM và doanh nghiệp có khả năng mất hẳn thị trường hoặc sẽ chịu mức thuế cao để được xuất hàng vào châu Âu.

Ủy ban châu Âu sẽ liên tục theo dõi tình hình ở cấp Liên minh nhằm xác định các hành vi gian lận bằng cách giám sát thị trường hoặc trên cơ sở bất kỳ nguồn thông tin liên quan nào, kể cả từ báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự.

Ưu điểm của việc áp dụng cơ chế CBAM là giúp EU đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon, thúc đẩy các doanh nghiệp trong EU chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp dùng các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả hơn. Sự minh bạch trong việc áp dụng cơ chế CBAM cũng tạo ra sự công bằng cao hơn trong thương mại quốc tế. Ở chiều ngược lại, CBAM có thể gây ra lạm phát hoặc có thể dẫn đến tranh chấp thương mại với các nước khác.

Tuy nhiên, CBAM sẽ có ảnh hưởng rất lớn, không chỉ về vấn đề khí nhà kính, biến đổi khí hậu, mà CBAM sẽ tác động trực tiếp đến khách hàng thuộc chuỗi cung ứng. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thuộc các nhóm chịu cơ chế CBAM và doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng này cần xác định rõ ràng để có sự chuẩn bị tốt nhất.

EU là thị trường lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nên việc sẽ phải đối diện và thích ứng với những quy định của CBAM là không thể tránh khỏi.

Đến nay, tôi nhận thấy các doanh nghiệp trong nước rất quan tâm thực hiện việc xây dựng lộ trình kiểm kê khí thải trong doanh nghiệp của mình theo quy định quốc tế và tiêu chuẩn như ISO 14064, ISO 14067, GHG Protocol.

Mekong – ASEAN: Những sản phẩm, lĩnh vực nào sẽ chịu sự tác động, điều chỉnh trực tiếp và gián tiếp của cơ chế CBAM?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Trước mắt, các lĩnh vực chịu điều chỉnh bởi CBAM là nhóm ngành sản xuất phát thải trực tiếp nhiều nhất như điện, xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, năng lượng, hydro.

EU đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng các nhóm ngành nghề khác và chắc chắn sẽ lan ra nhiều lĩnh vực.

Để kiểm tra xem doanh nghiệp của mình có thuộc nhóm này hay không, các doanh nghiệp Việt Nam có thể căn cứ vào Hệ thống mã số Danh mục phối hợp (Combined Nomenclature code - CN Code) tại Phụ lục số 1, Quy định (EU) 2023/956 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu ngày 10/5/2023 về thiết lập cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.

CBAM: Cuộc chơi minh bạch hướng tới phát triển bền vững

Ngoài ra, quá trình tính toán phát thải sẽ tuỳ thuộc vào mô hình sản xuất và liên quan đến vấn đề phát thải của các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng. Do vậy, dù doanh nghiệp hiện giờ không thuộc đối tượng trực tiếp xuất hàng hóa chịu CBAM, nhưng nếu thuộc chuỗi cung ứng thì cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho vấn đề này.

Mekong - ASEAN: Vậy để ứng phó với cơ chế CBAM, doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?

Ảnh tác giả Ông Nguyễn Đình Quyền
Giám đốc điều hành, Chuyên gia tư vấn tính toán khí thải, LCA, EPD, CPS
ESG Education & Business

Ông Nguyễn Đình Quyền: Tại Việt Nam hiện nay, hơn 97% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (SMEs). Trong đó, phần lớn là có mô hình kinh doanh thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp hiện nay không tuân thủ chuẩn mực kế toán, tình trạng vênh nhau giữa các sổ sách kế toán rất phổ biến, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, trình độ quản lý, tổ chức, điều hành, nguồn vốn, năng lực sản xuất, trình độ kỹ thuật còn hạn chế.

Do đó, nhiều trường hợp khó đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng, đặc biệt là khoản vay xanh. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ tài sản đảm bảo để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày tăng cao để phát triển kinh doanh.

Ngược lại, ngân hàng cũng khó tiếp cận thông tin về các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, tổ chức tín dụng chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...

Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp cần đảm bảo thu hồi vốn và duy trì an toàn hệ thống. Hạn chế tối đa nợ xấu là ưu tiên của ngân hàng. Bản thân tôi, khi thực hiện tư vấn cho một số doanh nghiệp vay vốn xanh từ các ngân hàng tại Việt Nam, chúng tôi cũng gặp những vấn đề mang tính sống còn như vậy.

Do vậy khi đụng chạm đến một câu hỏi lớn mang tính thế kỷ về chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, đột ngột các doanh nghiệp này bị “chín ép” để đủ năng lực thực hiện các quy trình nghiêm ngặt và minh bạch của thế giới.

Câu hỏi lớn nhất được đặt ra: Doanh nghiệp cần phải làm thế nào?

Theo quan điểm của tôi khi thực hiện tư vấn về vấn đề khai báo khí thải, thực hiện LCA, EPD, tiến đến trung hoà và netzero carbon, các doanh nghiệp phải hết sức nghiêm túc thực hiện đúng tiến trình sau:

Về quy trình đo đạc – báo cáo – thẩm định (MRV) phát thải khí nhà kính. Để phát triển bền vững, giảm khí thải carbon, đạt được netzero carbon... việc đầu tiên là tất cả phải dựa trên dữ liệu đầu vào đáng tin cậy.

Đây không phải là chuyện mà Việt Nam hay các doanh nghiệp tự quyết, tự khai báo không cần kiểm định. Các số liệu này phải dựa trên việc xây dựng lòng tin về sự báo cáo trung thực, minh bạch giữa các quốc gia nói chung, và các tổ chức doanh nghiệp nói riêng.

Quy trình MRV được xây dựng dựa trên nền tảng chuẩn ISO, căn bản nhất là ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001, ISO 5001. Hiện nay đa số doanh nghiệp Việt Nam (trừ doanh nghiệp FDI) chỉ mới thực hiện ở ISO 9001, ISO 14001, thậm chí nhiều đơn vị còn chưa có ISO 14001.

Có thể nói, lộ trình phát triển của một doanh nghiệp, một thành phố hay một đất nước trong phát triển kinh tế xanh căn bản là như nhau, chỉ khác về quy mô và hướng phát triển bền vững. Các bước đi cơ bản sẽ bao gồm:

CBAM: Cuộc chơi minh bạch hướng tới phát triển bền vững

Tất cả các vấn đề từ năng lượng, nước thải, rác thải, khí thải, vòng đời các nhân tố của một nhà máy, thành phố hay đất nước cần được thể hiện ở mức độ chi tiết nhất có thể.

Do vậy, vấn đề thiết lập hàng rào kiểm định về khai báo khí thải hay việc thực hiện các ISO căn bản là điều tiên quyết phải thực hiện một cách minh bạch và nghiêm túc thì sau này tiến trình phát triển chuyển đổi xanh mới có hiệu quả.

Hơn nữa, khi doanh nghiệp tham gia vào quy trình MRV một cách chuẩn chỉ, cung cấp bộ chỉ số chính xác mà dựa trên những dữ liệu đó, Chính phủ mới có thể xây dựng nên một chính sách hỗ trợ phù hợp nhất.

Về Giải pháp giảm phát thải. Trước khi đến bước áp dụng công nghệ mới cần nhiều chi phí để chuyển đổi, doanh nghiệp phải hướng tới việc quản lý năng lượng, nguyên vật liệu, sản phẩm đầu ra, khí thải... và phải được hiển thị rõ theo thời gian thực.

Các ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành doanh nghiệp như Quản lý năng lượng thông minh (smart enery management), Quản lý khí nhà kính thông minh (smart GHG management), Quản lý sản phẩm/ chuỗi cung ứng thông minh (smart production | supply chain management)... luôn có nhu cầu rất lớn và là hướng đi tốt cho các start up công nghệ. Việc theo dõi và sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm tiêu hao sẽ giúp gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Xét ở một khía cạnh khác, việc lấy các doanh nghiệp FDI làm hình mẫu cần được xem xét kỹ lưỡng vì các doanh nghiệp này thực hiện theo tiêu chuẩn của tập đoàn. Và các công ty/ tập đoàn mẹ ở nước ngoài đã xây dựng quy chuẩn và có chính sách được thực thi từ vài chục đến trăm năm. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể đủ nguồn lực để học hỏi nhiều từ quá trình của họ.

Về Công nghệ chuyển đổi sản xuất xanh, giảm phát thải. Đặc thù mỗi quốc gia và nền kinh tế sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp nghiên cứu sử dụng các công nghệ chuyển đổi phù hợp với điều kiện tài chính và năng lực vận hành.

Trong quá trình đó, việc tìm mọi cách phát triển các công nghệ có nguồn gốc từ Việt Nam nên là ưu tiên hàng đầu. Và các công nghệ này cũng rất cần được hỗ trợ để được công nhận đủ bằng chứng uy tín về việc giảm phát thải.

Chính vì vậy, vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật trong sản xuất xanh nên được coi là tầm nhìn trọng tâm và dài hạn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên đối với việccải tiến công nghệ để giảm phát thải từ các phương tiện sản xuất hiện có và chứng minh với đơn vị kiểm định về công nghệ giảm phát thải trong các doanh nghiệp chịu cơ chế CBAM, cũng như tất cả các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng CBAM.

Ngọc Linh

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Palestine

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Palestine

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Khởi tố thêm 5 nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Khởi tố thêm 5 nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ

Hình ảnh

Hình ảnh 'khác lạ' ở làng đào Nhật Tân những ngày cuối năm

Signify đạt thương hiệu chiếu sáng hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024

Signify đạt thương hiệu chiếu sáng hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024

Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội thành khu đô thị trung hòa carbon

Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội thành khu đô thị trung hòa carbon

PTI triển khai tăng vốn lần đầu tiên sau 10 năm

PTI triển khai tăng vốn lần đầu tiên sau 10 năm

Tăng trưởng GRDP TP HCM năm 2024 ước đạt 7,17%

Tăng trưởng GRDP TP HCM năm 2024 ước đạt 7,17%

Hoàng Anh Gia Lai trả thêm 200 tỷ đồng nợ trái phiếu

Hoàng Anh Gia Lai trả thêm 200 tỷ đồng nợ trái phiếu

Siết chặt quản lý, sử dụng nhà, đất tại doanh nghiệp Nhà nước

Siết chặt quản lý, sử dụng nhà, đất tại doanh nghiệp Nhà nước

Gần 150 golf thủ tranh tài tại The Golden Masters

Gần 150 golf thủ tranh tài tại The Golden Masters

VN-Index về trạng thái giằng co, YEG giảm sàn sau chuỗi tăng trần 7 phiên

VN-Index về trạng thái giằng co, YEG giảm sàn sau chuỗi tăng trần 7 phiên

ASEAN Cup 2024: Việt Nam gặp Singapore trên sân cỏ nhân tạo Jalan Besar

ASEAN Cup 2024: Việt Nam gặp Singapore trên sân cỏ nhân tạo Jalan Besar

Điều kiện kinh doanh cơ sở đào tạo lái xe ô tô, áp dụng từ 1/1/2025

Điều kiện kinh doanh cơ sở đào tạo lái xe ô tô, áp dụng từ 1/1/2025

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024

MB chốt ngày nhận cổ tức 15% bằng cổ phiếu vào đầu năm 2025

MB chốt ngày nhận cổ tức 15% bằng cổ phiếu vào đầu năm 2025

Hà Nội: Giá thịt lợn tăng nhẹ dịp cuối năm

Hà Nội: Giá thịt lợn tăng nhẹ dịp cuối năm

Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít vào phiên điều hành cuối năm 2024

Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít vào phiên điều hành cuối năm 2024

Các doanh nghiệp Đức có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Các doanh nghiệp Đức có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam

'Mở khóa' thị trường nghìn tỷ đô Halal

Hải Dương: Điều động nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban Quản lý di tích

Hải Dương: Điều động nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban Quản lý di tích