Chi phí tái thiết Ukraine dự kiến ở ngưỡng 411 tỷ USD

tái thiết ukraine
08:26 - 23/03/2023
Saltivka, một trong những khu dân cư bị thiệt hại nặng nề nhất ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Reuters
Saltivka, một trong những khu dân cư bị thiệt hại nặng nề nhất ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo mới nhất từ chính phủ Ukraine, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên Hợp Quốc, chi phí tái thiết và phục hồi kinh tế Ukraine từ ảnh hưởng của việc giao tranh với Nga hiện đã tăng lên mức 411 tỷ USD.

Hãng tin RT trích dẫn đánh giá này cho biết Kiev sẽ cần 14 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2023 để đổ vào các khoản đầu tư tái thiết quan trọng và được ưu tiên nhất. Mức chi phí ước tính này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ cần 11 tỷ USD tài trợ từ bên ngoài, ngoài các khoản đã được phân bổ cho các nhiệm vụ này trong ngân sách hàng năm.

Trong một tuyên bố chính thức, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal giải thích cơ sở hạ tầng năng lượng, nhà ở, cơ sở hạ tầng quan trọng, nền kinh tế và rà phá bom mìn nhân đạo hiện đang là 5 ưu tiên của Ukraine trong năm nay.

Tuy nhiên, ông cho biết chi phí tái thiết và phục hồi trị giá 411 tỷ USD khổng lồ này không bao gồm dữ liệu về thiệt hại cơ sở hạ tầng, nhà ở và cơ sở kinh doanh tại “các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Tuyên bố của ông đề cập tới các vùng lãnh thổ của Ukraine đã được Nga sáp nhập trong năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý, bao gồm vùng Kherson và Zaporozhye cùng với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Bán đảo Crimea trước đó vào năm 2014 cũng đã tách khỏi Ukraine và thực hiện trưng cầu dân ý để trở thành một phần của Nga.

Báo cáo mới này ghi nhận mức chi phí tái thiết Ukraine gia tăng 60 tỷ USD so với những đánh giá trước đó được những cơ quan này công bố hồi tháng 9/2022. Cụ thể, chi phí tái thiết Ukraine trong báo cáo tại thời điểm đó được ước tính vào mức 349 tỷ USD. Các số liệu cũng chỉ ra rằng phần lớn thiệt hại đối với quốc gia này xảy ra trong 6 tháng đầu tiên của cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, bắt đầu từ cuối tháng 2/2022.

Nhận định về các số liệu này, báo cáo cho biết chúng nên được coi là “mức tối thiểu” do chi phí tái thiết có khả năng vẫn sẽ gia tăng hơn nữa chừng nào chiến sự không hạ nhiệt.

Theo phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách châu Âu và Trung Á Anna Bjerde, quá trình tái thiết Ukraine có khả năng sẽ “mất vài năm” trong khi thời điểm tiến hành tái thiết thực sự vẫn chưa được đưa ra. Ngoài ra, bà Bjerder nhận định các khoản đầu tư công ở Ukraine nên được “bổ sung bằng khoản đầu tư tư nhân đáng kể để tăng nguồn tài chính sẵn có cho việc tái thiết”.

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 11/2022 đã cho biết quốc gia của ông sẽ cần hơn 1.000 tỷ USD để tái thiết đất nước. Để làm được điều này, Kiev có kế hoạch thu hút các quốc gia phương Tây tham gia bằng cách trao cho những nước này 'sự bảo trợ' đối với một số khu vực và thành phố nhất định.

Cụ thể trong một bài phát biểu ngày 29/11 năm ngoái về việc tổ chức Expo 2030 tại Odessa, ông Zelensky cho biết Ukraine đang lên kế hoạch khởi động chương trình “bảo trợ” cho phép các chính phủ và công ty quốc gia tham gia xây dựng lại một khu vực, thành phố, khu vực kinh tế hoặc doanh nghiệp nhất định.

Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố rằng một số quốc gia, bao gồm Pháp, Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã thể hiện sự quan tâm của mình.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.