Chủ tịch FPT Retail tiết lộ kinh nghiệm xây dựng chuỗi bán lẻ

Chủ tịch FPT Retail tiết lộ kinh nghiệm xây dựng chuỗi bán lẻ

FPT Retail bán lẻ
14:56 - 25/01/2023

Năm 2022, trong bối cảnh bị bủa vây bởi nhiều khó khăn, từ tình hình vĩ mô thế giới đến huy động nguồn vốn, lãi suất tăng... nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp phạm vi kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) vẫn duy trì chiến lược mở mới cửa hàng, thậm chí còn vượt khá xa mục tiêu cho chuỗi dược phẩm Long Châu khi tới tháng 11/2022 đã chạm mốc 1.000 nhà thuốc.

Cuộc trò chuyện của bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch HĐQT FPT Retail với Mekong ASEAN về những chiến lược và khát vọng mà công ty đang theo đuổi.

Mekong ASEAN: 2022 là năm không mấy dễ dàng với các doanh nghiệp. Với FPT Retail, một năm qua đã diễn ra như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Trong 2022 thì 9 tháng đầu năm mọi thứ đều khá ổn với ngành bán lẻ, khó khăn chỉ bắt đầu thể hiện từ tháng 10 khi bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi, sức nóng lạm phát phả vào cuộc sống, lao động bị cắt giảm... Một số nhóm hàng thuộc ngành công nghệ thông tin bị ảnh hưởng bởi sức mua giảm, còn lĩnh vực dược phẩm chưa bị ảnh hưởng nhiều. Trong bối cảnh như vậy, doanh thu của FPT Retail vẫn tăng trưởng so với năm trước nhưng lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng đôi chút vì phải thực hiện các chương trình kích cầu nhiều hơn.

Những biến động do tác động từ tình hình kinh tế thế giới, về lãi suất, về tỷ giá thời gian qua là vấn đề chung của toàn xã hội, là thách thức chung của các doanh nghiệp, FPT Retail cũng không nằm ngoài xu hướng đó, chúng tôi cũng gặp khó khăn và có ảnh hưởng phần nào đến chỉ số về lợi nhuận. Còn về mặt nguồn vốn thì công ty không có vấn đề gì, vì ngành tăng trưởng hiện tại của FPT Retail là dược phẩm, là ngành thiết yếu, hoạt động kinh doanh đảm bảo kế hoạch. Cộng thêm uy tín của Tập đoàn nên các ngân hàng vẫn ưu tiên cho vay.

Tôi cho rằng khó khăn có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2023, thậm chí là hết năm. Với tình hình đó, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu hơn. Mảng công nghệ thông tin sẽ có ảnh hưởng, còn mảng dược phẩm hi vọng sẽ vẫn ổn định.

Mekong ASEAN: Xin cho biết nhận định của bà về thị trường điện thoại, máy tính hiện nay? Với sự cạnh tranh gay gắt từ các chuỗi bán lẻ khác, FPT Retail có chiến lược như thế nào để giữ, gia tăng thị phần cũng như đảm bảo sự tăng trưởng cho mảng kinh doanh này?

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Mảng bán lẻ công nghệ thực ra mỗi năm đều có tăng trưởng, nhưng tốc độ không có sự đại nhảy vọt, có khi chỉ một chữ số; bởi tỷ lệ sử dụng máy tính, điện thoại ở Việt Nam đã tương đối nhiều. Tăng trưởng chủ yếu đến từ nhu cầu thay đổi, với máy tính trung bình 3 năm một lần và điện thoại từ 1-1,5 năm một lần. Vì vậy, việc cố gắng đi theo tốc độ tăng trưởng chung của thị trường, giữ thị phần đã là rất tích cực.

Nói về tính cạnh tranh thì ngành bán lẻ công nghệ thông tin nhiều năm nay đã trong trạng thái cao, cộng thêm tình hình khó khăn, việc giành thị phần sẽ càng gay gắt hơn. Nhưng đã trong cuộc chơi thì chúng ta phải chấp nhận, mỗi công ty sẽ có cách đi, phương án riêng để vượt qua khó khăn. Như giai đoạn phong toả do Covid-19, toàn bộ các shop công nghệ thông tin của FPT Retail phải đóng cửa, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển hướng sang kinh doanh online nên vẫn phục vụ được người dân, giúp làm giảm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh.

Giai đoạn này cũng vậy, khi phải đối mặt với khó khăn do tình hình chung, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, công ty đã nhanh chóng đưa ra một số giải pháp để khắc phục. Điển hình như sử dụng công nghệ cao để phân tích xu hướng tiêu dùng, nắm bắt tâm lý khách hàng chi tiết hơn, từ đó tiếp cận đúng đối tượng đang có nhu cầu thực sự.

Hay việc tìm kiếm sản phẩm, thay thế các mặt hàng khác khi những nhà máy Trung Quốc gặp khó khăn về nguồn hàng. Chọn lựa nhóm ngành sản phẩm phù hợp, phối hợp với các công ty trong tập đoàn xây dựng những gói combo nhiều sản phẩm cung cấp cho gia đình, vừa giúp giảm chi phí cho khách hàng, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, công ty cũng triển khai thêm nhiều dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong giai đoạn nguồn thu nhập của họ có thể bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch HĐQT FPT Retail.

Bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch HĐQT FPT Retail.

Mekong ASEAN: Trong khi chuỗi bán lẻ công nghệ không thể có sự tăng trưởng đột phá thì FPT Retail dường như đang đặt kỳ vọng lớn vào chuỗi dược phẩm, khi chỉ trong 11 tháng đầu năm 2022 đã mở mới được tới 600 nhà thuốc?

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Việc mở mới số cửa hàng Long Châu vượt kế hoạch có thể nói là như đang ở đà tiến lên. Trong quá trình triển khai, công ty nhận được sự hỗ trợ lớn của Tập đoàn về mặt công nghệ, nhiều quy trình được tự động hoá. Khi đi vào guồng thì sự phối hợp giữa các bộ phận, phòng ban nhuần nhuyễn hơn. Vì vậy, Long Châu quyết định tăng tốc luôn.

Động lực thứ hai là FPT Retail nhìn thấy tiềm năng từ thị trường. Ở Việt Nam, số lượng các nhà thuốc nhỏ lẻ lên tới gần 50.000, vì vậy dư địa để mở rộng chuỗi Long Châu còn rất lớn. Đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, người dân còn ít tiếp cận với các cửa hàng thuốc đầy đủ nhóm sản phẩm. Con số 1.000 gần như chốt cho năm 2022 nhưng chúng tôi sẽ không dừng lại. Chiến lược mở rộng vẫn là chiến lược chính trong năm 2023 với dự kiến mở mới 400-500 cửa hàng.

Mekong ASEAN: Khi FPT Retail quá tốc độ trong việc mở mới liệu có gặp khó khăn trong việc quản lý cũng như tối ưu lợi nhuận, xin được nghe chia sẻ của bà?

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Về vấn đề quản lý thì trước hết phải khẳng định rằng, khi tìm được công thức thành công thì chúng tôi mới dám mở rộng. FPT Retail đang hoạt động dưới sự giám sát của Tập đoàn và nhà đầu tư trên các KPI về doanh thu và lợi nhuận.

Ví dụ năm 2022, lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc Long Châu được giao là 50 tỷ, và cuối năm khả năng vượt con số đó. So với một số nhà thuốc khác thì đây là tín hiệu rất tốt. Điều đó cũng có nghĩa là công ty đang rất quan tâm và quản lý chặt chẽ hiệu quả khi mở mới nhà thuốc, luôn cân bằng giữa cam kết với cổ đông và mở rộng thị phần.

Ngoài những điều kiện thông thường mà chuỗi bán lẻ cần có như con người, môi trường, vốn mạnh... thì Long Châu có những lợi thế đặc biệt hơn để thu hút khách hàng, tối ưu hoá lợi nhuận.

Lợi thế số 1 đó chính là sở hữu nguồn hàng hoá tiềm năng, chuyên về thuốc kê toa và hàng hiếm. Thứ hai là thừa hưởng từ Tập đoàn phần công nghệ, từ quản trị cửa hàng giúp tối ưu hoá chi phí đến công nghệ phục vụ cho trải nghiệm khách hàng. Chúng ta thấu hiểu khách hàng bao nhiêu thì họ sẽ hài lòng bấy nhiêu.

Mekong ASEAN: Tiềm năng ngành dược phẩm Việt Nam được đánh giá là rất lớn. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng này và cũng theo đuổi chiến lược mở rộng hệ thống để chiếm lĩnh thị trường. Vậy đây có phải là một trong những thách thức lớn với Long Châu không, thưa bà?

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Tất nhiên có cạnh tranh là có thêm khó khăn, một mảng mà mình thấy được tiềm năng thì nhiều người cũng thấy được. Chúng tôi chấp nhận bài toán đó sẽ phải đến, và giải pháp là phải làm sao để làm tốt nhất trong số những người tham gia.

Như tôi đã nói ở trên, với gần 50.000 nhà thuốc nhỏ trên toàn quốc, dư địa cho “cuộc chơi” trong ngành dược phẩm là rất lớn, mỗi người vào sẽ chiếm một phần nào đó. Nhưng sau một thời gian, với cách quản trị và khả năng phục vụ khách hàng, khách hàng chọn ai sẽ là câu chuyện khác. Tôi tin rằng sau một vài năm nữa, “cuộc chơi” sẽ định hình rõ hơn, người nào tồn tại và người nào phải rời đi.

Với Long Châu, trước khi tham gia, chúng tôi mới chỉ nhìn thấy mảng thị trường nhà thuốc còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thấy ai mang lại dịch vụ chuyên nghiệp cho khách hàng. Còn khi nhập cuộc, chúng tôi nhận thấy có một số thứ có thể thay đổi, góp ích cho nền dược phẩm nước nhà và đó chính là con đường dài để Long Châu tiếp bước.

Đầu tiên là thuốc chính hãng, được kiểm soát chất lượng, với các chuỗi có hệ thống phần mềm hỗ trợ. Thứ hai là giá thành, việc quản trị bằng phần mềm tối ưu chi phí sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm, người dân cũng được hưởng lợi. Và một điều mà tôi nghĩ rất quan trọng là đào tạo nhân viên, tư vấn khách hàng cách uống thuốc đúng, đủ, tránh lạm dụng kháng sinh.

Về lâu dài, Long Châu còn mong muốn chuỗi nhà thuốc sẽ đưa thêm nhiều dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tới khách hàng chứ không chỉ là thuốc. Đó chính là khai thác phần trên thượng tầng của lĩnh vực dược phẩm giúp mang lại hiệu quả tăng trưởng lâu bền.

Mekong ASEAN: Ngoài mảng công nghệ và dược phẩm, về chiến lược tới đây, xin bà chia sẻ FPT Retail có kế hoạch lấn sân sang mảng kinh doanh nào mới không? Để thành công trong mô hình bán lẻ đa lĩnh vực, theo bà đâu là yếu tố quan trọng nhất?

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Năng lực cốt lõi của một công ty bán lẻ là xây dựng chuỗi bán lẻ và quản trị nó. Vì vậy không quan trọng là bạn bán cái gì mà bạn có năng lực cốt lõi đó hay không. Như FPT Retail, từ công nghệ chuyển sang một lĩnh vực không liên quan là dược phẩm, ban đầu mọi người cũng lo lắng, không có chuyên thì làm sao tham gia vào thị trường y tế? Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã làm được vì đã có kinh nghiệm từ xây dựng chuỗi công nghệ.

Theo tôi, để xây dựng thành công chuỗi bán lẻ thì cần sự tổng hoà của rất nhiều yếu tố. Đặc biệt, nếu không có công nghệ quản trị thì chắc chắn sẽ vỡ trận, vì bạn không nhìn được sức khoẻ của doanh nghiệp đến từng shop, từng sản phẩm. Đội ngũ con người cũng rất quan trọng, phải xây dựng hệ thống tuyển dụng và đào tạo vì đặc trưng của mô hình là tuyển người liên tục. Từ con người, chúng ta sẽ ra suy nghĩ, phân tích thị trường, đưa ra các chương trình, cách đi cụ thể...

Tương lai, FPT Retail chắc chắn sẽ không dừng lại ở hai ngành nghề đang có. Các lĩnh vực bán lẻ có triển vọng lớn và an toàn là những sản phẩm thiết yếu như ăn uống, đồ tiêu dùng, mẹ và bé, siêu thị, giáo dục... Đây là những nhu cầu lặp đi lặp lại mỗi ngày, thường xuyên nên ở thời kỳ nào cũng sẽ tăng trưởng, phát triển tốt.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn bà!

Đọc tiếp