Chủ tịch Kocham: 'Đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh'

Chủ tịch Kocham: 'Đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh'

ĐẦU TƯ HÀN QUỐC
11:42 - 24/06/2023
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) chia sẻ với Mekong ASEAN rằng, Việt Nam đã tạo được một môi trường đầu tư năng động, thân thiện và là nơi các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ thấy được tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Mekong ASEAN: Ông có nhận xét như thế nào về môi trường đầu tư Việt nam. Nếu so sánh với khu vực ASEAN, ông có bình luận gì?

Ông Hong Sun: Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp của Việt Nam tiếp tục được bổ sung và điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho các nhà đầu tư và giúp Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.

Việt Nam tạo được một môi trường đầu tư năng động, thân thiện, là lựa chọn hàng đầu để xây dựng nhà máy, là cứ điểm sản xuất quy mô lớn, là nơi các nhà đầu tư sẽ thấy được tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Tuy nhiên, nói một cách khách quan, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam dù đã cải thiện nhiều, nhưng so sánh với các nước trong khu vực, chưa hẳn đã chiếm ưu thế vượt trội.

Ngay cả nhiều nước phát triển như Mỹ, châu Âu cũng đang áp dụng nhiều ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài. Thực tế, dòng vốn đầu tư Hàn Quốc vào các quốc gia này vẫn không ngừng gia tăng, tạo sức ép rất lớn cho các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Do đó, để không mất đi lợi thế thu hút FDI, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và cải thiện chính sách thu hút đầu tư, trong đó, tăng ưu đãi cho các dự án trong các lĩnh vực tiên tiến, công nghệ cao là một biện pháp Việt Nam cần tính toán.

Mekong ASEAN: Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc luôn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, hiện là đối tác đầu tư lớn nhất với tổng lượng vốn đăng ký gần 81,6 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2023. Ông đánh giá thế nào về triển vọng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam thời gian tới?

Ông Hong Sun: Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hợp tác Hàn Quốc và Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Hai nước đã liên tục nâng cấp quan hệ song phương và mở rộng hợp tác. Kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam tăng trưởng ổn định, bắt đầu từ mức 500 triệu USD vào năm 1992 đạt 87,7 tỷ USD đến năm 2022, tăng 175 lần trong 30 năm qua.

Thực tế cho thấy, nhiều công ty Hàn Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và nếu xu hướng này tiếp tục, quy mô thương mại song phương trong năm này được kỳ vọng có thể vượt 100 tỷ USD ngay trong năm nay.

Mặt khác, Hàn Quốc hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vào Việt Nam đều đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mekong ASEAN: Đâu sẽ là lĩnh vực sẽ hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc, theo nhìn nhận của ông?

Ông Hong Sun: Doanh nghiệp Hàn Quốc luôn có xu hướng đa dạng hóa đầu tư vào Việt Nam khi lĩnh vực đầu tư càng ngày càng mở rộng, không chỉ sản xuất và thương mại mà còn có cả các ngành phân phối, dịch vụ và văn hóa.

Đặc biệt, lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ đang hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc trong bối cảnh thị trường tiêu dùng Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Minh chứng là Tập đoàn Lotte đang coi Việt Nam là cứ điểm toàn cầu khi có tới 19 công ty của Tập đoàn xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn,... tại Việt Nam. Ngoài dự án Khu phức hợp thông minh 900 triệu USD tại Thủ Thiêm,

Tập đoàn Lotte còn đầu tư 330 tỷ won để xây dựng "Lotte Mall Hà Nội" tại Hà Nội. Chủ tịch Tập đoàn Lotte - ông Shin Dong Bin khi tham dự Lễ khởi công Dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm vào tháng 9/2022 đã khẳng định sẽ mở rộng đầu tư đa dạng vào Việt Nam.

Mekong ASEAN: Với triển vọng đầu tư lớn, theo ông, Việt Nam cần cải thiện chính sách, môi trường kinh doanh như nào để tiếp tục thu hút đầu tư Hàn Quốc?

Ông Hong Sun: Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên, Việt Nam có thu hút thêm được các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng hay không còn phụ thuộc vào việc ban hành và thực thi chính sách, cũng như các ưu đãi đối với các nhà đầu tư.

Thực tế doanh nghiệp cho hay, sau Covid-19 một số thủ tục đầu tư vào Việt Nam còn khó khăn, việc triển khai dự án còn chậm. Trong khi đó, với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu các thủ tục hành chính, cấp phép chậm sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới đơn hàng.

Ngoài ra khó khăn khi vào Việt Nam là visa, giấy phép lao động… sự lãng phí về thời gian, tài chính không ít, điều này khiến doanh nghiệp Hàn Quốc còn e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.

Để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại hai nước trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm đầu tư kinh doanh, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, vấn đề thiếu điện cục bộ xảy ra tại Miền Bắc đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Điện là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất, không có điện, doanh nghiệp không thể nào hoạt động.

Vấn đề thiếu điện có thể diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đặt ra bài toán lâu dài cho Việt Nam trong việc vận hành hệ thống điện cũng như tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đưa kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc 2023 chiều ngày 23/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ hy vọng quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam sẽ trở thành mẫu mực trên thế giới. Do đó, hai nước cần nâng tầm mối quan hệ này hơn nữa. Trong tương lai, các lĩnh vực văn hoá, giao lưu nhân dân, thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ đều được mở rộng mạnh mẽ.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP

Tổng thống Hàn Quốc cho rằng hiện nay, điều cấp bách nhất là nâng cao hơn nữa hoạt động giao thương, đưa kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030; mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác, đồng thời gỡ bỏ mọi rào cản quá trình này. Tổng thống Hàn Quốc hy vọng doanh nghiệp hai nước sẽ có nhiều dự án hợp tác với nhau.

Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng cho biết Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi những động thái, chiến lược hết sức cụ thể.

Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc đang là những nước được hưởng lợi ích từ tự do thương mại và hai bên cần tận dụng thời cơ này, đồng thời tăng cường hợp tác về các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo. Mặt khác, phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ để các hoạt động giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước ngày càng phát triển.

Đọc tiếp