Chủ tịch Kocham: Việt Nam sẽ là 'miền đất hứa' của FDI về công nghiệp bán dẫn

Chủ tịch Kocham: Việt Nam sẽ là 'miền đất hứa' của FDI về công nghiệp bán dẫn

ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ
16:49 - 07/10/2023
Việt Nam được đánh giá sẽ có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, có tiềm năng trở thành nơi xây "tổ" của các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD.

Trong báo cáo đánh giá về tác động của địa chính trị đến chuỗi cung ứng bán dẫn châu Á mới công bố, Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC) nhận định, dịch chuyển địa chính trị về căn bản đang thay đổi cuộc chơi bán dẫn. Đông Nam Á ngày càng thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Theo dự báo của IDC, Đông Nam Á sẽ là điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới. Trong đó, Malaysia và Việt Nam là hai quốc gia nhận sự quan tâm đặc biệt khi có thể chiếm 10% thị phần toàn cầu trong 4 năm nữa.

LĨNH VỰC BÁN DẪN VIỆT NAM ĐANG NỔI LÊN NHƯ MỘT ĐIỂM ĐẾN

Chia sẻ với Mekong ASEAN về con đường bước vào lĩnh vực bán dẫn trăm tỷ USD của Việt Nam, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) nhận định, thời gian tới Việt Nam sẽ là "miền đất hứa" của FDI về công nghiệp bán dẫn.

Mekong ASEAN: Chặng đường năm 2023 đã đi qua 3/4, trong bức tranh sáng màu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có sự ghi dấu đậm nét của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông nhìn nhận thế nào về môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay?

Ông Hong Sun: Có thể nói, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng liên tục và ổn định qua các năm. Năm 2022, do suy giảm kinh tế toàn cầu và tác động từ các cuộc xung đột địa chính trên thế giới, vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam giảm, song chúng tôi vẫn là đối tác có các quyết định đầu tư mới và tăng cường mở rộng.

Sang năm 2023, nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tăng tốc mở rộng và xin cấp giấy phép mới tại Việt Nam. 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư Hàn Quốc đứng thứ hai về số dự án mới với 511 triệu USD vốn đăng ký, đồng thời dẫn đầu về lượng vốn đăng ký điều chỉnh 1.865 triệu USD.

Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp của Việt Nam tiếp tục được bổ sung và điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho các nhà đầu tư và giúp Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.

Việt Nam tạo được một môi trường đầu tư năng động, hấp dẫn và đang là lựa chọn hàng đầu để xây dựng nhà máy, là cứ điểm sản xuất quy mô lớn, là nơi các nhà đầu tư sẽ thấy được tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp FDI, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo cơ chế đầu tư thân thiện. Đơn cử như việc cơ quan điều hành đang gấp rút nghiên cứu, ban hành văn bản pháp lý về thuế tối thiểu toàn cầu để các doanh nghiệp FDI yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Kocham cũng đánh giá cao những chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho các doanh nghiệp phục hồi vượt qua khó khăn trong thời gian qua như việc miễn, giảm, giãn hàng loạt lại thuế, phí, lệ phí, đặc biệt là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng tiếp tục thực hiện từ 1/7/2023.

Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất, chi phí sinh hoạt, từ đó khuyến khích hoạt động kinh doanh và hoạt động tiêu dùng. Đây là một chính sách thiết thực, hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp trong nước, khuyến khích sự phục hồi, phát triển của kinh tế nói chung.

Mekong ASEAN: Bàn về triển vọng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam thời gian tới, đâu sẽ là lĩnh vực sẽ hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc, theo nhìn nhận của ông?

Ông Hong Sun: Trong thời gian trước, doanh nghiệp Hàn Quốc đã coi Việt Nam như một cơ sở sản xuất quy mô lớn cho các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Dự kiến trong tương lai, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư bất chấp những biến động kinh tế, địa chính trị trên thế giới.

Tôi cho rằng, sắp tới, sẽ có sự đa dạng hơn nữa lĩnh vực đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam, không phải chỉ là lĩnh vực sản xuất, chế tạo mà còn là các dự án hàng tỷ USD về năng lượng, công nghệ.

Tháp tùng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol hồi tháng 6/2023 có hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có chủ tịch của các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc như Samsung, LG, Huyndai, Lotte, Hanwha, CJ… Một số tập đoàn đã có ý định mở rộng đầu tư của họ tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn đã đưa ra những chính sách chuẩn bị đề xuất các dự án lớn.

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sẽ là cơ sở hạ tầng, là nền tảng tiếp tục thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. Đó là một cơ hội rất thuận lợi và hoàn hảo về đầu tư của chúng tôi vào Việt Nam.

Đặc biệt, lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến, thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc và quốc tế như Intel, Samsung, Hana Micron Vina, Amkor Technology và nhiều công ty khác…với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp...

Ngày 16/9 vừa qua, Hana Micron Vina đã khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) với kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD trước năm 2025. Hana Micron Vina mong muốn phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam, góp phần đa dạng các loại hình công nghệ, kỹ thuật sáng tạo mà Việt Nam đang theo đuổi.

Cùng với đó, một dự án cả tỷ USD khác trong lĩnh vực bán dẫn đang được Công ty Amkor Technology triển khai tại Bắc Ninh dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới và đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay sau đó.

Với sự sôi động của các dự án, tôi nhìn thấy ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư.

Mekong ASEAN: Nhìn nhận rõ hơn về tiềm năng ngành công nghiệp bán dẫn tại đây, từ phía Việt Nam nên có những sự chuẩn bị như thế nào để thúc đẩy và đón nhận cơ hội, từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, xin cho biết nhận định của Kocham?

Ông Hong Sun: Như tôi đã nói ở trên, cơ hội dành cho Việt Nam trong chiếc bánh khổng lồ này rất lớn. Song, không dễ để Việt Nam trở thành "bến đỗ" mới cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu nếu không có một sự chuẩn bị mang tính nền tảng.

Nhất là, Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu, nhưng chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói

Do đó, vấn đề chiến lược đặt ra là làm thế nào để tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Trước tiên, theo tôi, Việt Nam cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho các tập đoàn bán dẫn hàng đầu, cũng như các chính sách đầu tư hợp lý, cung cấp các tiện ích cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.

Đồng thời, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, cấu phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn và tập trung thu hút các dự án đầu tư xoay quanh những khâu và công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh.

Song song đó, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chip, chất bán dẫn, ngoài môi trường kinh doanh ổn định, nhiều ưu đãi, thì điều doanh nghiệp mong muốn là có nguồn điện sản xuất dồi dào và ổn định.

Sản phẩm chip hay chất bán dẫn đều là những sản phẩm có giá trị rất cao. Trong quá trình sản xuất, nếu mất điện đột ngột thì dây chuyền sản xuất sẽ phải làm lại hoàn toàn và phải mất từ một tuần đến vài tháng. Điều này sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp hàng tỷ USD. Nếu địa phương không có nguồn điện đầy đủ và ổn định thì rất khó có thể thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Quan trọng, nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đây hiện là thách thức, song lại là yêu cầu bắt buộc, là bài toán mà Việt Nam muốn có "trái ngọt" phải đi tìm lời giải.

Tôi luôn tin rằng, Việt Nam là sẽ là miền đất hứa với ngành công nghiệp bán dẫn. Kocham yên tâm khi Chính phủ Việt Nam đã có những động thái nhanh chóng, tích cực nghiên cứu, xây dựng đề án về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp sản xuất chip điện tử. Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang mong chờ những chính sách này để cân nhắc cơ hội đầu tư.

GIẢI QUYẾT NHỮNG TRĂN TRỞ VỀ NGUỒN NHÂN LỰC

Mekong ASEAN: Ông vừa nhắc đến yếu tố nguồn nhân lực, đây có lẽ cũng là điều mà các nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia trăn trở. Là quốc gia thành công với ngành công nghiệp bán dẫn, là quê hương của những công ty gia công hàng đầu thế giới như Samsung Electronics, SK Hynix, ông có chia sẻ gì?

Ông Hong Sun: Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), sự phức tạp của một con chip khiến chưa có quốc gia nào có thể tự sản xuất chip bán dẫn một mình.

Để làm ra một sản phẩm với kích thước vài mm, nhà sản xuất có thể mất hàng năm, với hàng trăm công đoạn khác nhau, di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ thiết kế, chế tạo tại nhà máy và lắp ráp, thử nghiệm tại các cơ sở chuyên dụng, trước khi có một thành phẩm đến tay người tiêu dùng.

Đây được đánh giá là cơ hội cho các thị trường mới như Việt Nam với lợi thế nhân lực năng động, tỉ mẩn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam với đội ngũ kỹ sư chỉ khoảng 5.000 người vẫn rất nhỏ so với thị trường trăm tỷ USD này.

Đáng nói, lĩnh vực này đòi hỏi một đội ngũ có năng lực cao, có kinh nghiệm ngay từ những khâu đầu tiên. Bởi một vi mạch chip dù nhỏ thôi lỗi có thể trả giá bằng thời gian nghiên cứu lại tính bằng năm, chi phí khắc phục tính bằng triệu USD.

Điều này đặt ra hai bài toán, một là, cần có một đề án về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bài bản. Hai là, làm sao để các công ty sẵn sàng mở rộng việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường.

Doanh nghiệp Hàn Quốc luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nhân lực cao cho ngành công nghiệp chíp, bán dẫn.

Với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam, Samsung đang triển khai hỗ trợ thiết thực thông qua việc hợp tác với các trường Đại học của Việt Nam để tiến hành các dự án hợp tác đào tạo, giúp những học sinh ưu tú của Việt Nam có thể phát triển thành các nhân tài dẫn dắt Samsung và cả ngành công nghiệp của Việt Nam.

Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030

Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ cần khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Thực tế, nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư mỗi năm, theo báo cáo của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã giao cho Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.

Qua sơ bộ nghiên cứu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 đã cho biết, liên quan đến đề án phát triển nguồn nhân lực, Bộ KH&ĐT đang đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn.

Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài, dài hơi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đào tạo đại học. Để đào tạo được các kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học, và đòi hỏi sự hợp tác của ba đối tác hết sức quan trọng gồm cơ sở đào tạo, Nhà nước và doanh nghiệp.

Trụ cột thứ hai hết sức quan trọng là đào tạo kỹ sư, người lao động, gọi tắt là kỹ thuật viên, những người cụ thể làm việc trong lĩnh vực này.

Trụ cột cuối cùng là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Một nhân tài có thể dẫn dắt được hàng chục, hàng trăm người đi theo. Và việc thu hút nhân tài trong công nghiệp bán dẫn, được coi là tối quan trọng.

Đọc tiếp