Là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế như năng lượng tái tạo, cảng biển, du lịch, nông nghiệp, Cà Mau đang ngày càng cho thấy vai trò quan trọng của tỉnh trong bức tranh phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc phỏng vấn đầu năm của Mekong ASEAN với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt xoay quanh câu chuyện hướng phát triển tới đây của vùng đất đẹp đẽ nơi cực Nam tổ quốc.
Mekong ASEAN: Bản Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều trọng tâm kinh tế đáng chú ý vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023. Xin cho biết nhận định của ông, Quy hoạch sẽ làm thay đổi diện mạo kinh tế tới đây của Cà Mau ra sao?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 sẽ giúp phát huy tối đa các lợi thế đặc biệt của tỉnh, và là căn cứ quan trọng để Cà Mau hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển.
Trong đó, quy hoạch đặt mục tiêu khai thác hiệu quả 3 vùng kinh tế gắn với 5 cực tăng trưởng, cùng kết nối với 2 hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, hướng Đông - Tây và các trục liên kết phát triển. Đồng thời, kết nối với hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mekong mở rộng, nhằm phát triển thương mại và dịch vụ logistic gắn với các chuỗi cung ứng. Tăng cường hợp tác, kết nối thị trường hàng hóa của tỉnh với vùng ĐBSCL và TP HCM, giúp Cà Mau “cất cánh”, trở thành một cực tăng trưởng của vùng và xứng tầm là vùng đất địa đầu cực Nam tổ quốc.
Tỉnh Cà Mau xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời tỉnh định hướng xây dựng Cà Mau thành trung tâm chế biến thủy sản và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước, đặc biệt thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất khí Hydrogen, Amoniac.
Ngày 9/12/2023, tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi; hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo sân bay Cà Mau trong năm 2025; đồng ý về nguyên tắc cho Cà Mau chủ động chuẩn bị xây dựng dự án cảng Hòn Khoai.... Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch tỉnh, các hoạt động trên sẽ là bước ngoặt lớn đối với nền kinh tế Cà Mau.
Mekong ASEAN: Theo ông, việc phát triển các cảng biển, cảng sông và khu kinh tế sẽ đóng vai trò ra sao trong việc đưa Cà Mau trở thành nền kinh tế khá của vùng và hội nhập với nền kinh tế khu vực?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Cà Mau định hướng xây dựng và phát triển tỉnh thành trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển.
Tỉnh sẽ xây dựng và phát triển Khu kinh tế Năm Căn theo hướng phát triển tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; là đầu mối giao thương hàng hải quốc tế của tỉnh, vùng và quốc tế; là trung tâm phát triển ngành kinh tế thuỷ sản trong khu vực và cả nước…
Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn và Cảng sông Ông Đốc sẽ kết nối để phát triển thành cửa ngõ liên kết đối ngoại phù hợp với điều kiện vị trí địa lý của Cà Mau. Đồng thời, xây dựng tuyến cao tốc đoạn Cà Mau - Đất Mũi và các tuyến đường bộ kết nối, tuyến đường bộ ven biển để phát huy hơn nữa thế mạnh hàng hải, lợi thế vận tải logistics của tỉnh. Từ đó, tạo ra sự đột phá phát triển toàn diện, góp phần vào sự đi lên của Cà Mau nói riêng, vùng ĐBSCL và cả nước nói chung.
Về tình hình đầu tư, tỉnh đang lập Quy hoạch chung xây dựng cụm đảo Hòn Khoai và vùng phụ cận, đồng thời triển khai các bước lập quy hoạch Cảng sông Ông Đốc để sớm mời gọi đầu tư xây dựng, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Mekong ASEAN: Ngoài hạ tầng cảng, Cà Mau cũng được đánh giá giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, theo ông tiềm năng này sẽ giúp Cà Mau đóng vai trò như thế nào trong việc hoàn thành mục tiêu về nguồn điện từ năng lượng tái tạo của quốc gia đã được đề ra tại Quy hoạch điện VIII?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Về điện gió, Cà Mau có 3 mặt giáp biển, ở độ cao từ 80m - 100m, tốc độ gió biển trung bình từ 6,3m - 7m/s. Về điện mặt trời, số giờ nắng trung bình ở Cà Mau là 2.192,3 giờ/năm, lượng bức xạ mặt trời trung bình cả năm tới bề mặt ngang là 4,82kWh/m2/ngày.
Về điện đốt rác, theo quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có quy hoạch 3 khu xử lý chất thải rắn tập trung liên huyện có khả năng phát điện khi xử lý đốt chất thải. Bao gồm, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn huyện U Minh với công suất xử lý 800 - 1.000 tấn/ngày; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn huyện Năm Căn với công suất xử lý 600 tấn/ngày; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn huyện Đầm Dơi với công suất xử lý 200 tấn/ngày.
Theo dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), tỉnh Cà Mau được phân bổ phát triển lũy kế đến năm 2030 với 1.060MW điện gió, 15MW điện mặt trời mái nhà, 24MW điện sinh khối và 16MW điện đốt rác.
Tỉnh Cà Mau còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc chỉ đạo ban hành khung chính sách pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, xuất khẩu điện. Trong đó nghiên cứu xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; hoàn thiện mô hình thị trường điện cạnh tranh; cơ chế bán điện trực tiếp; cơ chế đầu tư lưới điện theo hình thức xã hội hóa… nhằm tạo điều kiện pháp lý trong tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Mekong ASEAN: Với những kết quả đạt được, ông đánh giá như thế nào về kết quả phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau trong năm vừa qua và dự báo về tình hình phát triển trong năm 2024?
Ông Huỳnh Quốc Việt: Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 45.471 tỷ đồng, tăng 7,83%; GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 24.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 5.747,5 tỷ đồng, vượt 18,9% dự toán.
Tổng lượt khách du lịch năm 2023 ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 18% so với năm 2022, vượt 13,5% kế hoạch năm. Tính từ đầu 2023 đến nay, tỉnh đã cấp 537 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 2.516,5 tỷ đồng; thu hút 14 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 501,94 tỷ đồng.
Về sản xuất, Cà Mau tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững. Tình hình hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản và các nhà máy trong Cụm khí - điện - đạm ổn định, các sản phẩm như điện sản xuất, khí thương phẩm, LPG - Condensate, phân bón đều đạt, vượt kế hoạch và tăng so với năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tỉnh năm 2023 vẫn còn đối mặt với một số khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 8,5% so với năm trước; hoạt động xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh - tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 của tỉnh như GRDP tăng khoảng 7% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 26.800 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,25 tỷ USD; thu ngân sách đạt 5.336 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 12.579,9 tỷ đồng…
Năm 2024, tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung phát triển kinh tế biển, thủy sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch… để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Cà Mau tập trung thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2024 tỉnh Cà Mau tập trung phát triển kinh tế biển, thủy sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch… để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Ảnh: CTTĐT Du lịch tỉnh Cà Mau |
Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời, Cà Mau tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tỉnh sẽ hoàn thiện và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện các Kế hoạch phát triển du lịch, chương trình, sự kiện “Cà Mau - Điểm đến” năm 2024. Tập trung nguồn lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; nâng cao chất lượng dịch vụ qua các loại hình phù hợp để du lịch Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn.
Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!