Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương

Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương

OCOP Hải Dương
16:19 - 26/08/2023
Việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Hải Dương đang góp phần thúc đẩy sự phát triển khu vực nông thôn, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương là tỉnh có lịch sử văn hóa lâu đời với nhiều làng nghề truyền thống, cùng các đặc sản, nông sản nổi tiếng… mang thương hiệu, nét đặc trưng riêng. Thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn bền vững.

Đây cũng là giải pháp để thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Tính đến ngày 30/6/2023, số lượng sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng trên địa bàn Hải Dương là 234 sản phẩm.

Tính đến ngày 30/6/2023, số lượng sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng trên địa bàn Hải Dương là 234 sản phẩm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Thị Dung cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1438/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”.

Hàng năm, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” các năm 2019, 2020, 2021, 2022 và Kế hoạch về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2025 (Chương trình OCOP).

Trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đều ban hành các văn bản triển khai kế hoạch thực hiện và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố đăng ký danh sách sản phẩm tham gia.

Vải thiều Thanh Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang đề nghị chứng nhận 5 sao.

Vải thiều Thanh Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang đề nghị chứng nhận 5 sao.

Đồng thời, biên soạn, xây dựng tài liệu và cẩm nang thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP. Phối hợp với cấp huyện khảo sát các sản phẩm đăng ký tham gia để đánh giá sản phẩm tiềm năng và tính khả thi của sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể chuẩn hóa, phát triển sản phẩm và hồ sơ sản phẩm theo tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ vận hành Chương trình OCOP các cấp để nâng cao nhận thức, cũng như nâng cao kỹ năng trong công tác đánh giá tại cấp xã, huyện trước khi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh…

Những sản phẩm OCOP tiêu biểu

Ở huyện Tứ Kỳ, nghề khai thác rươi có từ lâu và được người dân nơi đây ví rươi như là "lộc trời". Rươi của huyện thường được phân phối đi các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… và được xuất khẩu. Hiện toàn huyện có khoảng 500 ha diện tích khai thác rươi, tập trung ở các xã ven sông Thái Bình như An Thanh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Quang Trung, Bình Lãng, vào thời điểm tháng 9 - 11 âm lịch là thời điểm người dân khai thác rươi chính vụ.

Năm 2019, sản phẩm rươi cấp đông của huyện Tứ Kỳ được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Sau khi được chứng nhận, khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tìm mua nhiều hơn. Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh chia sẻ, sau khi được chứng nhận OCOP, nhiều khách hàng đã tin tưởng sản phẩm rươi của HTX hơn vì biết rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất.

Chủ thể tham gia Chương trình OCOP giới thiệu sản phẩm đến lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh và đối tác.

Chủ thể tham gia Chương trình OCOP giới thiệu sản phẩm đến lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh và đối tác.

Cũng trong năm 2019, sản phẩm cải bắp của HTX Tân Minh Đức (huyện Gia Lộc) đã được UBND tỉnh Hải Dương chứng nhận đạt 4 sao. Chứng nhận này đã giúp cải bắp của Hợp tác xã tiêu thụ thuận lợi hơn trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích...

Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức cho biết, chương trình OCOP là đòn bẩy để thúc đẩy các HTX nông nghiệp nói chung và HTX Tân Minh Đức nói riêng đầu tư cho sản phẩm lợi thế. Với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, OCOP đã trao thêm cơ hội cho các HTX để có thể thay đổi cả về chất và lượng.

Theo báo cáo của UBND huyện Kim Thành, trên địa bàn huyện hiện có 15 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng 3-4 sao. 2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao là dưa lưới của HTX Âu Việt Farm và ống hút ngũ cốc của CTCP 5S. Từ khi tham gia chương trình OCOP, nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã tăng sản lượng hàng bán ra. Còn theo báo cáo của các đơn vị, chủ thể cho biết, việc bán sản phẩm tăng khoảng 20% so với khi chưa tham gia chương trình OCOP.

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP của Hải Dương tại sự kiện ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP của Hải Dương tại sự kiện ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tính đến thời điểm 30/6, số lượng sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 234 sản phẩm. Trong đó có 138 sản phẩm 3 sao, 94 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao.

Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 - 4 sao

Trao đổi với Mekong ASEAN, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Phạm Thị Đào cho biết, sau khi các sản phẩm được đánh giá và cấp giấy chứng nhận, Sở đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn quốc; hỗ trợ kết nối thông tin các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, trên nhóm chương trình quản lý OCOP của Trung ương...

Đồng thời, thường xuyên, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP xây dựng thương hiệu; áp dụng công nghệ thông tin (Thương mại điện tử) trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các ngành, các cấp đã thể hiện sự quan tâm, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình. Đồng thời đã ban hành các Đề án, Kế hoạch, cơ chế chính sách, truyền thông, tuyên truyền cũng như hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phát triển và chuẩn hóa nhiều sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 - 4 sao và đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao cho các sản phẩm (Mỗi năm đều vượt so với chỉ tiêu Kế hoạch).

Các sản phẩm OCOP được đánh giá thận trọng, chuyên nghiệp về nhiều mặt nội dung; Hội đồng đánh giá gồm những cán bộ chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan như y tế, môi trường, khoa học công nghệ... Những sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên đều có giấy chứng nhận chất lượng quan trọng như VietGAP, ISO, HACCP...

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, sản phẩm OCOP của tỉnh được đầu tư, chú trọng về nhiều mặt không chỉ chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà bao bì, hình thức sản phẩm cũng đặc biệt được quan tâm. Điều đó thể hiện được sự đầu tư, chú trọng trong các khâu từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản cho tới đầu ra sản phẩm.

Vì vậy khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm tạo được uy tín với khách hàng hơn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, được hỗ trợ tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trên toàn quốc.

Trong đó, có nhiều sản phẩm tăng nhanh về doanh thu bán hàng, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như rau, củ, quả Thanh Hà; trứng gà Cẩm Đông; bột sắn dây nguyên chất Thành Nhàn; rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm; rau, củ, quả Tân Minh Đức; cam Thất Hùng; gạo nếp cái hoa vàng Phương Khiêm; thanh long ruột đỏ Đại Uyên...

Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới của Hải Dương phát triển.

Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới của Hải Dương phát triển.

Ngoài ra, một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU như vải thiều Thanh Hà, cà rốt tươi Đức Chính, na Chí Linh.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cho biết, xây dựng sản phẩm OCOP là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của từng địa phương. Hải Dương phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề với nhiều sản phẩm thế mạnh. Vì thế, chương trình OCOP sẽ tạo động lực giúp các địa phương phát triển, củng cố sản phẩm lợi thế theo chiều sâu.

Thông qua đó tạo dấu ấn riêng biệt cho từng vùng, từng khu vực. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bằng nguồn lực tại chỗ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay.

Đọc tiếp