Quầng mặt trời tại Hải Phòng: Ảnh: Facebook Liên Hương. |
Lý giải hiện tượng này, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, đây là hiện tượng quầng 22 độ của mặt trời, xảy ra khi các tầng cao khí quyển bị khô và chứa nhiều tinh thể băng dạng lục giác, ánh sáng mặt trời chiếu qua các tinh thể băng gây hiện tượng tán xạ và tạo thành một vòng sáng quanh mặt trời với bán kính 22 độ (độ rộng đường kính 44 độ).
Theo ông Sơn, hiện tượng này đa phần xuất hiện ở mặt trăng và cần có những điều kiện nhất định của khí quyển để xuất hiện ở mặt trời. Tùy vào thời tiết từng vùng, hiện tượng này có thể kéo dài từ vài phút tới vài giờ.
Chủ tịch VCCA thông tin thêm hiện tượng này không hề hiếm khi số ngày khô hạn ngày một tăng, trong những năm gần đây quầng mặt trời đã liên tục xuất hiện tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Bộ.
Về ảnh hưởng của hiện tượng này tới thời tiết, ông Sơn cho hay theo dân gian mỗi khi quầng mặt trời xuất hiện là dự báo thời gian sắp tới sẽ khô hạn, số ngày mưa ít.