Cơ hội còn để ngỏ cho gạo Việt tại thị trường ASEAN

Cơ hội còn để ngỏ cho gạo Việt tại thị trường ASEAN

XUẤT KHẨU asean
12:45 - 08/05/2022
Có nét tương đồng về văn hóa nên nhiều nước ASEAN coi gạo là nguồn lương thực chính. Do đó, nhu cầu tiêu thụ gạo tại thị trường này rất lớn trong khi không phải nước nào cũng có điều kiện thuận lợi để trồng lúa, mở ra cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trong số các thị trường lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam tại ASEAN là Philippines, với lượng gạo nhập khẩu bình quân khoảng trên 2 triệu tấn mỗi năm, chiếm khoảng gần 40% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2021, Philippines nhập khẩu từ Việt Nam 2,45 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 1,25 tỷ USD. Giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020.

Đứng thứ hai là thị trường Malaysia với nhu cầu nhập khẩu trung bình trên 1 triệu tấn gạo mỗi năm, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hơn 32,7 triệu dân trong nước. Dù Malaysia cũng là nước nông nghiệp với gạo là lương thực chính nhưng diện tích canh tác rất thấp, chỉ vẻn vẹn 0,7 ha. Vì vậy, dù Chính phủ nước này đã dành nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến mùa màng khiến sản lượng lúa gạo chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu trong nước. Do đó Malaysia vẫn phải nhập khẩu thêm lúa gạo từ các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia tại Phiên tư vấn Xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN vừa qua, tất cả gạo trắng hạt dài vào Malaysia chỉ được nhập khẩu độc quyền qua công ty Bernas Berhad. Đây là công ty đứng sau Chính phủ nhằm phân phối, đảm bảo an ninh lương thực của Malaysia.

Từ năm 1996, công ty này đã ký hợp đồng cung cấp gạo 25 năm (đến năm 2021) với công ty Vinafood của Việt Nam. Hợp đồng đã hết hạn năm 2021 nhưng tháng 3/2022, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Malaysia đã ký tiếp hợp đồng cung cấp 700.000 tấn gạo cho Malaysia trong năm 2022 với Vinafood.

Hiện gạo Việt Nam vào Malaysia thông qua công ty Bernas Berhad đều là hàng xuất thô và được đóng gói bằng bao bì của Malaysia, nên các thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa thể xuất hiện trên thị trường này. Vì vậy, bà Dung hi vọng trong vài năm tới, khi Malaysia chấm dứt chính sách độc quyền gạo của công ty Bernas Berhad, thì thương hiệu gạo Việt có thể xuất hiện trên các kệ hàng tại đây, cũng như hi vọng xuất khẩu gạo sang Trung Đông thông qua thị trường này.

Hiện các mặt hàng gạo thơm và gạo nếp dẻo được phép nhập khẩu vào thị trường Malaysia tuy nhiên quy mô còn nhỏ, manh mún. Để phát triển hơn tại thị trường này, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, sản lượng, giảm giá thành sản phẩm, đầu tư vào bao bì, đóng gói. Đặc biệt, nên đóng gói những bao nhỏ 5-10 kg nhằm dễ tiếp cận thị trường, dễ bảo quản, nhằm tạo ấn tượng tốt ban đầu cho sản phẩm.

Khi đại dịch Covid-19 qua đi, nhiều nhà nhập khẩu đã bắt đầu quan tâm gạo của Việt Nam. Hiện có 2 siêu thị nội địa đã kết nối với Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, nhằm hỗ trợ đưa gạo Việt bày bán tại siêu thị để quảng bá sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng.

Ngoài Phillipines và Malaysia, thị trường cũng tiêu thụ nhiều gạo của Việt Nam là Indonesia. Đây cũng là quốc gia nông nghiệp với điều kiện thuận lợi để trồng trọt, sản xuất lúa nước trên cả nước, với sản lượng năm 2021 là 54.4 triệu tấn thóc, tương đương 31,34 tấn gạo trên 10,4 triệu ha, sản lượng bình quân là 5,2 tấn thóc/ha. Tuy nhiên, Indonesia vẫn cần nhập khẩu gạo để đảm bảo lượng thực dự trữ quốc gia.

Ngoài ra, việc trồng lúa của Indonesia đem lại năng suất thấp, không hiệu quả, thu nhập của người nông dân thấp, trong khi giá thành lại cao, chất lượng sản phẩm còn thấp. Do đó, người nông dân nước này cũng không mặn mà với việc trồng lúa.

Trong 3 năm trở lại đây, lượng gạo nhập khẩu của Indonesia tăng trưởng tương đối ổn định. Năm 2019, Indonesia nhập khẩu 444.500 tấn trị giá 184 triệu USD. Năm 2020 là 356.286 tấn trị giá 195 triệu USD và năm 2021 là 407.740 tấn tương đương 184 triệu USD. Các thị trường cung cấp gạo chủ yếu cho Indonesia là Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước, Indonesia chỉ nhập khẩu các loại gạo mà thị trường nội địa không sản xuất được, như gạo chất lượng cao từ 0% đến 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan, gạo Japonica, gạo Basmati, gạo dành cho người bị tiểu đường và gạo 100% tấm từ Pakistan nhằm phục vụ sản xuất công nghiệp.

Hiện nay, tầng lớp trung lưu tại Indonesia đang gia tăng nhanh chóng, vì vậy, nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao cũng tăng nhanh, tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Năm 2022, Indonesia đang cố gắng giảm việc nhập khẩu và gia tăng sản xuất trong nước, khiến hạn ngạch xuất khẩu vào thị trường này bị thu hẹp. Điều này khiến việc cạnh tranh giữa gạo Việt Nam và gạo Thái Lan trong phân khúc gạo chất lượng cao ngày càng gay gắt hơn.

Hiện Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu xuất khẩu gạo lớn tại thị trường này nên khó tiếp cận được với các đối tác và người tiêu dùng tại đây. Trong khi đó, các thương hiệu gạo Thái Lan và gạo Nhật đã xuất hiện nhiều trên các kệ hàng tại Indonesia.

Về tiềm năng tái xuất khẩu cho gạo Việt sau khi đã vào một nước ASEAN thì Lào đang cho thấy nhiều triển vọng. Đây là quốc gia với dân số 7 triệu người, nhu cầu tiêu thụ gạo không cao, hơn nữa, người dân ở đây ưa chuộng sử dụng gạo nếp hơn gạo tẻ.

Tuy vậy, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam của Lào vẫn duy trì mức tăng trước ổn định. Năm 2020 (thời điểm bắt đầu đại dịch), lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 63.000 tấn, tuy nhiên, sang năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở các quốc gia trong khối ASEAN, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ còn lại 12.000 tấn. Nguyên nhân khách quan có thể hiểu do dịch bệnh khiến các nước đều bị ảnh hưởng, mặt khác, dịch bệnh khiến cộng đồng người Việt tại Lào quay trở về nước, thiếu đi lượng tiêu thụ gạo của cộng đồng này.

Trong khi đó, mỗi năm Trung Quốc dành cho Lào hạn ngạch xuất khẩu 50.000 tấn gạo, còn EU cũng dành cho Lào nhiều ưu đãi do là nước kém phát triển. Tuy nhiên, sản lượng gạo của Lào chưa được nhiều, hệ thống canh tác còn kém, nên không đủ để xuất khẩu. Vì vậy, bà Lê Thị Phương Hoa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào, cho rằng đây là cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam khi gạo sản xuất của Lào sẽ dành cho xuất khẩu, còn người tiêu dùng sẽ sử dụng gạo nhập khẩu. Như vậy, gạo Việt sẽ có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường này.

Trong khối ASEAN, thị trường tái xuất tiềm năng nhất chính là Singapore khi đảo quốc này đang hướng tới trở thành trung tâm thương mại quốc tế. Vì vậy, khoảng 60-70% lượng hàng nhập khẩu của đất nước này được dùng để tái xuất. Nên dù dân số chỉ 5,7 triệu người, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore quý I/2022 đã đạt 233 tỷ USD, tăng trưởng 21%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 123 tỷ USD, tăng 19%, kim ngạch nhập khẩu đạt 110 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng hóa tái xuất từ nước thứ 3 đạt 66 tỷ USD, chiếm 62% tổng hàng hóa xuất khẩu.

Như vậy, với mục đích tái xuất, hàng hóa nhập khẩu vào Singapore có yêu cầu rất cao về chất lượng, về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và về bao bì. Theo đó, bao bì xuất khẩu vào Singapore ngoài việc phải có bao bì phù hợp tính chất sản phẩm, đảm bảo giữ an toàn vận chuyển và giữ chất lượng sản phẩm, thì tối thiểu cần có nhãn hoặc nhãn phụ bằng tiếng Anh. Trên bao bì cũng cần in đầy đủ các tiêu chuẩn, chứng chỉ nếu có, đặc biệt đối với các sản phẩm Halal.

Ngoài ra, hiện nay, Singapore mới chỉ tự chủ được 10% lượng lương thực tiêu thụ nội địa và đang đặt mục tiêu tự chủ được 30% lương thực trong năm 2022. Vì vậy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nội địa Singapore cũng vẫn còn nhiều dư địa để khai thác.

Thái Lan đã chứng kiến sự hồi phục của ngành xuất khẩu gạo vào năm 2021, khi lượng gạo xuất khẩu của quốc gia này đạt 6,1 triệu tấn, cao hơn kế hoạch đề ra 6 triệu tấn, sau 2 năm sụt giảm mạnh. Để đạt được kết quả này, Chính phủ và ngành sản xuất gạo của Thái Lan đã có những thay đổi nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới. Trong đó có việc phát triển các giống gạo mới ngày càng nâng cao chất lượng gạo của Chính phủ Thái Lan. Hiện nước này đang giao Cục Lúa gạo phối hợp với các nhà nghiên cứu để nghiên cứu phát triển 12 giống gạo mới.

Cụ thể, trong năm 2021, Chính phủ Thái Lan đã thông qua chương trình Bảo hiểm lúa gạo với mức chi ngân sách tương đương 1,47 tỷ USD, nhằm bảo hiểm lúa cho nông dân và tăng mức tín dụng để trì hoãn việc bán lúa, thóc, gạo của vụ mùa ra thị trường. Đây là một biện pháp tốt để điều tiết nguồn cung sản phẩm tại từng thời điểm giúp giá được bình ổn và ít gây thiệt hại cho người nông dân hơn.

Hàng năm, Chính phủ Thái Lan cũng có các chính sách trợ cấp lúa gạo cho từng vụ mùa, năm 2021, mức chi của khoản này là khoảng 7,33 tỷ USD cho các hoạt động trợ cấp giá, hỗ trợ chi phí quản lý và thu hoạch, trợ cấp lãi suất và bình ổn giá và nâng cấp chất lượng gạo.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan cũng có sự hỗ trợ giảm phí xuất khẩu đối với thị trường trọng điểm của nước này như các nước châu Âu, đặc biệt là Anh, đây là những thị trường quan trọng đối với gạo chất lượng cao xuất khẩu của Thái Lan như gạo hữu cơ gạo lứt. Đây là những loại gạo Thái Lan đang đẩy mạnh phát triển để mở rộng thị trường, thu hút người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh của gạo Thái Lan trong phân khúc gạo chất lượng cao trước các đối thủ như Việt Nam, Ấn Độ.

Đọc tiếp