Cổ phiếu sức bền gọi tên FPT Retail, 8 tháng tăng 300%

FRT FPT Retail
17:26 - 27/02/2022
Long Châu và FPT Shop là 2 chuỗi bán lẻ chủ chốt của FPT Retail.
Long Châu và FPT Shop là 2 chuỗi bán lẻ chủ chốt của FPT Retail.
0:00 / 0:00
0:00
Từ vùng giá 30.000 đồng/cp, sau 8 tháng, hiện mã FRT của FPT Retail đã tăng lên 125.000 đồng/cp. Sự leo dốc bền bỉ của FRT phản ánh kỳ vọng lớn của nhà đầu tư khi doanh nghiệp liên tục đưa ra các chiến lược kinh doanh mới.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) vừa gây sóng trên sàn chứng khoán khi tăng liên tục 6 phiên với mức tăng trưởng 30%. Đây cũng là đợt tăng mạnh nhất của cổ phiếu này, sau thông tin chuỗi nhà thuốc Long Châu (trực thuộc FPT Retail) trở thành đơn vị đầu tiên phân phối thuốc điều trị Covid-19.

Cụ thể, ngày 17/2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Cùng ngày, FPT Long Châu ký hợp đồng phân phối 1 triệu viên thuốc trị Covid -19. Ngay sau đó, chuỗi nhà thuốc này còn tiếp tục ký thêm một hợp đồng số lượng 5 triệu viên. Từ chiều 23/2, thuốc đã có mặt trên khắp các nhà thuốc của Long Châu.

Thuốc trị Covid-19 thực sự là chất xúc tác khiến cổ phiếu FRT bật tăng mạnh. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, mã này đã có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Từ hồi đầu năm 2021 đến tháng 7/2021, FRT vẫn chỉ giao dịch quanh mức giá 30.000 đồng. Nhưng từ sau đó, FRT bắt đầu bước vào giai đoạn leo dốc bền bỉ. Mặc dù không có giai đoạn tăng sốc nhưng việc “lớn mỗi ngày” đã giúp cổ phiếu nhà FPT chinh phục mức giá hơn 100.000 đồng vào cuối tháng 12/2021.

Sang năm 2022, FRT cũng có một khoảng rơi về mức giá 80.000 đồng nhưng sau đó liền lấy lại phong độ. Và từ 18/2 đến nay liên tục chinh phục những mức đỉnh mới. Hiện tại vốn hóa của FPT Retail đạt 9.873 tỷ đồng, tương đương 430 triệu USD.

Cổ phiếu FRT tăng dựng đứng sau thông tin Long Châu phân phối thuốc trị Covid-19. Biểu đồ: Trading View

Cổ phiếu FRT tăng dựng đứng sau thông tin Long Châu phân phối thuốc trị Covid-19.

Biểu đồ: Trading View

Có ý kiến cho rằng việc cổ phiếu FRT tăng 30% chỉ trong 6 phiên cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng quá lớn vào hoạt động phân phối thuốc trị Covid-19 của FPT Retail. Bởi thuốc đã được cấp phép lưu hành nên hiện tại hầu hết các chuỗi nhà thuốc lớn khác đều đã tham gia phân phối. Việc bán thuốc điều trị Covid-19 cũng chỉ mang lại nguồn doanh thu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì có thể thấy, kỳ vọng của nhà đầu tư vào FRT không chỉ dừng lại ở thuốc điều trị Covid-19 hay Long Châu. Năm 2021, FPT Retail đạt doanh thu hợp nhất 22.495 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần năm 2020.

Theo FPT Retail, doanh thu năm 2021 tăng mạnh chủ yếu nhờ mảng điện thoại, laptop, trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm này hồi phục mạnh sau dịch và nhu cầu học tập và làm việc online tăng cao. Riêng mảng laptop của FPT Shop đã thu về 5.700 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.

Về chuỗi nhà thuốc Long Châu, tuy doanh thu tăng 3,3 lần so với năm 2020, đạt 3.977 tỷ đồng nhưng mới chỉ dừng lại ở mức có lãi nhẹ. Bởi chiến lược của FPT Retail thời gian qua vẫn là mở rộng mạng lưới hệ thống. Tính đến cuối năm 2021, Long Châu đã sở hữu 400 nhà thuốc, tăng thêm 200 nhà thuốc so với đầu năm. Riêng trong quý 4, gần 100 nhà thuốc mới đi vào hoạt động.

Năm 2021, FPT Retail còn chính thức lấn sân sang mảng sản phẩm gia dụng, điện tử thông minh với việc ký hợp đồng phân phối toàn bộ hệ sinh thái Mi Eco của Xiaomi.

Sau một năm đại thắng, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng 20%, lên 27.000 tỷ đồng, tức gần 74 tỷ mỗi ngày cho hai chuỗi FPT Shop và Nhà thuốc Long Châu. Cùng với tăng doanh thu, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế 30% so với năm 2021, lên 720 tỷ đồng.

Như vậy, việc tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và những chiến lược kinh doanh mới là những yếu tố chủ yếu giúp cổ phiếu của FPT Retail thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Tuy nhiên cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Một điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý là nợ phải trả của FPT Retail trong năm 2021 đã tăng mạnh gần gấp đôi lên 9.062 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Nợ vay tăng cao sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho công ty, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, không thể không kể tới sự cạnh tranh mạnh mẽ trong mảng phân phối công nghệ, dược phẩm khi trong năm qua. Thế Giới Di Động đã chính thức xâm nhập vào mảng kinh doanh cốt lõi của FPT Shop khi mở chuỗi cửa hàng công nghệ, chuyên bán tất cả các sản phẩm của Apple tại Việt Nam; đồng thời mua lại toàn bộ hệ thống nhà thuốc An Khang. Đó là chưa kể đến hệ thống phân phối bán lẻ của Pharmacity… hay thậm chí Masan khi cũng muốn nhảy vào lĩnh vực tiềm năng này khi hợp tác với chuỗi Phano Pharmacy.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.