Sau sáu năm triển khai lộ trình xây dựng, ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập. Sự kiện này là thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Cộng đồng ASEAN ra đời với mục tiêu: Xây dựng hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác bên ngoài.
Hình thành với ba trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.
Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC)
APSC được xây dựng với mục tiêu tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung. Cộng đồng hoạt động theo luật lệ với các giá trị, chuẩn mực chung; một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; và một khu vực năng động quan hệ rộng mở với bên ngoài.
Kế hoạch hành động dựa trên sáu lĩnh vực hợp tác chính:
- Hợp tác chính trị
- Xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử
- Ngăn ngừa xung đột
- Giải quyết xung đột
- Kiến tạo hòa bình xung đột
- Cơ chế thực hiện.
Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN khẳng định trụ cột quan trọng trong hợp tác phát triển
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)
Mục tiêu của cộng đồng là: Tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư – kinh doanh từ bên ngoài.
Kế hoạch tổng thể về AEC:
Đến năm 2015, ASEAN sẽ trở thành:
- Một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề
- Một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao
- Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả sáng kiến liên kết ASEAN (IAI)
- Một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
ASEAN cũng nhất trí xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết với lộ trình hoàn thành đến năm 2010, đó là:
- Hàng nông sản | - Các sản phẩm từ gỗ |
- Ô tô | - Vận tải hàng không |
- Điện tử | - Thương mại điện tử ASEAN |
- Nghề cá | - Chăm sóc sức khoẻ |
- Các sản phẩm từ cao su | - Du lịch |
- Dệt may | - Logistic |
AEC - nhân tố thay đổi luật chơi
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC)
Mục tiêu: Phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ.
Kế hoạch hành động dựa trên 4 lĩnh vực hợp tác chính là:
- Tạo dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc
- Giải quyết những tác động xã hội của hội nhập kinh tế
- Phát triển môi trường bền vững
- Nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN. Hàng loạt biện pháp/hoạt động cụ thể đã được đề ra trong từng lĩnh vực hợp tác này.
Tương tự như các trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh và Kinh tế, kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-xã hội (ASCC), một bộ phận của lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đang được ASEAN đẩy mạnh triển khai, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: phát triển nguồn nhân lực, phúc lợi và bảo trợ xã hội, quyền và công bằng xã hội, đảm bảo môi trường bền vững, xây dựng bản sắc ASEAN…
ASEAN đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội
Sự hình thành và phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN đã giúp cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bước sang một giai đoạn mới, năng động hơn, thực tế hơn, ASEAN sẽ góp phần tạo dựng một môi trường hòa bình an ninh và phát triển ở khu vực Đông Nam Á./