Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger dự đoán tình hình Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
12:17 - 08/05/2023
Cựu Ngoại trưởng - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Getty Images
Cựu Ngoại trưởng - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 7/5, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đưa ra một số dự đoán về cuộc xung đột tại Ukraine khi tuyên bố một bước ngoặt lớn về chiến sự đang diễn ra và các cuộc đàm phán hòa bình với Trung Quốc làm trung gian có thể bắt đầu từ cuối năm 2023.

Hãng tin RT trích dẫn lời của nhà ngoại giao 99 tuổi trong một cuộc phỏng vấn ngày 7/5 với kênh truyền hình CBS cho biết: “Hiện giờ Trung Quốc đã tham gia đàm phán nên tôi nghĩ rằng giao tranh sẽ đi đến hồi kết vào cuối năm nay”. Vào thời điểm đó, ông nhận định: "Chúng ta sẽ nói về quá trình đàm phán và thậm chí là cả các cuộc đàm phán thực tế”.

Trước đó hồi tháng 2/2023 vào dịp kỷ niệm một năm Nga khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine, chính phủ Trung Quốc đã công bố bản kế hoạch hòa bình 12 điểm mang tên “Lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”. Thông qua kế hoạch này, Bắc Kinh muốn thể hiện mình là một trung gian hòa giải tiềm năng giữa Moscow và Kiev, từ đó đóng góp vào hòa bình thế giới.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Mỹ và EU bác bỏ hoàn toàn khi chính phủ các nước này cáo buộc rằng Trung Quốc chỉ đang cố khiến thế giới không chú ý tới việc Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Moscow – một cáo buộc mà Trung Quốc đã phản đối nhiều lần.

Cụ thể, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 24/2/2023 từng khẳng định đề xuất hòa bình của Bắc Kinh “không có nhiều uy tín vì họ không lên án chiến dịch quân sự bất hợp pháp vào Ukraine”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trong cùng ngày cho rằng “nếu Trung Quốc thực sự nghiêm túc về nó và về vấn đề chủ quyền thì chiến sự có thể kết thúc ngay ngày mai”.

Về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, RT cho biết, ông mô tả một số điểm trong kế hoạch này là “phù hợp” với quan điểm của Moscow. Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cũng hoan nghênh một số điểm của kế hoạch hòa bình, tuy nhiên khẳng định rằng Kiev sẽ không thỏa hiệp với Nga dưới bất kỳ hình thức nào.

Kể từ tháng 10/2022 khi nhà lãnh đạo Ukraine ký sắc lệnh cấm liên lạc với Điện Kremlin, các cuộc đàm phán giữa 2 bên trực tiếp liên quan tới chiến sự đã rơi vào bế tắc.

Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa nước này và NATO. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 5/5 tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ không được tổ chức với Tổng thống Zelensky mà với “người ở phía sau”. Về các yêu cầu của mình, Nga cho biết Ukraine cần duy trì tình trạng trung lập, phi hạt nhân, không gia nhập NATO và công nhận thực tế đang xảy ra đối với các vùng lãnh thổ mới”.

Mặt khác, chính phủ Ukraine cũng từng cho biết sẽ chỉ đàm phán với Nga khi nước này có một vị Tổng thống mới không phải Tổng thống Putin. Ukraine cũng từng tuyên bố rất nhiều lần về quan điểm giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập, trong đó bao gồm cả bán đảo Crimea được sáp nhập từ năm 2014.

Trước đó vào năm 2022 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, ông Kissinger từng khiến Kiev phản ứng giận dữ khi gợi ý rằng Ukraine nên chấp nhận quay trở lại tình trạng “status quo ante” – tình trạng trước chiến sự, tương được với việc Nga kiểm soát chính thức Crimea và không chính thức Donetsk và Lugansk.

Theo ông, Nga là một phần quan trọng của châu Âu trong 400 năm và đóng vai trò lực lượng cân bằng trong những giờ khắc then chốt của lục địa này, do đó, phương Tây nên nhận thức tầm quan trọng của Nga ở châu Âu và không để bị cuốn theo “cảm xúc nhất thời”.

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.